Số hóa

'Rác' trên TikTok và mối nguy hại bủa vây giới trẻ

Chỉ sau 3 năm có mặt tại Việt Nam, nền tảng TikTok đã và đang chiếm thời lượng quan tâm và số lượng người trẻ Việt dùng tăng chóng mặt.

Một TikToker sản xuất nội dung bẩn bị Sở TT&TT TPHCM mời làm việc.

Dù báo chí liên tục cảnh báo, nhưng bằng cách nào đó, những nội dung xấu trên TikTok vẫn lọt qua được khâu kiểm duyệt để phô diễn hàng ngày, hàng giờ trước giới trẻ. Mối nguy hại từ nền tảng này đối với học sinh, sinh viên là điều có thể thấy rõ.

Tràn lan cờ bạc, mại dâm trá hình

Nền tảng TikTok chính thức ra mắt tại Việt Nam vào tháng 4/2019 với mục tiêu giúp đa dạng hóa phương thức sản xuất nội dung, tôn vinh sự sáng tạo của người Việt thông qua các video dạng ngắn.

Chỉ sau 3 năm có mặt tại Việt Nam, nền tảng đã và đang chiếm thời lượng quan tâm và số lượng người trẻ Việt dùng tăng chóng mặt.

Sự phát triển nhanh chóng và không ngừng cải tiến các ứng dụng của nền tảng đã và đang mang đến cho một bộ phận người trẻ một kênh giải trí thú vị, mang lại cơ hội kinh doanh, kiếm tiền cho nhiều người. Tuy vậy, bên cạnh những mặt lợi thì hệ lụy từ nền tảng này mang lại cho giới trẻ cũng không hề nhỏ.

Trong thời gian ngắn vừa qua các nội dung bẩn, câu view ngày càng gia tăng một cách chóng mặt. Bên cạnh những cái tên từng gây nhiều sóng gió cho cõi mạng như “Nờ ô nô”, “Phạm Thoại” với định hình chửi bới, chê bai, hay như một số TikToker L.B, P.A, Q.Ali… có hàng triệu lượt follow chuyên dùng những video khoe thân để câu view.

Gần đây các phiên live trực tiếp trên nền tảng TikTok bắt đầu xuất hiện hình thức quy tụ hội nhóm để đánh bài trực tiếp, các hình thức mại dâm trá hình, live khoe thân, thậm chí là nhá nhem những hình ảnh tục tĩu.

Không khó khăn để chúng tôi có thể bắt chuyện, kết bạn và vào một hội nhóm trên TikTok để đánh bài trực tiếp dưới hình thức bài cào, tiến lên hoặc chơi lô tô ăn tiền.

Việc lôi kéo người tham gia cờ bạc trên nền tảng TikTok của nhiều đối tượng diễn ra một cách công khai. Người tham gia chơi chỉ việc nộp tiền vào một tài khoản chung, người cầm live trực tiếp sẽ thu “tiền xâu” mỗi lượt từ 10.000 - 30.000 đồng/ván chơi.

Anh Nguyễn Thái Trung, ở TP Thủ Đức cho biết, một phiên live trực tiếp dưới hình thức này trên TikTok trong vòng 2 tiếng có thể giúp người tổ chức thu về hàng trăm nghìn đồng đến hàng triệu đồng.

“Điều ngạc nhiên là họ tổ chức đánh bài một cách công khai mà không hề bị TikTok kiểm duyệt hay bị cơ quan chức năng xử lý. Sự nguy hại của những loại tệ nạn này với giới trẻ, học sinh, sinh viên rất khủng khiếp, là điều cần phải nhanh chóng được xử lý.

Một đứa trẻ vị thành niên sẽ phản ứng và ứng xử thế nào khi hàng ngày chúng có thể dễ dàng nhìn thấy những hình ảnh thô tục, những video bậy bạ, thậm chí là khoe cả việc bay lắc, chơi ma túy trên cõi mạng thế này?”, anh Trung lo lắng nói.

Yêu cầu TikTok siết chặt nội dung

Một đối tượng live tổ chức đánh bài trực tiếp trên nền tảng TiTok thu hút hàng chục người tham gia.

Khác với những nội dung về giáo dục giới tính văn minh được thực hiện bởi các bác sĩ hay chuyên gia tâm lý, “content rác” được thể hiện qua các câu chuyện dung tục núp dưới nhiều dạng thức thể hiện.

Theo Báo cáo kỹ thuật số 2022 của tổ chức We Are Social, Việt Nam hiện có hơn 39,9 triệu người trên 18 tuổi dùng TikTok, tức hơn 55% số người dùng Internet tại Việt Nam.

Kết quả khảo sát được công bố qua các báo cáo của Decision Lab (2022) hay The Connected Consumer (quý IV-2021) cũng cho thấy TikTok đã chính thức vượt mặt Instagram, trở thành một trong 4 nền tảng mạng xã hội phổ biến nhất tại Việt Nam.

Riêng trong năm 2022, số lượng người dùng mạng xã hội tại Việt Nam chuyển dịch từ các nền tảng khác sang TikTok tăng hơn 40%. Do đó, với việc buông lỏng kiểm soát nội dung một cách đáng lo ngại như hiện nay của TikTok nhiều người dùng lo ngại các nội dung “bẩn” trên mạng xã hội sẽ tác động xấu tới giới trẻ.

Theo chị Nguyễn Thúy Quỳnh, Giám đốc Công ty Truyền thông MHT, TP Thủ Đức, mặc dù TikTok cấm trẻ em dưới 13 tuổi, nhưng với việc cho tạo tài khoản một cách dễ dãi, không cần xác minh, nhiều trẻ em đã khai gian tuổi để đăng ký sử dụng.

Do đó, với thuật toán gợi ý theo “trend” được TikTok dựng sẵn, những đứa trẻ chưa đủ nhận thức vẫn dễ dàng tham gia vào các trend “bẩn” hoặc những thử thách “chết chóc”.

“Chúng ta đã có Luật An ninh mạng với các điều khoản rất rõ ràng quy định các hành vi được và không được làm của người dùng Internet. Nhưng không hiểu vì lý do gì những thứ “rác rưởi” nguy hại vẫn cứ hàng ngày hàng giờ hiển hiện khắp nơi, đặc biệt là trên nền tảng TikTok như hiện nay.

Một đứa trẻ trong độ tuổi vị thành niên sở hữu một chiếc điện thoại thông minh nhưng thiếu sự giám sát, kiểm soát của cha mẹ chẳng khác nào việc chúng ta đưa dao cho các cháu tự cắt tay mình.

Tôi cảm thấy rất lo lắng khi các hiện tượng “bẩn”, hiện tượng lệch chuẩn ngày càng nhiều trên TikTok mà cơ quan kiểm duyệt nội dung cũng như các cơ quan chức năng vẫn không làm gì”, chị Quỳnh lo lắng nói.

Hậu quả của những loại “rác” không được kiểm duyệt là không ít trẻ đã bỏ mạng khi tham gia các thử thách bậy bạ trên TikTok. Theo Bloomberg, trong 18 tháng qua, ít nhất đã có 20 trẻ em ở nhiều quốc gia tử vong vì tham gia thử thách ngạt thở (blackout challenge), trong đó có 15 trẻ em dưới 12 tuổi và 5 em ở độ tuổi 13, 14.

TS Nguyễn Quang Tiệp, Viện trưởng Viện Nghiên cứu đào tạo Kinh tế quốc tế (Bộ KHCN) cho rằng, đã đến lúc cơ quan quản lý cần có cơ chế giám sát, phát hiện và yêu cầu mạng xã hội này gỡ bỏ nhanh chóng những video có nội dung xấu độc, đi ngược truyền thống văn hóa dân tộc và pháp luật, ảnh hưởng đến an ninh và chủ quyền quốc gia, ảnh hưởng đến sự phát triển lành mạnh của trẻ em.

Đồng thời cần xử lý nghiêm theo quy định của Luật An ninh mạng, Bộ luật Hình sự và các nghị định liên quan đối với cá nhân phát tán video xấu độc trên TikTok.

“Trong lúc chưa triển khai được giải pháp kiểm soát hữu hiệu nền tảng mạng xã hội, người dùng cần có ý thức tự bảo vệ mình. Đặc biệt, gia đình có con em trong độ tuổi vị thành niên nên quan tâm, giám sát con cái trong việc tiếp cận các thông tin trên mạng để bảo vệ tính mạng, sức khỏe của trẻ cũng như tránh nguy cơ lệch lạc trong phát triển nhân cách.

Thực tế thời gian qua trên nền tảng TikTok có nhiều bé gái chỉ mới 12 - 13 tuổi nhưng đã có những hành vi lệch chuẩn khi ăn mặc thiếu vải và nhảy múa cho mọi người xem. Đây là vấn đề không chỉ ở khâu quản lý mà còn ở hành vi ứng xử của người dùng”, TS Tiệp nói.

Tác giả: Anh Tú

Nguồn tin: Báo Giáo dục & Thời đại

  Từ khóa: TikTok

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP