Thế giới

Vì sao Thổ Nhĩ Kỳ 'bắn tin phát một' vụ nhà báo Khashoggi?

Khi Ảrập Xêút cố tách mình khỏi vụ nhà báo Jamal Khashoggi bị giết trong lãnh sự quán nước này ở Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ từng bước "lật tẩy" các sự kiện ở mỗi ngã rẽ.

Thông tin tình báo liên tiếp được rò rỉ cho các hãng thông tấn của Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ. Mới nhất là đoạn video ghi cảnh một đặc vụ Ảrập Xêút rời tòa lãnh sự trong trang phục của nhà báo Jamal Khashoggi và xuất hiện ở một loạt địa danh nổi tiếng ở Istanbul. CNN dẫn lời một quan chức Thổ Nhĩ Kỳ nói người này là Mustafa al-Madani, một thành viên của nhóm 15 người bị nghi là được cử đi giết Khashoggi.

Ảnh: Business Insider

Và giới chức Thổ Nhĩ Kỳ cũng tăng cường đưa ra những tuyên bố thẳng thừng ngụ ý ban lãnh đạo ở Riyadh liên quan cái chết của nhà báo này. Tổng thống Recep Tayyip Erdogan thậm chí tuyên bố sẽ tiết lộ "sự thật trần trụi" đằng sau án mạng, ám chỉ kết luận mà Ảrập Xêút đưa ra cuối tuần trước rằng Khashoggi chết do cãi lộn dẫn tới ẩu đả là không đúng.

Omer Celik, phát ngôn viên của Đảng Phát triển và Công lý (AKP) cầm quyền, nói hôm 22/10 rằng vụ giết nhà báo "đã được lên kế hoạch theo một cách vô cùng man rợ" và bóng gió rằng "đã có rất nhiều nỗ lực xóa dấu vết".

Việc Thổ Nhĩ Kỳ liên tiếp rò rỉ thông tin phản bác Ảrập Xêút có thể là dấu hiệu cho thấy, Ankara đang cố gắng tận dụng sức mạnh tình báo để thu về một kiểu nhượng bộ nào đó từ Riyadh. Giới chuyên gia cũng nghi ngờ Thổ Nhĩ Kỳ đang tìm cách đạt được một thỏa thuận với Ảrập Xêút.

Lisel Hintz thuộc Trường Các nghiên cứu Quốc tế tân tiến của Đại học John Hopkins nhận định với Business Insider rằng, một loạt hành động mới nhất của Ankara "là dấu hiệu cho thấy chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ đang cố gắng xem có thể bòn rút được gì từ thông tin tình báo đang có trong tay".

"Thổ Nhĩ Kỳ đang cố gắng, thông qua các kênh không chính thức – như rò rỉ cho báo chí và các tuyên bố công khai – để Ảrập Xêút biết rằng mình đang có gì trong tay, hoặc ít nhất thể hiện họ biết rõ, hòng xem có thể thu về một cái giá nào đó", bà Lisel Hintz bình luận.

"Tôi không biết đó là gì – các hợp đồng quốc phòng, các hợp đồng xây dựng, một khoản tiền trả không chính thức – tôi không biết. Nhưng quan sát cách hành xử và việc rò rỉ thông tin qua những kênh không chính thức thì dường như [giới chức Thổ Nhĩ Kỳ] đang cố gắng để Ảrập Xêút hiểu rằng họ biết gì đó, và có thể đem ra trao đổi".

Ceylan Yeginsu, từng là thông tín viên của báo New York Times, nhận định Thổ Nhĩ Kỳ đang cố gắng giành được một kiểu thỏa thuận nào đó với Ảrập Xêút thông qua các đợt rò rỉ thông tin. Và các động thái cho đến nay chứng tỏ họ vẫn chưa đạt được điều mình muốn.

Kể từ khi nhà báo Khashoggi biến mất ngày 2/10, Ankara đã đảo chiều từ cáo buộc Riyadh chịu trách nhiệm về vụ việc sang từ chối buộc tội ban lãnh đạo Ảrập Xêút, và giờ đây gợi ý rằng vương quốc này đã lên kế hoạch vụ việc rồi định "xóa toàn bộ dấu vết".

Thổ Nhĩ Kỳ và Ảrập Xêút có quan hệ song phương khá thờ ơ. Cả hai hiện đang cạnh tranh vị thế dẫn đầu thế giới Hồi giáo nhưng theo các mô hình khác nhau. Thổ Nhĩ Kỳ dưới quyền Tổng thống Erdogan hợp tác với các tổ chức Tình Anh em Hồi giáo và Hamas mà Ảrập Xêút liệt vào hàng khủng bố. Ankara cũng công khai ủng hộ Qatar, kẻ thù của Riyadh trong khu vực.

Tuy vậy, giới phân tích cho rằng không nên vội tin vào những thông tin mà các quan chức Thổ Nhĩ Kỳ ẩn danh rò rỉ cho báo chí.

Một số tờ như Daily Sabah và Yeni Safak thường đăng tải các tuyên bố giật gân nhưng khó kiểm chứng, trong đó có tin về đoạn ghi âm giây phút Khashoggi bị giết trong đồng hồ Apple của ông - một tuyên bố mà giới chuyên gia vạch ra nhiều điểm đáng ngờ. Theo BBC, hai hãng tin Thổ Nhĩ Kỳ này trước kia đã từng đưa tin giả.

Tổng thống Mỹ Donald Trump tỏ ra nghi ngờ sự tồn tại của những đoạn băng như vậy. "Đến giờ, chúng ta mới chỉ nghe mà chưa ai nhìn thấy", ông Trump bình luận.

Tác giả: Thanh Hảo

Nguồn tin: Báo VietNamNet

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP