Theo PGS.TS Nguyễn Huy Nga, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), để tránh bị lây nhiễm, gia đình có F0 cần bố trí cho người bệnh sinh hoạt ở phòng riêng biệt. Mọi hoạt động như ăn uống, tắm giặt đều phải tách biệt với các thành viên còn lại.
Ngoài ra, cả bệnh nhân và các thành viên khác đều phải đeo khẩu trang. Đặc biệt, thành viên là F1 nên tự theo dõi sức khỏe của mình trong quá trình cách ly chung với F0. Khi có bất cứ dấu hiệu như ho, sốt, đau họng, sổ mũi, khó thở... cần test nhanh COVID-19 và thông báo cho cơ quan y tế nơi mình sinh sống.
(Ảnh minh họa: Sức khỏe đời sống) |
Ông Nga cũng khuyến cáo, khi sống cùng F0, mọi thành viên trong gia đình nên hạn chế nói chuyện với nhau. Mọi thông tin cần trao đổi mọi người có thể liên lạc qua điện thoại, tin nhắn.
Những không gian như bếp nấu, nhà vệ sinh, tay nắm cửa, công tắc điện... đều phải được vệ sinh, khử khuẩn để tránh lây lan virus. Nếu phải sử dụng chung nhà vệ sinh thì cả F0 và F1 phải có ý thức không khạc nhổ bừa bãi...
Theo các chuyên gia, khi sống chung với F0, việc có bị lây hay không phụ thuộc vào tình trạng tiêm chủng, khả năng giãn cách xã hội, việc đang dùng chung đồ, cách thức dọn dẹp không gian chung… của mỗi thành viên trong gia đình.
Tuy nhiên, điều quan trọng là mỗi thành viên còn lại trong gia đình phải giữ khoảng cách an toàn với người bệnh. Bởi người ở cùng nhà nguy cơ phơi nhiễm cho đến khi bệnh nhân có kết quả âm tính.
Vì vậy, mọi người cần hạn chế tiếp xúc với F0, tự biết giữ an toàn cho bản thân, theo dõi sức khỏe và xét nghiệm khi có triệu chứng, đeo khẩu trang và thường xuyên khử khuẩn không gian trong nhà...
Đặc biệt, các gia đình nên giới hạn thành viên chăm sóc cho F0. Bởi càng nhiều người tiếp xúc với bệnh nhân thì nguy cơ lây lan trong hộ gia đình càng cao.
Tác giả: PHẠM QUÝ
Nguồn tin: vtc.vn