Thế giới

Tàu ngầm 'biến hình' của Nga

Nga đang chế tạo một loại robot hoạt động dưới nước có thể mô phỏng được tính năng của tàu ngầm hạt nhân lẫn tàu ngầm thông thường.

Tàu ngầm không người lái mới của Nga có thể giả dạng mọi loại tàu ngầm

Hãng tin Tass gần đây đưa tin Cơ quan thiết kế Rubin của Nga đang chế tạo một loại thiết bị không người lái hoạt động dưới nước có thể dùng để “bẫy” các tàu ngầm đối phương. Mẫu thiết kế Surrogat được Nga công bố giữa lúc nước này đang tăng cường thiết lập lực lượng ở biên giới châu Âu trong bối cảnh căng thẳng leo thang giữa Moscow và phương Tây, theo tờ Daily Mail.

Robot đa nhiệm

Theo truyền thông nhà nước Nga, Surrogat sẽ được gắn loại ăng ten đặc biệt cho phép nó bắt được các tín hiệu âm thanh và điện từ của tàu ngầm đối phương, từ đó mô phỏng chính xác tần số và những âm thanh đặc trưng của mọi loại tàu ngầm Nga. Thông báo từ Cơ quan thiết kế Rubin cho hay Surrogat có chiều dài gần 17 m. Nhờ trang bị pin lithium-ion, thiết bị mới có khả năng hoạt động trong 15 - 16 tiếng liên tục.

Các nhà thiết kế khẳng định Surrogat có thể hữu dụng trong thời chiến, với nhiệm vụ nghi binh nhằm đánh lừa các tàu ngầm của NATO được giao nhiệm vụ phá hủy tàu ngầm tên lửa đạn đạo của Nga. Chẳng hạn, nó có thể giả dạng một tàu ngầm tên lửa đạn đạo lớp Borei chạy bằng năng lượng hạt nhân của Nga. Bất kỳ tàu ngầm nào tấn công Surrogat sẽ bị lộ, qua đó trở thành mồi ngon cho các tàu ngầm Nga đang nằm chờ gần đó để phục kích.

Không chỉ thế, với công nghệ mô đun cho phép thay đổi tính năng, Surrogat dễ dàng bám theo tàu ngầm đối phương. Robot có hình dạng giống quả ngư lôi này có độ giãn nước khoảng 50 tấn, lặn sâu tối đa 600 m và tầm hoạt động gần 1.000 km nên rất phù hợp cho các sứ mệnh do thám. Theo giới chức quốc phòng Nga, Surrogat có khả năng bám theo tàu ngầm đối phương với tốc độ tối đa vượt hơn 44 km/giờ.

Surrogat cũng sẽ hoạt động như một thiết bị huấn luyện cho các đội tàu ngầm của Nga. Bằng cách bắt chước tín hiệu âm thanh dưới nước của các tàu ngầm NATO, nó có thể giúp lực lượng tàu ngầm Nga diễn tập hiệu quả. Điều này sẽ giúp giảm chi phí của các cuộc tập trận, cho phép thủy thủ đoàn của hải quân Nga được trải nghiệm các điều kiện thực tế thường xuyên hơn.

“Việc sử dụng tàu ngầm không người lái còn giúp giảm nguy hiểm cho thủy thủ đoàn”, Tổng giám đốc Igor Vilnit của Cơ quan thiết kế Rubin nhận định. Giới lãnh đạo Rubin còn tiết lộ rằng Surrogat có thể dùng cho các mục đích truyền thống như vẽ bản đồ hoặc thăm dò tài nguyên khoáng sản ở đáy biển.

Phác họa UUV Kanyon

“Kẻ hủy diệt” Kanyon

Song song đó, Nga được cho là đang bí mật phát triển tàu ngầm không người lái (UUV) trang bị đầu đạn hạt nhân. Trang The Washington Free Beacon dẫn lời giới chức Mỹ cho biết UUV nằm trong chương trình phát triển vũ khí mới của Nga có tên gọi là Kanyon. Một khi được triển khai, thiết bị UUV này có khả năng phá hủy các căn cứ tàu ngầm cũng như các hải cảng ven biển của Mỹ nhờ vào những đầu đạn có kích cỡ siêu lớn.

Các quan chức Mỹ am hiểu chương trình Kanyon cho biết loại vũ khí mà Nga đang ra sức chế tạo có thể được hình dung như một “thiết bị tấn công dạng tàu ngầm tự động”, được trang bị đầu đạn với sức nổ lên đến hàng chục megaton (1 megaton tương đương 1 triệu tấn chất nổ TNT). Một vụ nổ bằng vũ khí hạt nhân có kích cỡ như trên có thể gây ra thiệt hại khổng lồ trên những khu vực rộng lớn.

“Loại UUV này là một tàu ngầm không người lái có tốc độ cao và phạm vi hoạt động rộng, cho phép tấn công bí mật các mục tiêu từ xa”, một quan chức Mỹ cho biết.

Chuyên gia phân tích của hải quân Mỹ Norman Polmar cho rằng Kanyon có thể được phát triển dựa trên ngư lôi hạt nhân T-15 của Liên Xô. Theo ông, cả hải quân Nga hiện nay và hải quân Liên Xô trước đây đều sở hữu những hệ thống vũ khí dưới nước siêu việt. “Các nỗ lực này bao gồm những quả ngư lôi tiên tiến nhất. Trong thời kỳ đầu của kỷ nguyên hạt nhân, người Liên Xô đã bắt đầu chế tạo một loại ngư lôi khổng lồ để tấn công các thành phố và cảng ven biển”, ông Polmar nói.

Ngư lôi T-15 dài hơn 22 m với đường kính 1,5 m. Loại vũ khí này, nếu được khai hỏa ở độ sâu 6.000 m, có thể tạo nên trận sóng thần đủ sức cuốn trôi toàn bộ bờ đông hoặc tây của Mỹ xuống đáy đại dương.

Trợ thủ của “sát thủ săn ngầm” Mi-14

Các kỹ sư Nga đang nỗ lực triển khai bom chống ngầm Zagon-2 mới cho trực thăng săn ngầm Mi-14. Theo Đài RIA-Novosti dẫn lời Tổng giám đốc Sergei Rusakov của Tập đoàn sản xuất vũ khí Techmash: “Bom chống ngầm Zagon-2 ban đầu được phát triển để lắp cho các trực thăng Ka-28, song nay chúng tôi có kế hoạch triển khai nó trên nhiều loại máy bay khác, kể cả Mi-14”.

Bom Zagon-2 được thiết kế để tấn công các tàu ngầm đang nổi hoặc lặn sâu dưới mặt nước. Khi được phóng vào các mục tiêu dưới nước, Zagon-2 sẽ bung dù và theo đà rơi xuống mặt nước, từ đây nó sẽ hướng theo mục tiêu dựa vào hệ thống kiểm soát chuyển động mục tiêu và tín hiệu sóng âm (sonar). Với chiều dài 1,5 m, nặng 120 kg, Zagon-2 có thể phát hiện tàu ngầm đối phương ở khoảng cách 450 m và ở độ sâu 600 m. Nó cũng có thể được triển khai từ các loại máy bay chống ngầm Il-38 và Tu-142M.

Mi-14 là dòng trực thăng đổ bộ mặt nước (đáp được trên mặt nước) mang theo một ngư lôi và 12 quả bom loại 64 kg hoặc 8 bom loại 120 kg. Điểm cộng của loại trực thăng này là có thể chứa bom hạt nhân chống ngầm nặng tới 1,6 tấn, có sức nổ 1 kiloton, thừa sức thổi bay mọi mục tiêu dưới nước trong vòng bán kính 800 m.

Theo Hãng Sputnik, Mi-14 được gọi là “sát thủ săn ngầm” hồi cuối thập niên 1980 khi nó phát hiện và đánh chìm một tàu ngầm NATO đi lạc vào lãnh thổ Liên Xô. Dưới áp lực lớn từ Mỹ, toàn bộ trực thăng Mi-14 chấm dứt hoạt động vào năm 1996. Do hải quân Nga đang trong quá trình tái thiết lớn, Bộ Quốc phòng nước này có kế hoạch tái sản xuất Mi-14 tại TP.Kazan.

Tác giả bài viết: Huỳnh Thiềm

Nguồn tin:

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP