Trong tỉnh

Tỉnh quyết liệt nhưng doanh nghiệp vẫn vi phạm

Cơ quan chức năng tỉnh Nghệ An đã triển khai nhiều biện pháp thanh, kiểm tra hoạt động khai thác, chế biến khoáng sản trên địa bàn. Nhiều đơn vị vi phạm đã bị xử phạt, truy thu thuế. Nhưng thực tế vẫn còn nhiều đơn vị khai thác vi phạm.

Một lượng lớn đá thải đổ tràn lan tại khu vực thung Phá Bàng, xã Châu Hồng, huyện Quỳ Hợp (tỉnh Nghệ An). ẢNH: ĐIỀN BẮC.

Người dân xã Thọ Hợp, huyện Quỳ Hợp (tỉnh Nghệ An) phản ánh, trong quá trình sản xuất, Công ty cổ phần Khai thác chế biến đá Thanh Xuân (DN Thanh Xuân) có địa chỉ tại Cụm Công nghiệp Thọ Sơn 1, xã Thọ Hợp xả nước thải màu trắng đục, tràn ra mặt đường giao thông, đổ xuống ruộng, gây ảnh hưởng môi trường.

Theo lãnh đạo UBND xã Thọ Hợp, đoàn kiểm tra liên ngành của xã cũng đã nhiều lần đi kiểm tra về tình trạng này và cũng đã lập biên bản xử phạt hành chính. Sau mỗi lần xử phạt, công ty hứa sẽ khắc phục, nhưng tình trạng xả thải thỉnh thoảng vẫn diễn ra...

Ngày ngày 31/10, UBND huyện Quỳ Hợp đã lập đoàn kiểm tra, cho thấy: DN Thanh Xuân đã thực hiện không đúng hoặc không đầy đủ một trong các nội dung của giấy phép môi trường. Cụ thể, theo đề án bảo vệ môi trường đã được UBND huyện này phê duyệt thì hệ thống hố lắng của DN Thanh Xuân gồm 3 ngăn, nhưng tại thời điểm kiểm tra hố lắng chỉ bao gồm 2 ngăn. Ngoài ra, tại thời điểm kiểm tra xác định được DN Thanh Xuân đang vận hành 4 bể lắng, trong đó bể lắng số 1 gồm 2 ngăn, bể lắng số 2 không ngăn cách, bể lắng số 3 và số 4 không ngăn, không đúng với đề án bảo vệ môi trường đã được phê duyệt.

Theo đại diện của DN Thanh Xuân, vì hạ tầng của cụm công nghiệp chưa có hệ thống đấu nối nên mỗi lần mưa lớn, nước từ khu vực cao hơn đổ xuống mặt bằng của DN, xảy ra tình trạng tràn nước từ ao và nước mưa ra bên ngoài. Thời điểm người dân phản ánh, công nhân rửa xe máy nên nước tràn ra đường chảy ra phía cổng, cộng thêm bụi đường nên nước thải có màu trắng đục. Trước vi phạm trên, UBND huyện Quỳ Hợp đã ra Quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với DN Thanh Xuân với số tiền 35 triệu đồng vì mắc các lỗi vi phạm nói trên.

Trong khi đó, người dân bản Công, xã Châu Hồng phản ánh, tại thung Phá Bàng có hiện tượng một số doanh nghiệp đổ thải trái quy định. Sau khi có phản ánh, quá trình tìm hiểu thấy rằng: Tại khu vực thung Phá Bàng, bản Công, xã Châu Hồng, huyện Quỳ Hợp, một khu đất có diện tích khoảng 2ha, gần 2 tháng nay, một lượng lớn đá thải trong quá trình khai thác đá, được đổ tràn lan.

Được biết, khu vực này trước đây giao cho một doanh nghiệp khai thác quặng quản lý. Tuy nhiên, hơn 3 năm nay đã đóng cửa mỏ, sau khi hoàn thổ, tại khu vực này người dân tranh thủ mót quặng trong những lúc nông nhàn. Bắt đầu từ đầu tháng 10/2023 một góc phía Bắc của thung Phá Bàng, xuất hiện nhiều tấn đá thải đổ xuống. Theo người dân, đơn vị đổ thải là Công ty CP xây dựng công trình và thương mại 747 (gọi tắt là DN 747), đơn vị này có mỏ đá trắng cách đó khoảng 200m.

Ông Trần Đức Lợi - Phó Chủ tịch UBND huyện Quỳ Hợp cho biết, khu vực này trước đây do công ty Hải Hà được cấp phép khai thác quặng, sau đó đã hoàn thổ và đã đóng cửa mỏ. “Việc DN 747 đổ thải, qua nắm bắt là do Tổ công tác của Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Nghệ An nhờ để san mặt bằng” - ông Lợi cho biết thêm. Trao đổi với PV Báo Đại Đoàn Kết, một cán bộ tham gia đoàn kiểm tra các điểm mỏ đã hoàn thổ của Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Nghệ An cho biết: Đúng là có việc DN 747 đổ đá thải tại thung Phá Bàng.

Được biết, khu vực mà DN 747 đổ thải cũng là địa điểm mà đơn vị này xin thuê đất, tuy nhiên do nhiều vướng mắc nên đến nay vẫn chưa được cơ quan chức năng chấp thuận. Dư luận cho rằng, việc DN 747 đổ thải ra khu vực thung Phá Bàng chỉ là san gạt mặt bằng hay một hình thức đổ thải trái quy định?

Tác giả: Điền Bắc

Nguồn tin: daidoanket.vn

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP