Giáo dục

Xót xa thân phận "giáo viên hợp đồng"

Ngày khai giảng sắp cận kề, trong niềm hân hoan của học sinh và các đồng nghiệp, với các giáo viên “duyên phận hợp đồng” lại chung một mối suy tư bởi lương thấp, chơi vơi với nghề. Họ không lo sao được, bởi dù muốn gắn bó với nghề, nhưng lương thấp, không chế độ bảo hiểm và thường trực mối lo bị chấm dứt hợp đồng.

Nâng mức ưu đãi sẽ giúp giáo viên yên tâm công tác. Ảnh minh họa: Chí Cường

Dạy theo tiết, hè không lương

Từ tháng 6 đến nay nghỉ ở nhà không lương, cô N. giáo viên dạy thể chất của một trường công lập thuộc một huyện miền biển ở Thanh Hóa chia sẻ, 3 tháng hè nghỉ đều không lương, gia đình kinh tế khó khăn, trông mong vào thu nhập của chồng cũng không đủ, đành chọn việc bán hàng thêm. Tranh thủ lúc rảnh bán hàng, mỗi tháng cô N. cũng được gần 1 triệu đồng đỡ đần chồng con.

Kể về hành trình xin việc, cô N. tâm sự, cô là giáo viên hợp đồng từ năm 2011 đến nay, lúc học đại học chỉ biết học thật tốt, ra trường để dạy học. Tốt nghiệp đại học năm 2010 nhưng hơn một năm vất vả mới xin được đi dạy học cách nhà 15km, mức lương 1,5 triệu đồng/tháng, nhưng hết năm học trường không ký hợp đồng nữa. Vậy là phải đi xin ở trường khác, lương vẫn 1,5 triệu đồng/tháng hợp đồng. Năm học rồi cô N. mới được nâng lương lên 2,3 triệu đồng/tháng, nhưng trường mới nhận giáo viên biên chế, không biết năm tới cô có được dạy học nữa không.

“Mình luôn cố dạy thật tốt và có nhiều thành tích, thế nhưng ở tỉnh mãi vẫn không có biên chế mặc dù ở các tỉnh năm nào cũng tuyển giáo viên. Ở tỉnh mình có nhiều giáo viên giống mình, đều ký hợp đồng 3 tháng 1 lần, không có chế độ, bảo hiểm gì và hè là nghỉ không có lương. Vất vả để trụ với nghề, nhưng năm học mới đến rồi không biết tương lai của mình ra sao, có được trở lại trường nữa hay không, dù trở lại dạy học thì mãi cứ bấp bênh vì lương thấp, hợp đồng ngắn hạn không biết cắt lúc nào”, cô N. tâm sự.

10 năm dạy học với danh nghĩa giáo viên hợp đồng, cô L.H.T - giáo viên tiểu học ở Vinh (Nghệ An), chia sẻ: “Năm 2007 tôi ra trường lương 700 nghìn đồng/tháng, đến giờ tháng nào gắng lắm cũng chỉ tầm 3,5 triệu đồng. Công việc lại khá áp lực, mà không được tham gia bảo hiểm xã hội, nghỉ hè không có lương. Hợp đồng dạy học chỉ tính theo tiết, dạy nhiều hưởng nhiều, nhưng có những đồng nghiệp dạy môn phụ thu nhập cũng chỉ chưa đến 2 triệu đồng. Mình vẫn dạy học đến ngày hôm nay là yêu nghề và cũng nhờ chồng công việc ổn định, chứ không khó mà trụ được”.

Cần nâng mức ưu đãi với nhà giáo

Trên đây chỉ là hai trong số rất nhiều giáo viên “thân phận hợp đồng” trên phạm vi cả nước. Phần lớn những giáo viên này, thời gian nghỉ hè chỉ một số nơi là cho hưởng lương 2 tháng, còn lại phổ biến là không lương. Với những giáo viên ấy, nghỉ hè dài đằng đẵng và tranh thủ làm thêm để phụ giúp gia đình, có thêm quyết tâm trụ lại với nghề. Vậy nên, vào năm học mới nhiều giáo viên chờ đợi đến ngày dạy học trở lại để có thêm thu nhập và cũng để biết mình có được nhận trở lại hay không.

Được biết, do áp lực về thừa giáo viên và cũng không có nguồn kinh phí để chi trả cho giáo viên hợp đồng, ở một số nơi đã chấm dứt hợp đồng với tất cả giáo viên dạng này. Để gắn bó với nghề, mỗi giáo viên hợp đồng phải tự tìm trường để xin ký hợp đồng cho mình, không ít giáo viên phải vay mượn để “chạy” vào suất hợp đồng. Cứ thế, năm này qua năm khác hai từ “hợp đồng” là nỗi ám ảnh của họ, để yên tâm dạy học còn khó chứ họ chẳng dám mơ đến suất biên chế, nhất là ở các địa phương. Hiện tại, cả nước cũng thừa hàng chục nghìn cử nhân sư phạm ra trường chưa có việc làm.

Nhiều năm công tác tại ngành giáo dục, PGS.TS Phạm Tất Dong, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Trung ương Hội Khuyến học Việt Nam chỉ ra một thực tế, ngành sư phạm hiện nay ngày càng mất vị thế bởi nhiều nguyên nhân, một trong số đó là lương thấp, chế độ đãi ngộ thấp... Theo ông, chưa có nơi nào trên thế giới mà giáo viên phải đi dạy thêm, làm thêm nhiều như nước ta. Đây là lý do vì sao các trường ĐH, CĐ đào tạo sư phạm ở nước ta không thu hút được thí sinh giỏi và phải buộc “hạ giá” bằng lấy điểm thấp chỉ 9-10 điểm ở bậc CĐ và ngang điểm sàn ở bậc ĐH.

“Tôi thấy Bộ GD&ĐT có dự kiến bỏ biên chế trong giáo dục, thay vào đó là hợp đồng. Tôi cho rằng, nếu làm được thì tốt và phải đúng theo chủ trương, chứ bỏ (biên chế) rồi mà giáo viên vẫn khổ thì không được. Theo tôi, muốn đưa giáo dục nước nhà phát triển, cần phải nâng cao chất lượng giáo viên, giải quyết việc làm cho sinh viên sư phạm ra trường. Ngoài ra, có chế độ tiền lương tương xứng, giáo viên miền núi phải được hưởng lương cao gấp rưỡi so với thành phố, có nơi ở tử tế để yên tâm công tác”…PGS.TS Phạm Tất Dong đề xuất giải pháp.

Mới đây, trong Hội nghị Tổng kết năm học 2016-2017, Bộ GD&ĐT đã chỉ ra những điểm bất cập của năm học vừa qua, đó là: Tình trạng thiếu trường, lớp ở các khu công nghiệp, khu chế xuất còn phổ biến; tình trạng thừa, thiếu giáo viên cục bộ vẫn chưa được giải quyết; tình trạng sinh viên tốt nghiệp ra trường chưa tìm được việc làm còn nhiều... Lãnh đạo Bộ GD&ĐT cho biết, năm học 2017-2018, Bộ đã có những nhóm nhiệm vụ trọng tâm để khắc phục những tồn tại này.

Tác giả: Quang Anh

Nguồn tin: giadinh.net.vn

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP