An Thị Thanh Nhàn ước mơ trở thành một kiến trúc sư từ khi học lớp 6. Nhàn kể: “Anh trai mình là kiến trúc sư và đã từng là sinh viên của trường Đại học Xây dựng. Niềm say mê của anh ấy với kiến trúc đã truyền cảm hứng, đưa mình đến với Đại học Xây dựng và theo học ngành kiến trúc”.
Ngày đầu vào giảng đường đại học, Nhàn đã ý thức chăm chỉ, cố gắng vươn lên trong học tập. Cô thấy điều đó không chỉ cần để xây dựng nền tảng kiến thức tốt mà còn rất quan trọng để thực hiện ước mơ đi du học như các anh, chị trong gia đình.
Học một ngành khá nặng, phù hợp với nam giới hơn nhưng Nhàn chưa bao giờ nhụt chí. Ngược lại, cô luôn trong top đầu những người có điểm số học tập cao, kể cả các bộ môn học về nền móng, kết cấu, vật liệu, bê tông, cốt thép. Dù mỗi lần thiết kế công trình, cô phải đi thực địa tìm hiểu rất nhiều thứ. Tuy nhiên, cô gái đã học và thực hành rất tốt. Từ khi là sinh viên năm thứ 3, An Thị Thanh Nhàn đã bắt đầu nhận được đơn đặt hàng thiết kế, kiếm tiền từ những ý tưởng sáng tạo của mình để tự trang trải cuộc sống.
Cô gái nhỏ nhắn xinh xắn, theo đuổi lĩnh vực kiến trúc xây dựng rất có duyên với những giải thưởng và tham gia hội thảo nước ngoài. Theo Nhàn, các hoạt động đó rất có ý nghĩa đối với cô, là một phương pháp học tập tốt cho sinh viên ngành kiến trúc có cơ hội được quan sát, nhìn nhận và so sánh từ kiến thức chuyên môn, tới phương pháp tiếp cận, tư duy của sinh viên nước bạn.
Trong quá trình học đại học, Nhàn đã đoạt giải Ba nghiên cứu khoa học về nhà ở công nhân; Giải Ba thiết kế công trình xanh tại đợt tập huấn thiết kế công trình xanh đồng tổ chức bởi Hội đồng Công trình xanh Việt Nam, Tập đoàn Saint Gobain và khoa Kiến trúc Quy hoạch (Đại học Xây dựng). Cô cũng đã nhận Bằng khen thành tích học tập xuất sắc nhất khóa 56KD; Giành Học bổng Giỏi các kì của trường; Học bổng INAX ; Học bổng Nữ sinh Merali trong 5 năm học… Nay, cô đã nhận bằng Đại học và trở thành một kiến trúc sư.
Nguồn cảm hứng không vơi cạn
An Thị Thanh Nhàn đã thiết kế rất nhiều ngôi nhà, quán cà phê, trung tâm giải trí… Cô nhận thấy rằng, mỗi công trình kiến trúc là một bài toán. Bản thân người thiết kế, kiến trúc sư phải tìm ra phương án giải đáp, bằng việc tạo nên bản vẽ và đưa nó vào thực tiễn xây dựng.
Với nữ thủ khoa này, nguồn cảm hứng thiết kế chưa bao giờ vơi cạn. Chỉ cần cây bút và trang giấy, thì ở bất cứ nơi đâu, giờ nào, Nhàn cũng có thể chắp bút cho những ý tưởng thiết kế sáng tạo. Tuy nhiên, trước khi hình thành, hoàn thiện bản vẽ có giá trị kinh tế, nghệ thuật, cô gái phải thực hiện nhiều công đoạn: Khảo sát thực địa, tìm hiểu nhu cầu của chủ đầu tư, lên ý tưởng dựa trên thực tế, kiến thức đã học và tham khảo từ rất nhiều nguồn tài liệu khác nhau.
Chia sẻ bí quyết để học tập tốt, cũng như khẳng định tay nghề, cô gái cho biết: “Mình luôn có tinh thần cầu tiến, ham học hỏi, chủ động học tập chứ không phải bị ép buộc phải học. Các bạn sinh viên cần nắm chắc, rõ ràng từng vấn đề, không nên học kiểu đối phó với thầy cô hay những kỳ thi. Hơn nữa, ngoài việc học các môn trên lớp, mỗi người cần tìm cơ hội để đi làm thêm. Việc thực hành kiến trúc tại các văn phòng luôn là thước đo hữu ích để so sánh giữa lý thuyết và thực tế”.
Nhàn kể, cô từng rong ruổi theo anh trai qua các công trình, được nhìn anh vẽ, lắng nghe anh bảo vệ phương án trước khách hàng... Cô hiểu rằng, ở lớp, sinh viên được các thầy cô cung cấp những tình huống, phương pháp học, tư duy giải quyết các vấn đề giả định trong sách vở. Bên cạnh đó, vốn kiến thức thực tế vô cùng rộng lớn. Tiếp thu lý thuyết và áp dụng nó vào thực tiễn bằng cách trải nghiệm giúp Nhàn sớm trưởng thành.
Tác giả bài viết: Theo Đông Sơn/Tuổi trẻ thủ đô