Du lịch

Vượt núi lên "thủ phủ sâm ngọc Linh" thưởng thức chuột quý tộc, cá gác bếp

Chuột quý tộc và cá gác bếp là đặc sản đãi khách quý của đồng bào Xơ Đăng vùng "thủ phủ sâm Ngọc Linh" ở Kon Tum.

Xã Măng Ri nằm trong lòng chảo trên đỉnh núi Ngọc Linh (huyện Tu Mơ Rông, Kon Tum). Nơi đây có độ cao hơn 1.700 m so với mực nước biển. Khí hậu nơi đây quanh năm lạnh giá, mưa nhiều. Được thiên nhiên ban tặng cho khí hậu đặc biệt nên vùng đất đã sản sinh ra nhiều loại dược liệu quý như sâm Ngọc Linh, được ví như quốc bảo của Việt Nam.

Ở vùng đất có thảm dược liệu quý như Măng Ri, các món ẩm thực của bà con người Xơ Đăng cũng rất đa dạng, phong phú. Các món ăn truyền thống như gà nướng, thịt heo nướng, thịt bò nướng, cá nướng… đều mang hương vị và cách chế biến đặc sắc. Đặc biệt là món ăn chuột quý tộc và cá gác bếp.

Chuột đi săn được làm sạch rồi gác lên dàn bếp để hàng tháng trời.

Ông A Sỹ - Bí thư Đảng ủy xã Măng Ri, huyện Tu Mơ Rông - cũng là một người con của núi rừng Ngọc Linh. Từ xưa, ông đã cùng người dân trong làng lên đỉnh núi Ngọc Linh để đi săn loại chuột quý tộc này.

"Sở dĩ có tên chuột quý tộc này là vì chuột này nằm sâu trong cánh rừng già. Chúng thường vào vườn sâm Ngọc Linh các hộ dân để ăn củ sâm, lá sâm. Vào mùa từ tháng 3 đến tháng 5, bà con Xơ Đăng thường lên rừng để săn loại chuột quý hiếm này để bảo vệ sâm và dùng làm thực phẩm. Ăn thịt loại chuột này cũng rất có vị rất đặc biệt", ông A Sỹ cho biết.

Chuột ăn sâm nên được mệnh danh là chuột quý tộc. Người dân bản địa thường để dành đãi khách quý.

Tại các chốt bảo vệ vườn sâm, người dân thường để loại chuột đi săn được trên bếp lửa. Theo đó, chuột được làm thịt, rửa sạch rồi treo trên gác bếp nhiều ngày, thậm chí nhiều tháng trời. Hơi khói và độ nóng của ngọn lửa làm thịt chuột chín dần từ ngày này sang ngày khác.

Nếu muốn dùng, bà con phải mang xuống rồi rửa thật kỹ rồi hầm trong nhiều giờ để thịt mềm hơn. Những người ăn vội có thể rửa sạch rồi nướng trên than hồng và dùng với lá blu kít, loại lá chỉ có trên đỉnh Ngọc Linh.

"Thịt chuột xé ra kho với sả ớt hoặc chấm với muối, nước mắm, hương vị thơm ngon khó tả, khó tìm thấy được ở miền xuôi. Người dân vừa săn chuột phá hoại vườn sâm vừa tìm kiếm nguồn thức ăn dân dã cho gia đình, bạn bè", anh A Lực, người dân xã Măng Ri cho biết.

Món chuột quý tộc lên mâm.

Tương tự như món thịt chuột quý tộc thì món cá suối gác bếp cũng không kém phần hấp dẫn. Sau những buổi đi tuần rừng mệt mỏi, các thanh niên Xơ Đăng thường xuống suối để tắm rửa. Tiện thì đi săn thêm các loại cá suối như cá trê, cá lóc…

Sau đó, bà con mang về nấu ăn, ăn không hết lại gác lên bếp để dành mang theo lúc đi tuần rừng.

Theo quan sát, cá lóc, cá trê được làm sạch rồi gác lên các giàn bếp trong nhiều tuần. Lúc này, thịt cá bên ngoài đã ngã màu đen, nhưng bên trong vẫn còn màu hồng sẩm. Dưới lớp than hồng, mùi cá nướng gác bếp dậy mùi khiến thực khách khó cưỡng lại.

Món cá gác bếp.

Xã Măng Ri nay đã đổi đời khi cái đói, cái nghèo bị đẩy xa. Cuộc sống người dân giờ đây ngày càng khấm khá. Tuy nhiên, những nét văn hóa đặc sắc, trong đó có văn hóa ẩm thực, vẫn được giữ gìn. Những món ăn như chuột quý tộc và cá suối gác bếp đã được đưa lên làm đặc sản để mời du khách thưởng thức khi đến với "thủ phủ sâm Ngọc Linh".

Tác giả: Phạm Hoàng và Nay Sắt

Nguồn tin: Báo Dân trí

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP