Thế giới

Thách thức bủa vây các nữ lãnh đạo châu Á

Chính trường châu Á đang chứng kiến sự lên ngôi ngày càng nhiều của các nữ chính trị gia tài năng. Tuy nhiên, để đạt được thành công trong sự nghiệp, họ phải đối mặt với không ít khó khăn, thậm chí phải đánh đổi nhiều lựa chọn trong cuộc sống riêng.

Nữ lãnh đạo đầu tiên của Đài Loan Thái Anh Văn (Ảnh: lowyinterpreter.org)


Ở khu vực châu Á, ngày càng nhiều nữ giới tham gia vào chính trường nhờ sự tiến bộ trong các chương trình cải cách giáo dục cũng như bình đẳng giới trong xã hội. Trong nhiều thập kỷ qua, các nữ chính trị gia châu Á đã có nhiều bước tiến trong sự nghiệp. Họ không chỉ thành công trong học tập, tự chủ về kinh tế, mà còn nhận được sự ủng hộ từ nam giới.

Trước đây, các nữ chính trị gia châu Á, đặc biệt là ở các nước Đông Nam Á, thường được thửa hưởng quyền lực từ gia đình hoặc từ một người đàn ông trong gia đình. Họ thường kế nghiệp cha, chồng hay anh trai và phụ thuộc nhiều vào sự ủng hộ chính trị từ gia đình. Do vậy, các nữ chính khách bị hạn chế trong việc xây dựng và tự chủ kế hoạch hành động của chính mình.

Họ tham gia chính trị vì động cơ cá nhân chứ không phải là vì giá trị chính trị độc lập mà họ có được qua thông qua học tập và kinh nghiệm. Do vậy, nữ chính trị gia trước đây thường bị chính công dân của mình chỉ trích vì không thể phát triển kinh tế và mang lại cuộc sống tốt hơn cho đất nước.

Tuy nhiên, nhiều nữ chính khách châu Á hiện nay hoàn toàn độc lập và tự chủ. Một trong số đó là bà Thái Anh Văn, nữ lãnh đạo đầu tiên của Đài Loan. Bà Thái Anh Văn đã vươn lên nắm giữ cương vị lãnh đạo mà không có bất cứ bệ đỡ nào từ gia đình. Bà Sylvia Lim, Chủ tịch Đảng Công nhân Singapore hay bà Yoriko Koike, nữ thị trưởng đầu tiên của Tokyo, là những minh chứng khác cho các nữ chính khách thế hệ mới. Họ đều là những người độc lập trên con đường chính trị của mình.

Ba nữ chính trị gia kể trên đều có điểm chung là trải qua quá trình học tập ở nước ngoài và xây dựng sự nghiệp trước khi làm chính trị. Ngoài ra, họ đều là những người độc thân - không cưới chồng hoặc đã ly hôn. Thực tế này cho thấy rằng đối với những người phụ nữ tài năng ở châu Á, nếu họ khao khát dấn thân vào chính trường thì sẽ phải đối mặt với những lựa chọn khó khăn: Hoặc theo học ở nước ngoài, xây dựng sự nghiệp và không có chồng, con hoặc từ bỏ khát vọng làm chính trị gia.

Ngoài ra, theo Diplomat, tương lai của các nữ chính khách châu Á cũng không tươi sáng. Nhiều khả năng Hàn Quốc sẽ không sớm có nữ tổng thống thứ 2, sau Tổng thống Hàn Quốc Park Geun-hye. Phân biệt và kỳ thị giới tính vẫn đang là vấn đề nhức nhối trên toàn thế giới. Do vậy, các nữ chính khách sẽ phải đối mặt với nhiều thách thức mới, trong đó "cái giá" đắt nhất mà họ phải trả là có thể phải từ bỏ cơ hội lập gia đình và có con. Đây là lựa chọn khó khăn với nhiều phụ nữ châu Á bởi ở khu vực này, việc gìn giữ vai trò truyền thống của phụ nữ vẫn rất được coi trọng trong xã hội.

Tác giả bài viết: Diên Vỹ

Nguồn tin:

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP