Trước ngưỡng cửa đại học, Phương Thảo (18 tuổi, Nghệ An) đắn đo với dự định theo đuổi con đường đại học. Học phí tăng, điều kiện gia đình không cho phép, Thảo nghĩ tới việc nghỉ một năm, tự đi làm lấy vốn, rồi sau đó quay lại học tập.
Phương Thảo không phải người duy nhất có suy nghĩ đó. Nhiều người cảm thấy khi kinh tế gia đình không cho phép, họ cần đi làm để có tài chính trước, sau đó trở lại trường.
Nhiều thí sinh phân vân việc tạm dừng một năm để đi làm kiếm tiền học đại học. Ảnh minh họa: Việt Linh. |
Lựa chọn đi làm trước, học sau
Chia sẻ với Zing, Thảo cho biết năm nay học phí các trường đều tăng, điều kiện kinh tế của gia đình lại hạn hẹp. Cùng với đó, tâm lý sợ ra trường không có việc làm của phụ huynh là rào cản khiến cô phân vân việc học lên.
Yêu thích ngôn ngữ Trung, Phương Thảo đặt nguyện vọng 1 vào ĐH Hà Nội. Cô cho biết mức phí áp dụng với hệ chính quy là gần 74 triệu đồng cho 4 năm học. Bên cạnh đó, nếu theo học chương trình chất lượng cao, gia đình phải bỏ ra 950.000 đồng/tín chỉ. Mức phí khiến Thảo chần chừ.
Thảo cho hay đã tính phương án nghỉ một năm, tạm gác việc học, tập trung đi làm lấy vốn, sau đó trở lại ôn thi vào đại học.
Đây cũng là điều T.L. (Hải Dương) đang cân nhắc. Sức học của nam sinh không tệ. Cậu muốn vào đại học, nhất là ngành liên quan đến kinh tế.
Bên cạnh đó, T.L. thích ra ngoài trải nghiệm, khám phá bên ngoài thay vì chỉ quanh quẩn ở nhà. Tuy nhiên, vấn đề tiền bạc khiến nam sinh đau đầu.
Tìm hiểu học phí ĐH Kinh tế, ĐH Quốc gia Hà Nội, T.L. cho biết năm nay, học phí là 4,2 triệu đồng/tháng. Mức thu các năm sau sẽ tăng thêm 200.000 đồng/tháng. Nếu tính toàn khoá, sinh viên nhập học năm 2022 cần nộp khoảng 180 triệu đồng cho 4 năm học. Với T.L. và gia đình, đây là con số quá lớn.
Mẹ làm thuê tự do, thu nhập bấp bênh. Thương mẹ, chàng trai quyết định tạm gác lại giấc mơ học hành để giảm bớt gánh nặng kinh tế.
“Mình đang tính đến việc đi làm 1-2 năm để có thêm kinh phí rồi mới quay lại học tiếp", T.L. cho biết.
Sợ bị cuốn vào công việc, quên mất mục tiêu ban đầu
Quyết định tạm dừng học trước ngưỡng cửa vào đại học không dễ dàng. Phương Thảo tâm sự đang chần chừ vì việc này cần có sự đồng ý của gia đình. Hiện tại, mẹ cô muốn con gái đi xuất khẩu lao động tại nước ngoài nhưng là con gái, cô sợ đi xa. Thảo nhận thấy nhiều bất lợi.
Hơn nữa, cô cho rằng việc nghỉ tạm một năm cần có ý chí, quyết tâm rất lớn. Nhiều người đi làm dễ bị cuốn vào công việc, mải kiếm tiền mà quên đi mục tiêu ban đầu là việc học.
Mỗi ngày, cô luôn vạch ra những câu hỏi câu hỏi “Liệu trong một năm đó, mình đã có đủ tài chính để đi học tiếp chưa? Sẽ làm công việc gì với mức lương bao nhiêu?".
“Mình định lên Hà Nội, nhờ người thân tư vấn, tìm giúp một công việc”, Thảo tâm sự.
Cùng suy nghĩ với Thảo, T.L. cho rằng tâm lý những người trẻ như cậu rất dễ bị thay đổi bởi môi trường làm việc, tiền lương hay thậm chí những người xung quanh tác động. Kiếm tiền vốn đã áp lực, nay suy nghĩ cần phải tích góp tài chính để học tiếp lại càng đắn đo.
“Nhưng đó là những suy nghĩ trước mắt. Nếu lựa chọn đi làm, mình sẽ vạch ra kế hoạch cụ thể. Khi có đủ tiền, mình sẽ quay trở lại học, kết hợp vừa học vừa làm. Quan trọng, bố mẹ ủng hộ điều đó”, T.L. cho hay.
Lùi để tiến
Nhưng trải nghiệm gap year không phải lúc nào cũng tệ. Với Hoài Thu (20 tuổi, từ Quảng Ninh), khoảng thời đó giúp cô nhận ra nhiều điều.
Thời điểm mới tốt nghiệp, nữ sinh mất 2 năm để định hướng bản thân cần làm gì. Bước sang năm thứ ba, cô quyết định đi làm một năm, sau đó dành một khoản tiền để tự chi trả cho việc học sắp tới.
Hoài Thu lựa chọn đi làm một thời gian nhằm áp dụng những kiến thức đã học ở bậc phổ thông cũng như tích góp tiền để phục vụ công việc sắp tới. Ảnh: NVCC. |
Bên cạnh đó, cô lựa chọn đi làm một thời gian nhằm áp dụng những kiến thức đã học ở bậc phổ thông cũng như định hướng xem bản thân yêu thích ngành gì trước khi quyết định học lên đại học.
Hiện tại, Thu đang là nhân viên kinh doanh tại một cửa hàng về đồ gia dụng. Sau khi đi làm, cô nhận ra bản thân thích kinh doanh và muốn học về lĩnh vực này. Bên cạnh đó, tại môi trường làm việc, cô có cơ hội giao tiếp với người nước ngoài nên phát huy được khả năng ngoại ngữ.
Mỗi tháng, cô cân nhắc chi tiêu cho ăn uống, sinh hoạt, mua sắm. Lương tháng đầu, Thu gửi mẹ. Những tháng về sau, cô tích góp được một khoản tiền nhỏ nhằm phục vụ việc học sắp tới.
“Mình còn trẻ, chưa có khả năng tính toán hay chi tiêu một cách hợp lý nên tìm đến sự giúp đỡ của mẹ”, Thu nói.
Bích Lan (Lạng Sơn) nhớ lại khoảng thời gian đi làm để tích góp vốn: “Hồi đó, học phí ở mức trung bình, chưa tăng cao như bây giờ nhưng kinh tế gia đình không đủ điều kiện. Nếu mình tiếp tục học đại học, bố mẹ không thể lo được”.
Bích Lan lựa chọn một công ty sản xuất linh kiện điện tử để làm việc, công việc chính của cô chủ yếu là kiểm tra chất lượng hàng hóa. Thời gian đầu làm việc, cô quá tải, phải tăng ca liên tục 2 tiếng/ngày, tay phồng rộp, chân tê, đau lưng sau khi tiếp xúc với công cụ máy móc.
Sau cô quen dần, năng suất làm việc được nâng lên, áp lực giảm bớt. Bích Lan nhận về mức lương khoảng 8 triệu đồng/tháng. Trừ chi phí sinh hoạt, mỗi tháng, cô để dành ra khoảng 6 triệu. Cứ thế trong vòng một năm, cô tích cóp số tiền vừa đủ để có thể tiếp tục học tập.
Sau đó, Lan nghỉ làm để ôn luyện. Nữ sinh trúng tuyển ngành Ngôn ngữ Hàn Quốc của ĐH Hà Nội. Thời gian đầu, Lan chuyên tâm vào việc học. Năm thứ hai, cô bắt đầu làm trợ giảng tại trung tâm ngoại ngữ nhỏ trên địa bàn. Cô vừa học vừa làm để trang trải chi phí học tập.
Hiện tại, Bích Lan tiếp tục làm thêm các công việc liên quan đến ngành học. Cô hy vọng sau khi ra trường, bản thân sẽ có công việc ổn định.
"Nhớ lại trước đây, khoảng thời gian đó khá vất vả. Nhưng không sao, mình nghĩ nếu không có điều kiện, mình có thể đi chậm hơn người khác, quan trọng là luôn cố gắng để đạt được mục tiêu mình mong muốn", Lan nói.
Tác giả: Lan Anh
Nguồn tin: zingnews.vn