Tuần giao dịch chứng khoán vừa qua tiếp tục nối dài chuỗi ngày buồn của cổ đông ngành thép khi cổ phiếu nhóm này tiếp tục lao dốc mạnh so với thị trường, nhiều mã chứng khoán đã mất hơn 20% so với vùng đỉnh hồi tháng 10.
Trong đó đáng kể nhất là Tập đoàn Hòa Phát (HPG) khi thị giá rơi về 48.000 đồng/cổ phiếu, giảm hơn 12% trong tuần qua với toàn bộ 5 phiên đỏ lửa. Giá trị vốn hóa tập đoàn giảm tương ứng hơn 29.500 tỷ về còn 214.700 tỷ đồng như hiện tại.
Là cổ đông lớn nhất sở hữu hơn 26% vốn tập đoàn, Chủ tịch HĐQT Trần Đình Long mất đi số tiền lớn nhất gần 7.700 tỷ đồng. Ngoài ra vợ và con trai ông Long cũng đang nắm giữ 8,9% cổ phần, tương ứng mất đi hơn 2.600 tỷ đồng.
Dù bị giảm đi đáng kể, tài sản chứng khoán của ông Trần Đình Long vẫn ghi nhận con số rất lớn với gần 56.000 tỷ đồng và là người giàu thứ 2 tại Việt Nam (xếp sau ông Phạm Nhật Vượng). Ông Long được Forbes công nhận là tỷ phú đô la giàu thứ 2 Việt Nam với tài sản 3,2 tỷ USD tính đến 20/11.
Nếu tính rộng ra so với vùng đỉnh 58.000 đồng/cổ phiếu hồi tháng 10, vốn hóa Hòa Phát đã giảm đi tương ứng 44.700 tỷ đồng. Nhà đầu tư lỡ "đu đỉnh" lúc này đã mất khoảng 17% giá trị tài sản.
Mã HPG được xem là “cổ phiếu quốc dân” khi thường xuyên dẫn đầu về khối lượng và giá trị giao dịch trên toàn thị trường. Số lượng cổ đông cũng thuộc top đầu với khoảng 133.000 người hồi tháng 7. Do vậy khi HPG lao dốc giữa lúc thị trường hưng phấn đã khiến cổ đông ngành thép bắt đầu than vãn, trên các diễn đàn chứng khoán liên tục xuất hiện các chủ đề trái chiều về mã này với lượng tương tác rất lớn.
Không chỉ HPG mà hầu như các cổ phiếu ngành thép khác cũng lao dốc mạnh trong lúc thị trường thăng hoa. Tiêu biểu như HSG của Hoa Sen, TLH của Thép Tiến Lên, NKG của Nam Kim, POM của Pomina đều có mức giảm khoảng 20% so với vùng đỉnh một tháng trước.
Cổ phiếu thép mất 20% một tháng khi thị trường chung vẫn đi lên. Đồ thị: TradingView.
Cổ phiếu thép mất 20% một tháng khi thị trường chung vẫn đi lên. Đồ thị: TradingView. |
Đà giảm của cổ phiếu thép được cho là cộng hưởng của nhiều nguyên nhân, nhất là khi hầu hết mã nhóm này vừa lập đỉnh hồi giữa tháng 10, do đó việc điều chỉnh cũng là một diễn biến thông thường trên thị trường.
Thêm nữa giá thép tương lai giảm mạnh trong khi các doanh nghiệp thép đang có tồn kho lớn. Theo TradingEconomics, giá thép xây dựng hiện đã giảm xuống dưới 4.300 NDT/tấn tại Trung Quốc, mức thấp nhất kể từ tháng 2/2021 và kém 25% so với đỉnh lịch sử.
Nguyên nhân được cho là nhu cầu tại Trung Quốc suy yếu do thị trường bất động sản giảm tốc sau vụ Evergrande, trong khi ngành này thường tiêu thụ khoảng 40% lượng thép. Ngành sử dụng nhiều thép khác là ôtô cũng đang gặp khó khăn khi doanh số bán xe hơi sụt giảm.
Ở trong nước, Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 101/2021 điều chỉnh biểu thuế suất ưu đãi đối với một số nhóm mặt hàng xuất nhập khẩu, dự kiến có hiệu lực từ ngày 30/12.
Trong đó, thuế nhập khẩu thép cốt bê tông giảm từ 20% xuống 15%; thép góc, khuôn, hình giảm từ 15% xuống 10%, sắt thép không hợp kim cán phẳng giảm từ 20% và 25% xuống còn 15%. Việc thuế nhập khẩu giảm xuống sẽ làm tăng sự cạnh tranh với các nhà sản xuất thép trong nước.
Tác giả: Huy Lê
Nguồn tin: zingnews.vn