Trong nước

Tôn trọng, bảo vệ nhân quyền là chủ trương nhất quán của Đảng, Nhà nước Việt Nam

Việt Nam đã trúng cử trở thành thành viên của Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2023-2025, tại phiên họp của Đại hội đồng Liên hợp quốc khóa 77 tại New York (Mỹ), ngày 11/10/2022 (theo giờ New York, đêm 11/10 theo giờ Hà Nội).

Kết quả bầu cử cho thấy sự tham gia tích cực của Việt Nam trong các hoạt động của Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc, những cam kết và nỗ lực mạnh mẽ của Việt Nam về thúc đẩy và bảo vệ quyền con người đã được cộng đồng quốc tế ghi nhận, tin tưởng và đánh giá cao.

Tôn trọng và bảo vệ nhân quyền là một chủ trương nhất quán của Đảng, Nhà nước Việt Nam và điều này được thể hiện rõ trong bản Tuyên ngôn độc lập và trong Hiến pháp. Đảng và Nhà nước ta luôn xác định quyền con người là giá trị chung của nhân loại; bảo đảm và thúc đẩy quyền con người là nhân tố quan trọng cho sự phát triển bền vững.

Đoàn Việt Nam tham dự phiên họp bỏ phiếu và công bố kết quả thành viên Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp Quốc. Ảnh: TTXVN phát

Tham gia đầy đủ các công ước quốc tế cơ bản, quan trọng về quyền con người

Việt Nam là một trong những nước tích cực, chủ động tham gia vào hầu hết các công ước quốc tế về quyền con người do Liên hợp quốc và các tổ chức quốc tế khác ban hành.

Tính đến năm 2021, Việt Nam đã phê chuẩn, gia nhập 7/9 công ước cơ bản của Liên hợp quốc về quyền con người (Công ước về quyền dân sự, chính trị; Công ước về quyền kinh tế-xã hội và văn hóa; Công ước về xóa bỏ mọi hình thức phân biệt đối xử với phụ nữ; Công ước về xóa bỏ mọi hình thức phân biệt chủng tộc; Công ước về quyền trẻ em; Công ước về quyền của người khuyết tật; Công ước Chống tra tấn và các hình thức đối xử hoặc trừng phạt tàn bạo, vô nhân đạo hoặc hạ nhục con người); phê chuẩn, gia nhập 25 công ước của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO), trong đó có 7/8 công ước cơ bản.

Các công ước quốc tế về quyền con người mà Việt Nam là thành viên, Việt Nam cam kết thực hiện và coi đó là trách nhiệm chính trị, pháp lý của Nhà nước.

Thành viên tích cực trong các diễn đàn, hội nghị khu vực và quốc tế trong lĩnh vực nhân quyền

Việt Nam tích cực tham gia đối thoại về quyền con người với nhiều quốc gia, như: Mỹ, Australia, Thụy Sỹ và Liên minh Châu Âu (EU)... nhằm trao đổi quan điểm, học hỏi kinh nghiệm lẫn nhau, hướng tới nâng cao hơn sự hưởng thụ quyền của người dân ở mỗi quốc gia.

Đại sứ, Trưởng phái đoàn thường trực Việt Nam bên cạnh Liên hợp quốc, WTO và các tổ chức quốc tế khác tại Geneva Lê Thị Tuyết Mai dẫn đầu Đoàn đại biểu Việt Nam tham dự Khóa họp lần thứ 51 của Hội đồng Nhân quyền LHQ (Geneva, 12/9/2022). Ảnh: Xuân Hoàng/TTXVN

Việt Nam cũng tham gia tích cực tại các khóa họp thường niên và các phiên họp đặc biệt của Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc về tình hình tại Myanmar, Palestine, Afghanistan, Sudan, Ethiopia, một mặt giới thiệu về các nỗ lực của Việt Nam trong thúc đẩy và bảo vệ quyền con người, phản bác các thông tin sai lệch, sai sự thật, mặt khác tham gia tích cực vào các thảo luận của Hội đồng Nhân quyền về các vấn đề toàn cầu, tình hình bảo vệ quyền con người tại các khu vực trên thế giới cần sự quan tâm đặc biệt, góp phần vào nỗ lực chung của cộng đồng quốc tế trong việc đảm bảo các quyền con người cơ bản cho người dân tại tất cả các quốc gia trên thế giới.

Tháng 2/2021, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh đã tham dự và phát biểu tại Hội nghị cấp cao trong khuôn khổ Khóa 46 Hội đồng Nhân quyền, trong đó nêu bật các chính sách, nỗ lực và thành tựu của Việt Nam trong bảo vệ và thúc đẩy quyền con người trong bối cảnh đại dịch. Việt Nam hỗ trợ khẩu trang, vật tư y tế cho hơn 50 nước và đối tác quốc tế, đề xuất và được Đại hội đồng Liên hợp quốc thông qua bằng đồng thuận Nghị quyết chọn ngày 27/12 là Ngày quốc tế phòng chống dịch bệnh với mục đích nâng cao nhận thức về việc phòng ngừa và ứng phó các dịch bệnh.

Bên cạnh đó, Việt Nam cũng tham gia tích cực tại các diễn đàn khác của Liên hợp quốc về quyền con người như ECOSOC, Ủy ban 3 Đại hội đồng… để tham gia trao đổi về các vấn đề được cộng đồng quốc tế quan tâm và giới thiệu về các nỗ lực của Việt Nam trong việc bảo đảm quyền con người.

Luôn quan tâm đến việc xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật

Việt Nam đã xây dựng khuôn khổ pháp luật quốc gia về bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ khá tiến bộ, bao gồm các chính sách thúc đẩy bình đẳng giới ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Ảnh: VNP

Để bảo đảm cho mọi người Việt Nam được thụ hưởng đầy đủ quyền con người, Đảng, Nhà nước ta luôn quan tâm đến việc xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật. Tổng kết 10 năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 48-NQ/TW, ngày 2/6/2005, của Bộ Chính trị, “Về chiến lược xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam đến năm 2010, định hướng đến năm 2020” cho thấy, đến nay, trên tất cả các lĩnh vực của đời sống kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội, thì quyền con người, quyền công dân đã có luật điều chỉnh và không ngừng được bổ sung, hoàn thiện. Đặc biệt, Hiến pháp năm 2013 được xem là đỉnh cao trong hoạt động lập hiến về bảo vệ quyền con người ở Việt Nam, khẳng định sự nhất quán về nội dung quyền con người, quyền công dân trong các Hiến pháp năm 1946, 1959, 1980, 1992; đồng thời, bổ sung nhận thức mới, đầy đủ, sâu sắc và toàn diện hơn trong việc thể chế hóa quan điểm của Đảng về quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân, phù hợp với thực tiễn Việt Nam và chuẩn mực quốc tế về quyền con người mà Việt Nam đã tham gia.

Bên cạnh việc chế định quyền con người trong Hiến pháp, Nhà nước chú trọng nâng cao chất lượng xây dựng, hoàn thiện pháp luật về quyền con người. Từ năm 2019 đến tháng 1/2022, Quốc hội Việt Nam đã thông qua 39 luật, trong đó có nhiều văn bản luật quan trọng liên quan đến quyền con người, quyền công dân, cụ thể hoá các quy định của Hiến pháp năm 2013, bảo đảm tương thích với các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên, như: Bộ luật Lao động năm 2019, Luật Thanh niên năm 2020, Luật Giáo dục năm 2019, Luật Cư trú năm 2020, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2020, Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam năm 2019, Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án năm 2020, Luật Người Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng năm 2020… Thực hiện một số khuyến nghị, các đơn vị đầu mối của các cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam cũng đang rà soát để sửa đổi, bổ sung một số luật phù hợp các cam kết quốc tế của Việt Nam như việc nghiên cứu sửa đổi Luật Trẻ em, nghiên cứu xây dựng dự thảo Luật Phòng, chống mại dâm, nghiên cứu sửa đổi Luật Phòng, chống mua bán người năm 2011, nghiên cứu xây dựng Luật Chuyển đổi giới tính…

Với sự nỗ lực của Đảng và Nhà nước, hệ thống pháp luật của Việt Nam về quyền con người ngày càng được hoàn thiện. Những thành tựu đạt được trong việc xây dựng và hoàn thiện pháp luật về quyền con người tạo cơ sở pháp lý quan trọng để mọi người có cơ hội và điều kiện thuận lợi thụ hưởng quyền con người.

Chú trọng xây dựng và củng cố các thiết chế bảo đảm quyền con người

Chiều 31/3/2022, tại Hà Nội, Bộ Ngoại giao đã tổ chức công bố Báo cáo giữa kỳ tự nguyện thực hiện các khuyến nghị mà Việt Nam đã chấp thuận theo Cơ chế rà soát định kỳ phổ quát về quyền con người (UPR) chu kỳ III và thông tin việc Việt Nam ứng cử vào Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2023-2025. Ảnh: An Đăng/TTXVN.

Cùng với việc thúc đẩy, nâng cao hiệu quả hoạt động thực thi pháp luật về quyền con người, Việt Nam đặc biệt chú trọng tới việc xây dựng và củng cố các thiết chế bảo đảm quyền con người. Ngoài thiết chế nhà nước, các tổ chức chính trị-xã hội, các tổ chức xã hội và truyền thông, báo chí cũng tham gia tích cực bảo vệ, bảo đảm quyền con người, quyền công dân. Các cơ quan chuyên môn, chuyên trách về quyền con người được Nhà nước thành lập, như Ban chỉ đạo về nhân quyền của Chính phủ và các địa phương; xây dựng và hoàn thiện tổ chức của các cơ quan chuẩn bị và thực hiện báo cáo tình hình thực hiện các công ước quốc tế về quyền con người mà Việt Nam là quốc gia thành viên; xây dựng và hoàn thiện báo cáo nhân quyền trong khuôn khổ cơ chế rà soát định kỳ phổ quát (UPR) của Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc, cũng như các hoạt động hợp tác quốc tế khác trên lĩnh vực quyền con người...

Mới đây nhất, tháng 3/2022, Việt Nam đã công bố báo cáo giữa kỳ tự nguyện thực hiện các khuyến nghị mà Việt Nam đã chấp nhận theo Cơ chế rà soát định kỳ phổ quát về quyền con người, gọi tắt là UPR chu kỳ III, thể hiện trách nhiệm quốc gia thành viên, sự minh bạch và nghiêm túc của Việt Nam đối với cơ chế UPR nói riêng và trong việc thực hiện các cam kết quốc tế về bảo đảm quyền con người nói chung.

“Không để ai bị bỏ lại phía sau”

Việt Nam không chỉ là một trong sáu quốc gia thành viên Liên hợp quốc đã hoàn thành phần lớn các Mục tiêu Phát triển thiên niên kỷ trước thời hạn năm 2015 mà còn được xem là tấm gương điển hình của cộng đồng quốc tế trong thực hiện mục tiêu phát triển bao trùm, không ai bị bỏ lại phía sau của Liên hợp quốc.

Trong bối cảnh đại dịch COVID-19 và tình hình thiên tai, bão lụt tại các địa phương gây thiệt hại nặng nề về kinh tế-xã hội, nhưng với sự nỗ lực, cố gắng vượt bậc, Việt Nam đạt được những thành tựu ấn tượng. Tạp chí The Economist tháng 8/2020 xếp Việt Nam trong tốp 16 nền kinh tế mới nổi thành công nhất thế giới. Trang liberationnews.org (Mỹ) kết luận: Thành công của Việt Nam trong phòng, chống dịch COVID-19 “không đơn giản là một phép màu”, mà đó là “kết quả của một chính phủ xã hội chủ nghĩa đặt người dân lên trên lợi ích kinh tế”. Đó là mô hình “để không ai bị bỏ lại phía sau”.

Với những kết quả đạt được trong việc thực thi pháp luật về quyền con người, cùng với môi trường thiên nhiên tươi đẹp, chế độ chính trị văn minh, văn hóa đặc sắc, xã hội ổn định, con người thân thiện, cởi mở, năm 2019, Việt Nam đã lọt vào top 10 danh sách những quốc gia đáng sống và làm việc nhất thế giới.

Tác giả: Phương Dung

Nguồn tin: baotintuc.vn

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP