Bạn cần biết

U noãn hoàng – Bệnh lý ác tính hiếm gặp

Vừa qua, khoa Cấp cứu - Bệnh viện Quốc tế Vinh tiếp nhận người bệnh L.T.L, 41 tuổi, ở Hà Đông, Hà Nội vào viện trong tình trạng: Đau bụng dữ dội vùng hố chậu phải và tiểu khung kèm theo buồn nôn.

Bác sĩ thăm khám thấy da và niêm mạc nhợt; mạch nhanh 100l/ph, huyết áp: 100/60 mmHg; bụng chướng vừa, mềm, ấn hố chậu phải đau, gõ đục vùng thấp. Người bệnh được chỉ định làm xét nghiêm công thức máu, BetaHCG, và siêu âm bụng.

Với tiền sử người bệnh có triệu chứng đau bụng vùng hạ vị kèm rối loạn kinh nguyệt, và trước đó đã khám ở một số Bệnh viện lớn tại Hà Nội nghi ngờ thai ngoài tử cung, người bệnh được hướng đến chẩn đoán: Thai ngoài tử cung vỡ.

Hình ảnh tràn máu khoang phúc mạc

Tuy nhiên, kết quả xét nghiệm Beta HCG ở mức bình thường. Người bệnh được chỉ định chụp CT ổ bụng tiểu khung có cản quang thấy hình ảnh tràn dịch máu ổ bụng, lượng dịch máu khoảng 1000 ml/ Khối u tiểu khung có bờ và ranh giới rõ, không xâm lấn xung quanh. Bác sĩ chỉ định phẫu thuật nội soi thám sát và giải quyết nguyên nhân gây tràn máu phúc mạc.

Qua nội soi kiểm tra thấy ổ phúc mạc có nhiều máu (máu cục và máu không đông). Phẫu thuật viên tiến hành hút sạch máu, kiểm tra vùng tiểu khung bên phải, cạnh buồng trứng và phía sau tử cung có 01 khối d# 4 x 5 cm có cuống xuất phát từ phúc mạc thành sau, đang chảy máu. U có tính chất mềm, mủn, chạm vào dễ chảy máu. Tiến hành cắt bỏ khối u, rửa sạch ổ bụng, kiểm tra các cơ quan khác không phát hiện bất thường. Đặt dẫn lưu Douglas, bỏ u vào túi nilon và lấy ra qua trocar 10mm cạnh rốn. Đóng các lỗ trocar, cố định dẫn lưu.

Cuộc mổ diễn ra trong khoảng 50 phút. Khối u sau khi lấy ra kiểm tra thấy màu trắng vàng, mềm. Làm giải phẫu bệnh với kết quả: U noãn hoàng.

Hình ảnh khối u sau khi được phẫu thuật

Sau 5 ngày điều trị, sức khỏe người bệnh ổn định và xuất viện. Do người bệnh quê ở Hà Nội, nên Bác sĩ đã liên hệ, hướng dẫn người bệnh làm xét nghiệm hóa mô miễn dịch, tái khám và điều trị tiếp theo tại Bệnh viện K Hà Nội

U noãn hoàng (Yolk sac tumor of the ovary) là u tế bào mầm ác tính của buồng trứng hiếm gặp. Nguyên nhân gây bệnh vẫn chưa được biết đến. Tuy nhiên, một số nghiên cứu chỉ ra rằng những bất thường về gen RUNX3 và GATA-4 có liên quan đến bệnh.

Bệnh có thể gặp ở nam cũng như ở nữ. Ở nam thường gặp ở trẻ dưới 3 tuổi, thể thường gặp là ung thư tinh hoàn và chiếm khoảng 30% ung thư tế bào mầm trong độ tuổi này của trẻ em. Ở nữ giới thường gặp ở độ tuổi dưới 30 tuổi và nó chiếm khoảng 15% trong tất cả ung thư tế bào mầm của buồng trứng.

U noãn hoàng nếu không được điều trị sẽ rất nguy hiểm, bệnh diễn tiến nhanh và dẫn đến tử vong. Nguyên tắc điều trị là phẫu thuật kết hợp hóa trị liệu. Ở trẻ nam, hóa trị sẽ tùy thuộc vào từng giai đoạn bệnh. Tuy nhiên, ở nữ thì hầu như giống nhau ở tất cả các giai đoạn của bệnh và lựa chọn tốt nhất là liệu trình hóa trị là BEP (bleomycin, etoposide, and cisplatin).

Tác giả: Kim Chung

Nguồn tin: antt.nguoiduatin.vn

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP