Đẹp

Vị trí mọc mụn báo hiệu tình trạng sức khỏe bên trong

Mụn lưng, mụn cằm... xuất hiện không chỉ làm mất thẩm mỹ mà còn cảnh báo bạn về vấn đề sức khỏe nữa đấy.

Có một phương pháp chuẩn bệnh giúp bạn tìm hiểu những căn bệnh tiềm ẩn trong cơ thể chỉ qua những nốt mụn, nó có tên gọi là Face Mapping (bản đồ trị mụn) - một khái niệm bắt nguồn từ y học của người Hindu cổ xưa và Trung Quốc. Khi ấy, khuôn mặt chúng ta sẽ được xem như là một sơ đồ với nhiều phần riêng biệt, mỗi vị trí lại có mối quan hệ mật thiết với các bộ phận bên trong cơ thể. Vì thế, vị trí của những nốt mụn trên mặt như là lời "cầu cứu" của các cơ quan khi đang mắc bệnh.

Nguồn gốc hình thành

Theo Tiến sỹ Dan Hsu, chuyên về Đông y ở New York chia sẻ: "Việc lập bản đồ khuôn mặt đã được áp dụng từ hàng ngàn năm trước. Ban đầu chỉ đơn giản là từ những kinh nghiệm lâm sàng được lưu truyền trong dân gian. Ngày nay, có rất nhiều phương pháp hiện đại như xét nghiệm máu, chụp X – quang để chẩn đoán bệnh nhưng trước kia, các thầy thuốc thường nhìn vào thần sắc, bắt mạch mà tìm ra bệnh".

Trong y học Trung Quốc, mỗi bộ phận cơ thể đều có màu sắc, nhiệt độ và thể hiện ra bên ngoài thông qua những vị trí khác nhau trên gương mặt. Ví dụ như gan được biểu hiện thông qua đôi mắt. Thậm chí ngày nay, một trong những triệu chứng đầu tiên của bệnh vàng da (căn bệnh liên quan đến gan) là vàng mắt. "Phương pháp đã được áp dụng từ 2000 năm trước, và nó vẫn còn đúng cho đến tận bây giờ" - Hsu nói.

Làn da trên khuôn mặt bạn là một biểu hiện của sức khỏe bên trong. "Cơ thể được tạo thành từ một loạt các hệ thống như lympathic, thần kinh, tiêu hóa… và tất cả chúng được kết nối với nhau", ông giải thích. Việc lập bản đồ khuôn mặt là cách để phát hiện những gì đang xảy ra bên trong cơ thể của bạn, vì mỗi phần cơ thể được liên kết với nhiều cơ quan khác nhau.


Nếu bỗng dưng khuôn mặt bạn xuất hiện những nốt mụn bất thường, mặc dù đã qua tuổi dậy thì, hãy tham khảo phương pháp chẩn đoán bệnh thông qua Face Mapping để nhanh chóng tìm ra nguyên nhân và điều trị kịp thời.

Trán

Theo Đông y, khu vực phía trên lông mày của bạn có liên quan đến túi mật và gan của bạn. Do đó, những nốt mụn xuất hiện trên vùng trán là lời cảnh báo của các vấn đề về tiêu hóa, gan và chế độ sinh hoạt không lành mạnh như thức khuya, thiếu ngủ… Đặc biệt là bạn đang trong tình trạng stress nặng.

Để khắc phục tình trạng trên, hãy thay đổi thói quen sinh hoạt lành mạnh hơn, ngủ ít nhất 7 tiếng mỗi ngày hay bổ sung nhiều nước để thanh lọc cơ thể. Điều chỉnh lại chế độ dinh dưỡng với đầy đủ dưỡng chất và tránh xa thức ăn vặt, nhiều dầu mỡ để tránh những căn bệnh về đường tiêu hóa.

Thái dương

Mụn giữa hai lông mày, hay còn gọi là vùng thái dương có nghĩa là bạn đang hút thuốc quá mức hoặc nạp nhiều thực phẩm chứa chất bảo quản. Điều đó cũng nhắc nhở rằng, hệ tuần hoàn đang hoạt động kém hiệu quả và túi mật của bạn cũng gặp vấn đề. "Cắt giảm các loại thực phẩm đóng hộp và đầy chất béo như bơ, phô mai, ăn vặt đêm và hãy luyện tập thể dục nhiều hơn" - Hsu khuyên.

Mũi

Đừng ngạc nhiên khi biết rằng mũi được kết nối với phổi và tim của bạn. Những nốt mụn ở vùng mũi cho biết rằng, bạn đang ăn quá nhiều thực phẩm cay, thịt và muối. Điều này dẫn đến những căn bệnh về rối loạn dạ dày, chứng khó tiêu hay tuần hoàn máu kém.

Hãy thay đổi chế độ dinh dưỡng bằng các loại trái cây, rau quả, các loại hạt, các loại cá có nhiều chất béo tốt như omega – 3. Bên cạnh đó, bạn nên kiểm tra huyết áp và tăng cường bổ sung vitamin B có thể giúp làm biến mất những nốt mụn vùng này.

Theo Đông y thì có sự khác biệt giữa má trái và má phải. Nếu vấn đề về mụn xuất hiện ở phía bên trái khuôn mặt thì Hsu khuyên bạn nên ăn những thực phẩm làm mát cơ thể như bí đao, dưa chuột, khổ qua... "Bởi vì má trái được kết nối với gan và chúng hoạt động yếu nhất trong khoảng 1 giờ chiều đến 5 giờ chiều. Nếu bạn đang bị mụn trên má trái, hãy cố gắng tránh những công việc nặng nhọc trong thời gian này", ông nói thêm.

Còn má phải thì được kết nối trực tiếp với phổi. Do đó, bạn nên tập aerobic và hít thở vào buổi sáng sớm để tăng cường khí vào phổi. Mụn ở má phải cũng là dấu hiệu của việc tiêu thụ quá nhiều đường. Do đó, hãy chú ý tránh xa những món ăn vặt, đồ ngọt, thức ăn nhanh… bạn nhé.

Vùng miệng

Nếu bạn bị mụn trứng cá xung quanh khu vực miệng thì chắc chắn chế độ ăn uống của bạn không hề lành mạnh. Khu vực xung quanh miệng có liên quan mật thiết đến các cơ quan tiêu hóa như ruột và gan. Do đó, bạn nên cắt giảm các loại thực phẩm cay, hay đồ chiên ngập dầu. Bên cạnh đó, tăng cường bổ sung chất xơ từ trái cây và rau cũng là một giải pháp hữu hiệu.

Cằm

Mụn thường nổi xung quanh cằm có thể nguyên nhân là do chứng rối loạn hormone hay căng thẳng quá mức. Nghỉ ngơi, uống nước nhiều và bổ sung omega – 3 là những cách hiệu quả nhất để cải thiện tình trạng này. Nếu như vấn đề cứ kéo dài thì hãy đến gặp bác sĩ phụ khoa để kiểm tra chi tiết. Bên cạnh đó, việc chống tay lên cằm cũng là thói quen xấu dẫn đến nổi mụn vùng này.

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP