Nước đục và có mùi hôi
Thực hiện chủ trương di dời nhà ở để giải phóng mặt bằng làm đường 72m nối Vinh - Cửa Lò, vào năm 2015, gia đình bà Hoàng Thị Thanh (SN 1951) cùng 15 hộ dân khác đã đồng ý nhận tiền đề bù và ra khu vực tái định cư tại khối 8, phường Nghi Hương, TX.Cửa Lò, tỉnh Nghệ An xây nhà ở.
“Tôi bắt đầu vào ở nhà mới hồi tháng 3/2016. Thời điểm đó chỉ mới có 3 – 4 nhà thôi, một số hộ dân khác chưa xây xong nên chưa ra. Số còn lại chưa chịu di dời vì chưa thống nhất mức giá đền bù. Nhưng đến thời điểm hiện nay thì cơ bản mọi người đã đồng ý. Lúc đầu, chủ đầu tư cam kết với chúng tôi là sẽ hoàn thiện hạ tầng về điện, đường, nước sạch… Thế nhưng đến nay chưa có một việc gì hoàn thành cả”, bà Thanh kể.
Nước xả ra có cặn và mùi hôi. |
Chỉ vào những chiếc xô đặt ở sân hứng nước mưa, bà Thanh cho biết đây là nước dùng để nấu ăn và sử dụng hằng ngày. Thấy những vị khách tỏ ra ngạc nhiên, bà Thanh giải thích là đơn vị thi công vẫn đấu nối nước cho người dân sử dụng, thế nhưng khi mở ra thì nước vô cùng bẩn, thậm chí còn nghe mùi hôi. Mặc dù gia đình bà Thanh đã lọc qua nhiều hệ thống nhưng vẫn không dùng để uống được.
“Tôi sống vào tuổi này rồi, hồi xưa khổ hơn bây giờ nhiều nên vẫn chịu được, nhưng chỉ sợ mấy người cháu sinh bệnh thôi. Vì vậy nước này chúng tôi chỉ dùng để tắm giặt, còn nấu ăn thì dùng nước mưa và mua một máy lọc để dùng hằng ngày. Tuy nhiên vẫn phải dùng cầm chừng, mùa mưa còn được chứ mùa hè thì thiếu trầm trọng”, bà Thanh nói.
Mặc dù chỉ có vài chục hộ dân nhưng tình trạng ô nhiễm môi trường ngày càng nặng vì hệ thống mương không thoát được nước, nước bẩn và rác thải đọng lại ở các hố ga, gây mùi hôi cả khu vực tái định cư. “Mỗi lần có mưa, các tuyến đường trong khu tái định cư ngập nước, tràn vào nhà dân khiến cho việc đi lại khó khăn. Chúng tôi đều phải xây cao hơn mặt đường hoặc tự xây dựng các hệ thống thoát nước tạm thời, không ai dám làm gì kiên cố vì sợ một thời gian nữa đơn vị thi công vào làm đường thì lại phải phá. Thế mà đến giờ cũng gần 4 năm rồi chẳng thấy họ động tĩnh gì”, ông Phùng Ngọc Khơ, người dân khu tái định cư thở dài cho hay.
Về chẳng được, ở chẳng xong
Không những nước sạch, điện sử dụng tại khu tái định cư phường Nghi Hương cũng vô cùng yếu. Nguyên nhân là do trạm biến áp dùng đã xây dựng nhưng không hiểu sao đơn vị thi công không đưa vào sử dụng. Vì vậy, các hộ dân ở đây phải dùng điện đấu nối với khối bên cạnh.
“Chúng tôi kéo nhờ điện từ ngoài vào, tất nhiên vẫn lắp đồng hồ và trả tiền bình thường. Ban ngày thì không sao, nhưng cứ đến chập tối khi tất cả mọi người cùng trở về dùng các thiết bị như đèn, máy giặt, nóng lạnh… thì điện vô cùng yếu và chập chờn”, ông Khơ nói.
Các công trình hạ tầng chưa hoàn thiện. |
Ngoài ra, các cột đèn chiếu sáng đã được xây lắp hoàn thiện, tuy nhiên chưa bao giờ được bật lên. Trước nay chưa bao giờ sử dụng đèn điện này nên người dân cho rằng có hay không cũng chả sao, tuy nhiên xây dựng rồi mà không dùng thì vô cùng lãng phí. Đó là chưa kể một số cột điện đã có dấu hiệu cong vênh, hư hỏng sau nhiều năm phơi sương, phơi nắng.
Ngoài phản ánh về hạ tầng không được hoàn thiện, người dân còn cho rằng các hạng mục xây dựng trong khu vực tái định cư không đảm bảo chất lượng, như đường chưa hoàn thiện đã bị bong tróc, hàng trăm mét gạch nền bị vứt nham nhở; các hố ga bị sứt hỏng, không có tấm đan che chắn gây nguy hiểm cho trẻ nhỏ; các vật liệu xây dựng xi măng để ngoài trời nay đã hư hỏng không thể sử dụng được nữa…
Trước tình trạng này, rất nhiều người dân mong muốn được trở về nhà cũ, khi vừa có vườn để làm, có nước sạch để dùng. “Đã trót nhường đất cho dự án, đến nay muốn quay về nhà cũ cũng chẳng còn lối để về. Qua các cuộc họp khối, họp HĐND phường, thị xã, chúng tôi cũng đã đề xuất nhưng vẫn không được quan tâm, giải quyết. Điều mong muốn của người dân là chủ đầu tư và đơn vị thi công hoàn thành các hạng mục cơ sở hạ tầng cơ bản để chúng tôi sử dụng”, bà Thanh đề xuất.
Liên quan đến sự việc, ông Nguyễn Thanh Tùng, Giám đốc trung tâm Phát triển quỹ đất TX.Cửa Lò, chủ đầu tư của dự án tái định cư, thừa nhận những phản ánh của người dân là đúng. Nguyên nhân là do thiếu vốn nên chưa thể hoàn thiện các hạng mục trong khu tái định cư.
“Dự án ban đầu với tên gọi là Đại lộ Vinh – Cửa Lò nhưng thực hiện được một phần thì hết vốn, trong đó khu tái định cư đã hoàn thiện được 85%. Tất cả các hạng mục đều phải dừng chứ không riêng gì khu tái định cư. Việc này kéo dài tới vài năm và dẫn đến hiện trạng người dân phản ánh như trên”, ông Tùng nói.
Tuy nhiên, mới đây, UBND tỉnh đã lập dự án mới đổi tên thành đường nối Vinh – Cửa Lò. Vì vậy, trung tâm Phát triển quỹ đất TX.Cửa Lò đang tiến hành quyết toán các hạnh mục đã hoàn thành, rồi chuyển những hạng mục đang dở dang sang dự án mới để tiếp tục thi công.
“Thực ra, cơ sở hạ tầng tại đây đã cơ bản hoàn thiện, những việc còn lại không tốn nhiều thời gian, chỉ cần 1 – 2 tháng là xong. Hiện, đơn vị đang thiết kế dự án và bắt đầu cho làm tiếp, dự kiến đến hết năm nay là có thể kết thúc các công việc trên”, ông Tùng khẳng định.
Theo kế hoạch thực hiện đường Vinh - Cửa Lò của tỉnh Nghệ An, chủ đầu tư sẽ xây dựng 17 khu tái định cư ở TP.Vinh và Nghi Lộc, TX.Cửa Lò để giải tỏa mặt bằng. Trong đó, TP.Vinh có 4 khu tái định cư, huyện Nghi Lộc có 8 khu tái định cư, còn TX. Cửa Lò chỉ duy nhất 1 khu ở phường Nghi Hương. Vì vậy người dân nơi đây rất hi vọng chủ đầu tư sớm thực hiện cam kết, để mọi người an tâm sinh sống.
Tác giả: Anh Ngọc
Nguồn tin: Báo Người đưa tin