Thế giới

Trung Quốc ráo riết chuẩn bị thâu tóm Biển Đông

Trung Quốc đang ráo riết chuẩn bị thâu tóm Biển Đông, khi Bắc Kinh cho rằng đã chọn đúng thời điểm để cuối cùng thống trị toàn cầu và khu vực.

Đó là nhận định của Tiến sĩ Jerry Hendrix - giám đốc Chương trình Chiến lược và Đánh giá Quốc phòng (Defense Strategies and Assessments Program) tại Trung tâm An ninh mới của Mỹ - trong bài viết trên trang mạng The National Interest ngày 11/8/2016 .

Theo Tiến sĩ Jerry Hendrix, tin tức về việc Trung Quốc xây dựng nhiều nhà chứa chiến đấu cơ kiên cố và nhiều cấu trúc “hiện chưa rõ tính năng” (có thể là các bệ phóng tên lửa) ở các đảo nhân tạo mà nước này bồi đắp trái phép ở quần đảo Trường Sa cho thấy Bắc Kinh sắp tuyên bố một khu vực độc quyền quân sự-kinh tế ở Biển Đông đang có tranh chấp.

Thời điểm thông báo quyết định này không phải là ngẫu nhiên và các chiến lược gia Mỹ phải chuẩn bị sẵn sàng: hoặc bảo vệ hệ thống quốc tế toàn cầu được thành lập cách đây 70 năm hoặc chấp nhận một sự suy giảm quyền lực không thể nào tránh khỏi.

Ráo riết quân sự hóa các tiền đồn trên Biển Đông

Các nhà chứa chiến đấu cơ kiên cố ở Đá Chữ Thập và Đá Xu Bi gần như hoàn tất, trong các nhà chứa máy bay phản lực chiến đấu ở Đá Vành Khăn đang trong giai đoạn đầu xây dựng. Mỗi nhà chứa máy bay có khả năng chứa được 24 chiến đấu cơ và tổng cộng, các đảo nhân tạo mà Trung Quốc bồi đắp trái phép và xây dựng đường băng dài 3.000m có thể triển khai được 72 máy bay tiêm kích tiền tuyến, gấp gần hai lần số chiến đấu cơ trên siêu tàu sân bay lớp Nimitz của Mỹ.


Trung Quốc có thể triển khai 72 máy chiến đấu cơ phản lực trên các đảo nhân tạo ở quần đảo Trường Sa, gấp gần hai lần số chiến đấu cơ trên siêu tàu sân bay lớp Nimitz của Mỹ. Ảnh DPA


Với số lượng áp đảo này, Trung Quốc có thể chiếm ưu thế trên không khắp Biển Đông trong một thời gian dài. Thiết kế của các nhà chứa máy bay trên các đảo nhân tạo ở quần đảo Trường Sa nhằm bảo đảm an toàn cho các chiến đấu cơ trước sự tấn công của hầu như tất cả các loại vũ khí, trừ vũ khí siêu hạng.

Các "cấu trúc hiện chưa rõ tính năng” được chụp trong các bức ảnh gần đây trong giống như các trận địa tên lửa từng tồn tại ở Trung Quốc đại lục. Trên mỗi đảo nhân tạo, Trung Quốc đã xây dựng ba tháp lớn và tạo thành một mạng lưới radar đa tần. Nếu quyết định triển khai các loại vũ khí hiện đại trên các đảo nhân tạo này, Trung Quốc có thể làm đảo lộn cán cân quyền lực trong khu vực.

Các nhà chứa chiến đấu cơ và các "cấu trúc chưa rõ tính năng" trên Đá Chữ Thập. Ảnh CSIS/AMTI


Việc triển khai các tên lửa đất đối đất YJ-62 trên các đảo nhân tạo ở quần đảo Trường Sa có thể giúp Trung Quốc khống chế các hoạt động quân sự và thương mại ở khu vực phía nam Biển Đông. Triển khai thêm tên lửa phòng không HQ-9A (có tính năng tương đương với S-300 của Nga), Trung Quốc có thể hạn chế đáng kể hoạt động của các loại chiến đấu cơ tàng hình hiện đại nhất của Mỹ như F-22 và F-35.

Các nhà hoạch định chiến lược Mỹ không mấy tự tin về khả năng sống sót của các chiến đấu cơ thế hệ thứ 4 như F-16 và hay FA-18 Hornet, trong trường hợp xảy ra xung đột với Trung Quốc ở Biển Đông. Nếu Trung Quốc tiến xa đến mức triển khai tên lửa “sát thủ tàu sân bay” DF-21D trên các đảo nhân tạo này, Hải quân Mỹ sẽ mất quyền ra vào căn cứ chính ở Singapore và buộc phải quay trở lại Australia, Trân Châu Cảng và Nhật Bản .

Một khi các nhà chứa máy bay, trận địa tên lửa được hoàn thành, máy bay chiến đấu và tên lửa Trung Quốc ở phía nam Biển Đông có thể trực chiến ngày đêm.

Thời điểm kích hoạt chiến dịch thâu tóm Biển Đông

Giới phân tích dự đoán rằng Trung Quốc sẽ không dại gì kích hoạt chiến dịch thâu tóm Biển Đông trước thềm cuộc bầu cử tổng thống Mỹ và tạo ra một kết quả khó lường. Nhưng Trung Quốc cũng sẽ không chờ đợi cho đến khi tổng thống Mỹ kế tiếp là tuyên thệ nhậm chức vào tháng 1/2017.

Rất có thể, Trung Quốc sẽ hành động quyết liệt ở Biển Đông trong khoảng thời gian giữa bầu cử tổng thống Mỹ vò tháng 11/2016 và tân tổng thống nhậm chức vào đầu năm 2017, với hy vọng rằng vị chủ nhân Nhà Trắng sẽ phải chấp nhận “cái sự đã rồi”.

Tuy nhiên, vẫn có một lựa chọn khác. Chiến lược bành trướng của Trung Quốc đang diễn ra trong một thời điểm khá bất lợi. Phán quyết về Biển Đông của Tòa Trọng tài ở La Haye đã gọi hành động đắp đảo, phá vỡ hiện trạng của Trung Quốc ở quân đảo Trường Sa là bất hợp pháp và đang đẩy Trung Quốc vào chân tường. Các biện pháp ngăn chặn Bắc Kinh ngang ngược thâu tóm Biển Đông có thể được tăng cường, thông qua một loạt các biện pháp trừng phạt kinh tế và công nghệ đối với Trung Quốc.

Trong bối cảnh này, quân đội Mỹ - kết hợp với các đối tác – cần thực hiện một loạt các cuộc tập trận không chỉ trong vùng biển quốc tế mà còn trong phạm vi vùng biển rộng 12 hải lý xung quanh các “đảo nhân tạo” để gửi đi một thông điệp rõ ràng đến Trung Quốc.

Nếu không hành động, Mỹ và các nước đối tác sẽ “bật đèn xanh” cho Trung Quốc tuyên bố thiết lập Khu vực nhận dạng phòng không (ADIZ) và một khu vực độc quyền quân sự trên Biển Đông. Đến lúc đó, thế giới chỉ còn sự lựa chọn duy nhất: hoặc chiến tranh hoặc hòa bình, với hậu quả là trật tự thế giới hiện hành sẽ bị đảo lộn nghiêm trọng.

Đáng buồn là chính sách “lãnh đạo từ phía sau” của Tổng thống Mỹ Barack Obama đã góp phần tạo điều kiện cho Trung Quốc bành trướng toàn cầu.

Tác giả bài viết: Minh Châu

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP