Giáo dục

Vì sao điểm chuẩn đại học nhiều ngành gần chạm ngưỡng tuyệt đối 29,95?

Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn nhận được tới trên 2.500 nguyện vọng đăng ký xét tuyển vào ngành Báo chí ở khối C00, trong khi đó chỉ có 25 chỉ tiêu chia cho 6 khối.

Hàng trăm trường ĐH trên cả nước đã công bố điểm chuẩn theo phương thức xét điểm thi tốt nghiệp THPT. Trong đó, có nhiều ngành điểm chuẩn gần chạm ngưỡng tuyệt đối.

Điểm chuẩn nhiều ngành gần "đụng trần"

Khối ngành khoa học xã hội nhân văn năm nay có điểm chuẩn rất cao. Tại Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐH Quốc gia Hà Nội, 3 ngành Đông phương học, Quan hệ công chúng và Hàn Quốc học ở tổ hợp xét tuyển khối C00 có mức điểm chuẩn cao nhất, lên tới 29,95 điểm.

Tiếp đến là ngành Báo chí khối C00 với điểm chuẩn 29,9. Các ngành xét tuyển tổ hợp C00 khác của nhà trường, điểm chuẩn ở mức từ 25,5 đến 29 điểm.

Tại Học viện Báo chí và Tuyên truyền, xét trên thang điểm 30, ngành lấy điểm chuẩn cao nhất là Truyền thông Đa phương tiện, ở tổ hợp C15 với 29,25 điểm.

Với nhóm ngành xét theo thang điểm 40, ngành lấy điểm chuẩn cao nhất gồm: Báo chí, chuyên ngành báo truyền hình (37,19 điểm ở tổ hợp D78, R26); Báo chí, chuyên ngành Báo mạng điện tử (36,5 điểm ở tổ hợp D78, R26), Truyền thông quốc tế (36,99 điểm ở tổ hợp D78, R26); Quan hệ công chúng, chuyên ngành Quan hệ công chúng chuyên nghiệp (37,6 điểm ở khối D78, R26);...

Đặc biệt, ngành Lịch sử năm nay có điểm chuẩn cao thuộc top đầu trong các ngành Học viện Báo chí và Tuyên truyền tuyển sinh, với 37,5 điểm ở khối C00; 37,5 điểm ở khối C19.

Thí sinh dự thi tốt nghiệp THPT (Ảnh: Mạnh Quân).

Các trường tuyển sinh ngành Luật cũng có mức điểm chuẩn cao. Đơn cử, Khoa Luật, ĐH Quốc gia Hà Nội lấy 28,25 điểm ở khối C00. Tại Trường ĐH Luật Hà Nội, ngành lấy điểm chuẩn cao nhất là Luật Kinh tế, ở tổ hợp xét tuyển C00 với 29,5 điểm. Ngành Luật, khối C00 của nhà trường năm nay lấy 28,75 điểm.

Ở khối ngành ngôn ngữ, nhiều ngành chạm mức điểm gần như tuyệt đối. Tại Học viện Khoa học quân sự, ngành Ngôn ngữ Nga lấy điểm chuẩn cao nhất (29,79 điểm với nữ), tiếp đến là Ngôn ngữ Anh (28,29 điểm với nữ), Ngôn ngữ Trung Quốc (28,25 điểm với nữ).

Tại Học viện Ngoại giao, ngành Trung Quốc học lấy điểm chuẩn cao nhất với 29,25 điểm ở tổ hợp C00. Điểm chuẩn cao thứ 2 là ngành Hàn Quốc học với 29 điểm, cũng ở tổ hợp xét tuyển C00.

Trên thang điểm 40, điểm chuẩn cao nhất tại Trường ĐH Ngoại ngữ, ĐH Quốc gia Hà Nội là các ngành Sư phạm Tiếng Trung (38,46 điểm), Sư phạm Tiếng Anh (38,1 điểm). Điểm chuẩn ngành cao nhất tại Trường ĐH Hà Nội là Ngôn ngữ Hàn Quốc (36,42 điểm).

Nhóm ngành Công nghệ thông tin cũng nằm trong top đầu về điểm chuẩn năm nay. Tại trường ĐH Công nghệ, ĐH Quốc gia Hà Nội, đây là ngành có điểm trúng tuyển cao nhất với 29,15 điểm, cao hơn năm ngoái 0,4 điểm.

Nhiều trường đại học khác cũng lấy điểm chuẩn cao đối với nhóm ngành này, như Trường ĐH Khoa học Tự nhiên, ĐH Quốc gia TP.HCM (ngành Khoa học máy tính chương trình tiên tiến lấy 28,2 điểm; ngành Công nghệ thông tin chương trình chất lượng cao lấy 27,2 điểm; ngành Máy tính và Công nghệ thông tin lấy 27,2 điểm), Trường ĐH Kinh tế quốc dân (27 điểm),…

Trong khi đó, tại Trường ĐH Bách khoa Hà Nội, có 5 ngành/chương trình đào tạo không sử dụng phương thức xét tuyển dựa vào kết quả thi tốt nghiệp THPT 2022, đều thuộc nhóm ngành Công nghệ thông tin. Đại diện nhà trường cho biết, đây là những ngành có tính cạnh tranh cao nhất, nếu sử dụng kết quả thi tốt nghiệp THPT 2022 có thể đẩy điểm chuẩn lên "đụng trần".

Vì sao điểm chuẩn nhiều ngành gần "đụng trần"?

Theo một số chuyên gia, phổ điểm thi tốt nghiệp THPT năm nay cao là một trong những lý do có thể khiến nhiều ngành phải lấy điểm chuẩn gần chạm ngưỡng tuyệt đối.

Trao đổi với PV Dân trí trước đó, GS.TSKH Nguyễn Đình Đức, Trưởng Ban Đào tạo, ĐH Quốc gia Hà Nội phân tích, trên thực tế, Bộ GD&ĐT đã điều chỉnh đề thi tốt nghiệp THPT để tránh mưa điểm 10, do đó sẽ khó có chuyện 30 điểm vẫn trượt đại học. Tuy nhiên, nhìn vào những con số thống kê cụ thể, có thể thấy điểm kết quả thi tốt nghiệp THPT năm nay vẫn cao.

Theo đó, với môn Ngữ văn, số bài thi đạt điểm 7 trở lên đạt 42,28%, trong khi tỷ lệ này năm ngoái là 41,7%. Môn Lịch sử, năm 2021, số điểm 8 trở lên là 5,44%, thì năm nay tỷ lệ thí sinh đạt điểm 8 trở lên là 18,1%. Do đó, tổ hợp xét tuyển có cả môn Văn và Sử sẽ có điểm rất cao.

Điều này lý giải điểm chuẩn của nhóm ngành khoa học xã hội nhân văn, đặc biệt là điểm khối C ở nhiều trường tăng mạnh.

Với môn Toán, số bài thi đạt điểm 8 trở đạt 21,8%. Môn Vật lý, số bài thi đạt điểm 8 trở lên đạt 22,74%. Môn Hóa học, số bài từ 8 điểm trở lên đạt 27,8%. Môn Giáo dục công dân, số bài đạt điểm 8 trở lên đạt 61,85%. Môn Tiếng Anh năm nay đã có sự điều chỉnh rõ rệt so với năm ngoái. Nếu năm ngoái tỷ lệ bài đạt 8 điểm trở lên là 18,3% thì năm nay, tỷ lệ này là 11,9%.

GS Đức cho rằng, với phổ điểm có tỷ lệ giỏi cao như trên của kỳ thi tốt nghiệp THPT, dễ hiểu tại sao ngày càng nhiều trường đại học, nhất là các trường lớn, uy tín, phải tổ chức các kỳ thi riêng, kỳ thi Đánh giá năng lực để tuyển chọn thí sinh có chất lượng tốt cho mình.

Một số ý kiến khác đề cập đến việc các trường sử dụng nhiều phương thức tuyển sinh, khiến cho số chỉ tiêu dành cho phương thức xét tuyển theo kết quả thi tốt nghiệp THPT quá ít. Đây cũng có thể là nguyên nhân khiến điểm chuẩn nhiều ngành bị đẩy lên cao.

Đơn cử như Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐH Quốc gia Hà Nội. Ngoài phương thức xét tuyển theo kết quả thi tốt nghiệp THPT, trường còn sử dụng các phương thức xét tuyển khác.

Cụ thể: Xét tuyển thẳng và ưu tiên xét tuyển theo Quy chế tuyển sinh hiện hành của Bộ GD&ĐT (gồm cả đối tượng là học sinh dự bị đại học dân tộc và người nước ngoài); Xét tuyển thẳng và ưu tiên xét tuyển theo quy định đặc thù, hướng dẫn tuyển sinh của ĐHQGHN; Xét tuyển kết quả thi đánh giá năng lực (HSA) năm 2022 do ĐHQGHN tổ chức; Xét tuyển chứng chỉ quốc tế.

Ngành Báo chí của nhà trường năm 2022 lấy 55 chỉ tiêu, trong đó phương thức xét tuyển theo kết quả thi tốt nghiệp THPT chỉ lấy 25 chỉ tiêu, chia cho các khối: A01, C00, D01, D04, D78, D83. Trong khi đó, Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn nhận được tới trên 2.500 nguyện vọng đăng ký xét tuyển vào ngành Báo chí ở khối C00.

Như vậy, tỷ lệ chọi năm nay vào ngành Báo chí của trường rất cao, đặc biệt ở khối C00, dẫn đến điểm chuẩn tăng gần "đụng trần".

Bên cạnh đó, có thể nhận thấy, các ngành lấy điểm chuẩn gần ngưỡng tuyệt đối năm nay đều là những ngành hot trong top đầu của các trường đại học lớn, luôn có tỷ lệ đăng ký nguyện vọng cao, điểm chuẩn dẫn đầu qua các năm.

Như tại Trường ĐH Hà Nội, chia sẻ với PV Dân trí, lãnh đạo nhà trường cho biết, các ngành lấy điểm đầu vào cao nhất: Ngôn ngữ Hàn Quốc, Ngôn ngữ Trung Quốc, Ngôn ngữ Anh đều là ngành thị trường đang có nhu cầu cao.

Tại Trường Đại học Bách khoa Hà Nội, đại diện nhà trường cũng cho hay, ngành Công nghệ thông tin những năm gần đây luôn có tỷ lệ chọi rất cao, bởi vậy điểm chuẩn cũng luôn thuộc top cao nhất của trường.

Tác giả: Nhật Lam

Nguồn tin: Báo Dân trí

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP