Bài viết dưới đây là chia sẻ của anh Tạ Quân ở Nam Từ Liêm, Hà Nội về sự thay đổi của bản thân để giữ gia đình khi vợ và mẹ mâu thuẫn:
Vợ chồng tôi cưới nhau năm 2010 khi cả hai mới ra trường gần 2 năm. Hai đứa ở thuê trong căn phòng nhỏ và rất hạnh phúc trong mấy tháng đầu.
Khi vợ có bầu, bố mẹ tôi gợi ý nên thuê một căn hộ rộng hơn để em trai tôi - khi đó đang học năm cuối đại học, dọn về ở cùng và mẹ sẽ từ quê ra chăm sóc cả con lẫu cháu sau này. Thấy hợp lý, tôi cố gắng thuyết phục vợ và cô ấy miễn cưỡng đồng ý.
Ngay tháng đầu tiên sự cố đã xảy ra trong cuộc sống chung khi em trai tôi chê chị dâu rửa bát không sạch và hạch họe chị dâu chuyện hay về muộn, sáng không chịu dậy sớm lo cơm nước thay mẹ... Vợ tôi giải thích thì lại bị mẹ tôi chỉ trích thêm một hồi. Khi đó, biết vợ ấm ức, nhưng tôi khó xử không biết phải lên tiếng thế nào nên bỏ ra ngoài.
Sau chuyện hôm ấy, không khí trong nhà nặng nề hơn và đó mới chỉ là khởi đầu cho một loạt những bất ổn. Có lẽ mang chút mặc cảm khi nàng dâu có bằng đại học, đi làm ở công ty lớn trong khi con trai mình chỉ tốt nghiệp trung cấp, làm thợ bình thường, mẹ tôi hay lấy cớ bắt lỗi cô ấy và ngăn tôi đỡ đần vợ việc nhà. Mỗi khi nghe vợ kể về cách đối xử không công bằng của mẹ, tôi thường cố gạt đi: "Em cứ nghĩ ngợi linh tinh. Mẹ thương em mới chỉ bảo chứ có gì đâu".
Để mặc vợ đương đầu với những chỉ trích của mẹ, anh Quân khiến mâu thuẫn giữa hai người phụ nữ ngày càng gay gắt. Ảnh: Ngọc Thành. |
Sau khi con gái tôi chào đời, mọi việc càng tệ khi mẹ chồng con dâu thường xuyên bất đồng về chuyện chăm cháu. Tôi nghĩ đơn giản, vợ chịu nhịn một tí là xong, mẹ đằng nào cũng có nhiều kinh nghiệm hơn nhưng nói vợ không chịu nghe. Cô ấy còn quay sang trách móc tôi đi tối ngày không chịu đỡ đần việc gì.
Một lần, tôi đến đón vợ sau giờ làm rồi đưa đi sắm vài món đồ. Thấy vợ sốt ruột vì lo mẹ sẽ càm ràm vì về muộn, tôi trấn an: "Mẹ sẽ hiểu mà, em không phải sợ". Dù vậy, chỉ vài phút sau, tôi vẫn phải chở vợ về vì cô ấy thấp thỏm không yên.
Về tới nhà, thấy mẹ đang cho cháu uống sữa bình, vợ tôi vội vàng ra nói với mẹ: "để con cho cháu bú luôn ạ". Không hiểu bực bội thế nào, mẹ tôi nổ một tràng dài đại ý nói con dâu coi mẹ chồng như osin, bỏ con ở nhà cho bà để đi chơi... Thấy mẹ giận và đòi bỏ về, tôi bảo vợ xin lỗi để làm dịu tình hình nhưng cô ấy không nghe. Bực bội, tôi tát vợ một cái rồi bỏ đi.
Đêm đó về, tôi mới biết vợ đã bế con về ngoại. Nghe nói, sau khi tôi đi, em trai tôi nói mấy câu mắng chị dâu không biết ăn ở. Tôi bực lắm, kể lại cho mẹ nghe sự việc khiến vợ về muộn hôm trước. Bà phân trần là vì nghĩ vợ gọi điện bắt tôi đi đón rồi mua sắm tốn kém nên giận và càng bực khi cô ấy giằng bình sữa bà vừa pha ra, không cho cháu bú.
Thương và yêu vợ, cũng rất nhớ con nhưng vẫn sợ mất mặt, tôi gọi điện cho vợ nhưng nói cứng là cô ấy tự đi thì phải tự về và xin lỗi mẹ nhưng vợ bỏ ngoài tai. Suốt gần một năm, cô ấy vẫn không chịu nhún, sẵn sàng ly hôn. Tôi thỉnh thoảng vẫn qua nhà ngoại thăm con. Bố mẹ vợ là người hiểu chuyện nên không can thiệp câu nào, chỉ bảo hai vợ chồng tự giải quyết.
Cuối cùng, tôi quyết đón vợ về. Tôi cũng phân tích cho mẹ thấy nếu làm căng thì tôi mất vợ con, ông bà cũng mất cháu vì ly dị thì cô ấy được quyền nuôi con vì có thu nhập ổn định hơn tôi, bé lại chưa đầy 2 tuổi. Tôi thuyết phục bà đồng ý cùng tôi tới nhà ngoại xin lỗi rồi đón con dâu và cháu về.
Sau dịp đó, tôi quyết định phải ở riêng. Bà về lại quê với ông, em trai tôi ra ngoài thuê chỗ khác. Thỉnh thoảng cuối tuần, khi nào vợ cảm thấy hoàn toàn thoải mái, tôi mới dẫn cả nhà về thăm ông bà. Tan làm, tôi cũng chịu khó đỡ đần vợ mọi việc.
Gia đình tôi giờ lại êm ấm, mẹ chồng con dâu rất hòa thuận. Thỉnh thoảng, biết mẹ đang thích món gì, như máy làm sữa hạt hay chiếc vòng điều hòa huyết áp, tôi lại phím vợ mua biếu (bằng thẻ ATM của chồng). Ngược lại, tôi cũng hay qua chơi nhà bố mẹ vợ và không nề hà các việc nho nhỏ đỡ đần ông bà như sửa chiếc quạt trần, thay cái vòi nước... Tôi hiểu rằng, khi đã lấy vợ thì vai trò của người đàn ông rất khác, làm chồng, làm cha, làm con của hai nhà... nên không thể đặt mình ngoài cuộc nếu trong gia đình có bất cứ chuyện gì.
Chuyên gia tư vấn tâm lý Trần Kim Xuân (Hà Nội) cho rằng vợ - chồng - mẹ chồng là ba người có sự liên hệ chặt chẽ trong gia đình. Vì là người hiểu rõ cả vợ lẫn mẹ mình, cũng được hai người phụ nữ tin tưởng và yêu thương, chính người đàn ông mới tháo gỡ được nút mắc giữa hai bên. Một người trưởng thành thực sự và có thiện chí sẽ làm được việc này không mấy khó khăn. Đầu tiên, anh ta cần bình tĩnh tìm hiểu gốc rễ vấn đề từ cả hai bên. Từ đó, xem điểm nào mình có thể thủ thỉ với vợ, điều gì nên nói riêng với mẹ và khi nào cần có cuộc trò chuyện, hòa giải chung. "Một người chồng tôn trọng và đối xử tốt với mẹ, đồng thời cũng yêu và biết chia sẻ với vợ sẽ khiến hai người phụ nữ nể trọng và cố gắng giữ mối quan hệ tốt, ít nhất là vì con, vì chồng mình", nhà tâm lý chia sẻ. Trong trường hợp việc ở chung gây căng thẳng, mệt mỏi cho cả đôi bên, ở riêng là một giải pháp, như trường hợp của anh Quân. Ở riêng nhưng vẫn thường xuyên qua lại, thể hiện sự quan tâm, chăm sóc sẽ giữ được sự riêng tư cần thiết và không hề làm mất đi sự gần gũi, gắn bó trong gia đình. |
Tác giả: Vương Linh
Nguồn tin: Báo VnExpress