Kinh tế

Từ 2018, không tính đóng BHXH những khoản thu nhập nào?

Từ 1/1/2018, bên cạnh lương tháng đóng bảo hiểm xã hội (BHXH) sẽ bổ sung thêm nhiều khoản thu nhập của người lao động làm cơ sở tính đóng BHXH bắt buộc. Nhưng tiền lương tháng đóng BHXH bắt buộc sẽ không bao gồm các khoản chế độ và phúc lợi khác.

Ngoài những khoản thu nhập tính đóng BHXH bắt buộc theo quy định hiện hành, kể từ ngày 1/1/2018, bổ sung thêm nhiều khoản thu nhập của người lao động làm cơ sở tính đóng BHXH bắt buộc.

Đây là nội dung đáng chú ý được quy định tại Khoản 2 Điều 30 Thông tư 59/2015/TT-BLĐTBXH quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật BHXH 2014 về BHXH bắt buộc.

Cụ thể, các khoản bổ sung khác được quy định tại Điểm a Khoản 3 Điều 4 của Thông tư 47/2015/TT-BLĐTBXH hướng dẫn thực hiện về hợp đồng lao động, kỷ luật lao động, trách nhiệm vật chất của Nghị định 05/2015/NĐ-CP.

Theo đó, tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội là mức lương, phụ cấp lương và các khoản bổ sung khác theo quy định của pháp luật về lao động ghi trong hợp đồng lao động. Các khoản bổ sung xác định được mức tiền cụ thể cùng với mức lương thỏa thuận trong hợp đồng lao động và trả thường xuyên trong mỗi kỳ trả lương.

Từ ngày 1/1/2018 sẽ bổ sung thêm nhiều khoản thu nhập của người lao động làm cơ sở tính đóng BHXH bắt buộc


Song, tiền lương tháng đóng BHXH bắt buộc sẽ không bao gồm các khoản chế độ và phúc lợi khác, như tiền thưởng theo quy định tại Điều 103 của Bộ Luật Lao động.

Theo đó, sẽ có 14 khoản thu nhập không tính đóng BHXH từ tháng 1/2018, bao gồm:

1. Tiền thưởng theo quy định tại điều 103 của bộ Luật lao động 2012

2.Tiền thưởng sáng kiến

3. Tiền ăn giữa ca

4. Tiền hỗ trợ xăng xe

5. Tiền hỗ trợ điện thoại

6. Tiền hỗ trợ đi lại

7. Tiền hỗ trợ giữ trẻ

8. Tiền hỗ trợ nhà ở

9. Tiền hỗ trợ nuôi con nhỏ

10. Tiền hỗ trợ người lao động có thân nhân bị chết

11. Tiền hộ trợ lao động có người thân kết hôn

12. Tiền hỗ trợ khi sinh nhật của người lao động

13. Tiền trợ cấp cho người lao động gặp hoàn cảnh khó khăn khi bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp.

14. Các khoản hỗ trợ, trợ cấp khách ghi thành mục riêng trong hợp đồng lao động theo Khoản 11 Điều 4 của Nghị định 05/2015/NĐ-CP.

Theo BHXH Việt Nam, tiền lương tháng đóng BHXH bắt buộc thấp nhất bằng mức lương tối thiểu vùng; cao nhất bằng 20 lần mức lương cơ sở theo quy định của Chính phủ.

Riêng với những đối tượng hưởng lương do Nhà nước quy định, từ 1/1/2018, tiền lương làm căn cứ đóng BHXH bắt buộc vẫn là tiền lương theo ngạch, bậc, cấp bậc quân hàm và các khoản phụ cấp chức vụ, phụ cấp thâm niên vượt khung, phụ cấp thâm niên nghề theo mức lương cơ sở quy định từng thời kỳ.

Tiền lương tháng đóng BHXH đối với người làm công việc hoặc chức danh giản đơn nhất trong điều kiện lao động bình thường không được thấp hơn mức lương tối thiểu vùng; công việc hoặc chức danh đòi hỏi lao động qua đào tạo, học nghề (kể cả lao động do doanh nghiệp tự dạy nghề) phải cao hơn ít nhất 7% so với mức lương tối thiểu vùng; công việc hoặc chức danh có điều kiện lao động nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm phải cao hơn ít nhất 5%; công việc hoặc chức danh có điều kiện lao động đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm phải cao hơn ít nhất 7% so với mức lương của công việc hoặc chức danh có độ phức tạp tương đương, làm việc trong điều kiện lao động bình thường.

Tác giả: Anh Tuấn(Tổng hợp)

Nguồn tin: Báo VietNamNet

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP