Suy thận hay tổn thương thận là tình trạng suy giảm chức năng của thận. Về thời gian mắc bệnh, người ta thường chia thành hai nhóm bệnh là suy thận cấp (thuật ngữ chuyên môn gọi là tổn thương thận cấp) và suy thận mạn (thuật ngữ chuyên môn gọi là bệnh thận mạn).
Suy thận cấp là sự suy giảm nhanh chức năng thận trong vài ngày đến vài tuần. Sau điều trị có thể phục hồi hoàn toàn hoặc một phần chức năng thận.
Suy thận mạn, đó là một quá trình tiến triển dài và không phục hồi. Mục tiêu điều trị nhằm làm chậm diễn tiến của bệnh và hạn chế những biến chứng có thể xảy ra.
Suy thận hầu hết sẽ làm tổn thương các Nephron (một đơn vị cấu trúc của thận) khiến thận không thể loại bỏ chất thải ra khỏi cơ thể. Nếu không điều trị hoặc điều trị thất bại sẽ gây mất chức năng thận. Mất chức năng thận rất nghiêm trọng và có khả năng gây tử vong. Vì vậy việc giữ cho thận luôn khoẻ mạnh là điều vô cùng quan trọng. Dưới đây là những thói quen xấu dễ dẫn đến suy thận mà bạn cần tránh.
-Thói quen ăn mặn
Để phòng ngừa bệnh suy thận, nên giảm lượng muối tiêu thụ trong mỗi bữa ăn. Ảnh minh họa. |
Thận chịu trách nhiệm chuyển hóa 95% lượng natri thu nạp qua thức ăn. Khi lượng muối nạp vào cơ thể ở mức cao, thận phải làm việc nhiều hơn để loại bỏ lượng muối dư thừa. Điều này có thể dẫn đến giảm chức năng thận. Lượng muối dư thừa trong chế độ ăn uống cũng gây giữ nước và làm tăng huyết áp. Huyết áp cao thường xuyên sẽ gây hại thận và là nguyên nhân hàng đầu gây suy thận. Vì vậy để phòng ngừa bệnh suy thận, nên giảm lượng muối tiêu thụ trong mỗi bữa ăn.
-Thói quen ăn nhiều đồ ngọt
Ăn quá nhiều đường khiến huyết áp tăng cao và gây ra bệnh tiểu đường, ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động của thận. Bên cạnh đó, các loại nước ngọt chứa nhiều axit với độ pH cao cũng gây ảnh hưởng đến hoạt động của thận. Nguyên nhân, thận là cơ quan điều chỉnh độ pH của cơ thể, nếu uống quá nhiều nước ngọt trong một thời gian dài sẽ làm tăng nguy cơ mắc bệnh suy thận.
-Thói quen bỏ bữa sáng
Thông thường, buổi sáng là thời gian túi mật hoạt động bài tiết dịch để chuẩn bị cho việc tiêu hóa thức ăn. Tuy nhiên khi túi mật không có thức ăn để tiêu hóa sẽ làm cho dịch mật tích tụ lâu hơn trong cơ thể. Cứ như vậy trong một thời gian dài sẽ tạo điều kiện hình thành sỏi mật, sỏi thận, từ đó dẫn đến bệnh suy thận.
-Thường xuyên nhịn tiểu
Nhịn tiểu thường xuyên làm nước tiểu ứ đọng bên trong bàng quang, gây viêm nhiễm bàng quang và suy thận. Ảnh minh họa. |
Nhịn tiểu thường xuyên làm nước tiểu ứ đọng bên trong bàng quang, gây áp lực lên bộ phận này của cơ thể. Lúc này, bàng quang sẽ trở thành nơi cho các vi khuẩn phát triển và xâm nhập vào cơ thể, từ đó gây viêm nhiễm bàng quang và suy thận.
-Lười uống nước
Uống quá ít nước mỗi ngày là một trong những nguyên nhân gây nên suy thận. Khi lượng nước được nạp và cơ thể quá ít, hệ tiết niệu cũng hoạt động ít hơn. Do đó phải mất một thời gian để tích trữ nước tiểu cho một lần đào thải. Nước tiểu khi đó sẽ trở nên đậm đặc hơn. Các chất thải, chất độc sẽ lắng đọng xuống khiến cho thận dễ hình thành sỏi. Quá trình này lâu dài sẽ ảnh hưởng đến hoạt động của thận và gây suy thận.
Tuy nhiên, uống quá nhiều nước cũng không tốt. Khi đó thận sẽ phải làm việc nhiều hơn. Vì vậy, để phòng tránh bệnh suy thận nên uống lượng nước vừa đủ với nhu cầu của cơ thể.
-Thường xuyên uống bia, rượu
Chất cồn trong bia, rượu ảnh hưởng rất lớn đến chức năng lọc và thải độc khỏi máu của thận. Bia rượu sẽ gây ứ đọng acid uric, làm tắc nghẽn ống thận và khiến thận bị suy một cách nhanh chóng.
-Hút thuốc lá
Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng có một mối liên hệ giữa hút thuốc lá và các bệnh liên quan đến thận. Ảnh minh họa. |
Hút thuốc lá sẽ tàn phá các mạch máu, làm giảm lưu lượng máu đến thận. Nó thậm chí có thể làm mất chức năng thận và làm cho các bệnh thận bạn đang mắc phải trở nên tồi tệ hơn. Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng có một mối liên hệ giữa hút thuốc lá và các bệnh liên quan đến thận. Trong thực tế, hút thuốc là một trong những nguyên nhân hàng đầu của bệnh thận giai đoạn cuối và suy thận.
-Ăn ít rau, nhiều thịt
Ăn quá nhiều thịt, đặc biệt là thịt đỏ sẽ khiến thận phải hoạt động nhiều hơn để thải các chất độc có trong thịt. Trung bình người 50kg sẽ cần khoảng 40gr protein mỗi ngày, tương được với 300gr thịt. Do vậy để phòng ngừa bệnh suy thận, nên ăn thịt với lượng vừa phải.
-Tự ý dùng thuốc và dùng thuốc sai cách
Việc tự ý dùng thuốc, dùng sai cách có thể dẫn đến tổn thương thận, suy thận. Một số loại thuốc có thể gây tổn thương thận (đặc biệt là khi dùng dài ngày, liều không thích hợp) như kháng sinh nhóm Aminoglycoside, thuốc kháng lao, hóa chất điều trị ung thư, thuốc cản quang, thuốc đông y không rõ nguồn gốc… Chính vì vậy, để phòng ngừa bệnh suy thận bạn không nên tùy ý sử dụng thuốc khi chưa có chỉ định của bác sĩ.
Tác giả: Minh Hoa (t/h)
Nguồn tin: nguoiduatin.vn