Người dân xẻ trâu cướp thịt giữa đường. Ảnh: Intenet.
Chúng ta hãy nhớ lại một sự kiện rất đặc biệt vào ngày 21.3, truyền thông Hàn Quốc đưa tin về một phụ nữ Hàn rút từ ngân hàng ra 25 triệu won (tương đương khoảng 400 triệu VNĐ) rồi đem rải ngay quảng trường trước Tòa thị chính Seoul nhưng tuyệt nhiên không có một bóng dáng người Hàn nào nhảy vào hôi tiền. Người phụ nữ bị cảnh sát bắt giữ ngay lúc đó, số tiền trên cũng được cảnh sát thu dọn trong trật tự. Có nhiều nguyên nhân được đưa ra để lí giải cho hiện tượng lạ này nhưng nguyên nhân cơ bản nhất đó là tính kỹ luật, ý thức tuân thủ luật pháp và lòng tự trọng đã được rèn luyện ngay từ nhỏ của người dân Hàn Quốc.
Một người Hàn Quốc đã chia sẻ: “Sở dĩ không ai lượm tiền lúc đó là vì họ phải xấu hổ. Đó là vấn đề của lương tâm, của đạo đức. Còn pháp luật cũng quy định là người nhặt được tiền phải báo cảnh sát, nếu không thì bị phạt!”. Phạm Quang Văn - một người Việt hiện đang làm việc tại Seoul cũng chia sẻ: “Người Hàn Quốc không lượm tiền giữa đám đông, như vậy mất mặt lắm. Họ được giáo dục về điều đó.
Hơn nữa, ở Hàn chỗ nào cũng có camera, ai nhặt cũng khó thoát”. Nghĩa là, họ không hôi tiền là vì lòng tự trọng, sợ bị mất hình ảnh, sợ bị cộng đồng tẩy chay và sợ luật pháp trừng trị.
Nếu đó là hai lí do quan trọng nhất giúp chúng ta hiểu được cái kết khó tin của câu chuyện vứt một đống tiền ra đường mà không ai nhặt thì đó cũng là lí do giúp chúng ta hiểu được vì sao nạn hôi của ở Việt Nam lại xảy ra nhiều lần như vậy.
Thứ nhất, những người hôi của xảy ra ở Việt Nam thời gian qua có bị dư luận lên án nhưng họ không hề thấy xấu hổ và cũng không bị cộng đồng tẩy chay. Họ vẫn sống rất bình thường, coi như việc hôi của là đương nhiên xảy ra vậy, thậm chí có người còn không hề biết việc họ làm là sai. Hơn nữa, số lượng người tham gia hôi của khá đông nên họ càng thấy bình thường (sai nhưng đông người thì thấy ổn – đó là tâm lí chung của nhiều người). Lúc đầu là vài người xẻo thịt, người khác thấy cũng sà xuống xẻo thịt, người xung quanh không tham gia, nhìn thấy cũng không hề có động thái gì nên cuối cùng con trâu chỉ còn trơ lại một bộ xương.
Thứ hai là vì pháp luật chưa nghiêm hay có thể nói là chưa có hình thức xử lí nghiêm khắc đối với những hành động như thế này. Nếu chỉ dựa vào giá trị của tài sản bị “hôi” để xem xét thì rõ ràng những hành động “hôi bia”, “xẻo thịt trâu” chưa đủ để truy cứu về tội danh. Mỗi người vài chục lon bia, một ít thịt trâu thì không là bao nhưng nhiều người thì cả xe bia trị giá vài trăm triệu đồng, một con trâu là cả gia sản của một gia đình nông dân nghèo…đã đi tong.
Nếu chúng ta chỉ tuyên truyền về lòng tự trọng và truyền thống tốt đẹp “tương thân tương ái”, hỗ trợ đùm bọc của người Việt Nam ta mà không có một hình thức trừng phạt nghiêm minh hơn đối với những hành động như thế này thì hiện tượng hôi của sẽ càng ngày càng “leo thang” như tác giả Lê Xuân Chiến trao đổi: “Nếu vụ “hôi bia tập thể” trước đây là sự a dua, tiện tay hôi của giữa đường, hôi của trên sự rủi ro của người bị nạn, thì vụ “xẻ trâu cướp thịt” lần này tính chất vụ việc trầm trọng hơn: sự hôi của có chủ đích. Xẻ thịt trâu phải có dao, tiến hành giữa đường, giữa thanh thiên bạch nhật…”.
Vậy, để chấm dứt hiện tượng hôi của đáng xấu hổ này, chúng ta không chỉ cần tuyên truyền cho mỗi người bài học về lòng tự trọng, kiềm chế lòng tham mà còn cần những hình phạt nghiêm minh và xứng đáng hơn đối với những hành động cướp giật ngang nhiên như đã xảy ra.
Tác giả bài viết: THỦY LÂM
Nguồn tin: