Tờ kiểm điểm của trò được phụ huynh chụp gửi thầy qua Zalo |
Buổi học hôm ấy em đi trễ. Tôi hỏi lý do tại sao thì em cho biết rằng ba đi công việc chở em theo nên trễ giờ học. Tôi cho phép em vào lớp học và rồi cũng không để ý đến việc này mãi cho đến khi được phụ huynh cho hay em đi trễ chỉ vì ngủ quên.
Vị phụ huynh rất nghiêm khắc khi yêu cầu con mình viết tờ tự kiểm và gặp trực tiếp giáo viên để xin lỗi. Tôi hỏi thêm sự việc thì được biết rằng em sợ thầy la mắng nên đưa ra một lý do khá hợp lý cho việc đi trễ và em cũng biết mình sai nên đã nói sự thật với mẹ.
"Cháu không cần viết tường trình mà chỉ gặp thầy nhận lỗi sai và nếu mai mốt có việc gì thì cứ nói sự thật để thầy cô, ba mẹ biết tìm cách giúp đỡ là được" - tôi trao đổi với phụ huynh như thế, phụ huynh đồng tình nhưng vẫn chụp ảnh tờ tự kiểm của cháu gửi qua Zalo cho thầy xem.
Nếu phụ huynh không kể thì tôi cũng không biết sự thật. Nếu em học sinh không tự giác nhận lỗi thì ba mẹ mình cũng không biết và em xem việc nói dối như thế là bình thường và có thể tiếp tục như thế ở những lần sau. Giáo dục trẻ biết nhận lỗi và tự đề ra hướng phấn đấu là một phần của việc thực hiện giáo dục tích cực.
Điều quan trọng nhất là giải thích để trẻ hiểu rõ và tự giác nhận ra lỗi lầm của mình để từ đó điều chỉnh hành vi sai phạm và chấp hành quy tắc. Việc áp dụng các phương pháp giáo dục kỷ luật tích cực sẽ giúp học sinh có nhiều cơ hội chia sẻ, bày tỏ cảm xúc, được mọi người quan tâm, tôn trọng và lắng nghe ý kiến.
Trong môi trường giáo dục tích cực, gia đình và nhà trường là hai chủ thể quan trọng trong việc định hướng cho học sinh hiểu và tự giác chấp hành kỷ luật, từ đó tạo được sự thân thiện giữa thầy và trò, góp phần vào việc nâng chất văn hóa nhà trường, trong đó có vai trò tương tác giữa thầy cô và phụ huynh học sinh theo đúng ý nghĩa nhân văn và thực chất.
Tác giả: LÊ TẤN THỜI
Nguồn tin: Báo Tuổi trẻ