Các cầu thủ đội trẻ Sông Lam Nghệ An sinh hoạt, ăn uống tập trung tại câu lạc bộ - Ảnh: DOÃN HÒA |
Ngày 8-8, bà Nguyễn Thị Thanh Hương - phó giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Nghệ An - đã có trao đổi với Tuổi Trẻ Online liên quan đến việc chậm chi trả tiền phụ cấp cho vận động viên các lứa đào tạo trẻ tại Câu lạc bộ bóng đá Sông Lam Nghệ An.
Hiện tại, Câu lạc bộ bóng đá Sông Lam Nghệ An có 27 huấn luyện viên, 25 cán bộ quản lý và nhân viên tạp vụ, đào tạo 215 vận động viên. Tất cả các vận động viên trẻ được ký hợp đồng đào tạo vận động viên từ khi vào câu lạc bộ và được học văn hóa đầy đủ theo quy định.
Các vận động viên ở đây được hưởng chế độ tiền ăn 180.000 đồng/ngày và phụ cấp 1,5 triệu đồng/tháng.
Để duy trì, tạo nguồn động viên bóng đá trẻ, những năm gần đây UBND tỉnh Nghệ An đã tăng mức đầu tư hằng năm từ 8 tỉ đồng lên 30 tỉ đồng.
Với quy định hiện tại, việc đào tạo vận động viên tại Trung tâm Đào tạo bóng đá trẻ Sông Lam Nghệ An phải thực hiện theo hình thức đấu giá.
Theo bà Hương, phía sở đã tham mưu cho UBND tỉnh chuyển từ hình thức đặt hàng sang đấu giá, nhưng sau hai lần không có nhà thầu nào tham gia.
Do vậy, UBND tỉnh Nghệ An tiếp tục cho phép hợp đồng đặt hàng đào tạo vận động viên với Công ty cổ phần Thể thao Sông Lam Nghệ An.
"Nguồn kinh phí cấp đào tạo vận động viên trẻ được lấy từ nguồn ngân sách tỉnh hằng năm, được thông qua kỳ họp Hội đồng nhân dân tỉnh giữa năm. Chúng tôi đã gửi văn bản đề nghị qua tỉnh và chờ tỉnh duyệt, lúc đó Sở Tài chính mới cấp tiền về cho công ty, chi trả cho vận động viên được", bà Hương nói.
Trong khi đó, ông Nguyễn Đình Nghĩa - giám đốc Trung tâm Đào tạo bóng đá trẻ Sông Lam Nghệ An - cho biết trong khi chờ chủ trương ký hợp đồng đặt hàng đào tạo các tuyến vận động viên bóng đá trẻ, đơn vị vẫn tiếp tục thực hiện nhiệm vụ duy trì tập trung, tập luyện hằng ngày cũng như đảm bảo việc học văn hóa của vận động viên.
Từ đầu năm 2023, Công ty cổ phần Thể thao Sông Lam Nghệ An đang phải cố gắng vay mượn từ nhiều nguồn để duy trì cho các hoạt động: chi trả chế độ tiền ăn cho vận động viên, tiền lương cho huấn luyện viên, chế độ tập luyện, thi đấu các tuyển trẻ và các chi phí khác như tiền điện, nước, công cụ, dụng cụ.
Trước đó, năm 2022 Công ty cổ phần Thể thao Sông Lam Nghệ An từng phải vay mượn để chi trả được số tiền hơn 24,6 tỉ đồng trong tổng số hơn 31,5 tỉ đồng chi phí cho các hoạt động đào tạo bóng đá trẻ.
"Nếu không có nhà tài trợ tạm chi kinh phí thì các đội trẻ không thể tham gia được các giải trẻ quốc gia. Hiện phần phụ cấp hằng tháng cho các cầu thủ chúng tôi phải chờ tỉnh Nghệ An giải ngân về mới chi được", ông Nghĩa nói.
Tại văn bản gửi UBND tỉnh Nghệ An, Sở Văn hóa và Thể thao Nghệ An, công ty từng bày tỏ lo lắng: "Nếu đến tháng 11-2022 vẫn chưa ký kết hợp đồng thì các tuyến bóng đá trẻ của Sông Lam Nghệ An có nguy cơ ngừng hoạt động và không có hệ thống đào tạo trẻ, đội tuyển 1 của Sông Lam Nghệ An sẽ không đủ điều kiện tham gia thi đấu tại V-League 2024".
Sau 12 năm với sự đồng hành của Ngân hàng Bắc Á, từ tháng 6-2021, CLB Sông Lam Nghệ An có nhà tài trợ mới là Tập đoàn Tân Long. Tới tháng 2-2023, Công ty cổ phần Eurosun Việt Nam là nhà đồng tài trợ cho Sông Lam Nghệ An thêm hai mùa giải.
Tác giả: Doãn Hòa
Nguồn tin: Báo Tuổi trẻ