Người phụ nữ nhập viện với gương mặt loang lổ sau thời gian đắp lá trầu không |
Thông tin từ Bệnh viện Da liễu Trung ương cho biết, thời gian ngắn gần đây, các bác sĩ của bệnh viện này tiếp nhận liên tiếp những bệnh nhân vào viện vì tổn thương da đen, trắng xen kẽ nhau sau một thời gian dài đắp lá trầu không với mong muốn da trắng sáng, hết sạm da, nám má, tàn nhang…
Điển hình là trường hợp một phụ nữ 50 tuổi, ở Bắc Ninh. Bị nám má, nghe theo người thân giới thiệu, chị này đã đắp lá trầu không theo bài thuốc của người dân tộc Dao (hấp lá trầu không, sau đó để nguội, đắp lên mặt trước khi đi ngủ) suốt một thời gian dài. Lúc đầu mới đắp lá, da của chị trắng hồng hơn nhưng sau khi ngừng đắp lá, phần nám má trước đó lại xuất hiện trở lại, thậm chí còn nhiều hơn lúc đầu.
Gần đây, trên mặt xuất hiện những đốm trắng, đốm đen loang lổ theo từng chấm xen kẽ nhau, da càng ngày càng xuống cấp trầm trọng, chị mới đến Bệnh viện Da liễu Trung ương khám. Các bác sĩ chẩn đoán, bệnh nhân bị bệnh giảm sắc tố kiểu rắc hoa giấy do đắp lá trầu không gây ra.
Theo bác sĩ Hoàng Văn Tâm, Phó Trưởng khoa Chẩn đoán hình ảnh - Bệnh viện Da liễu Trung ương, trong lá trầu chứa phenolic compounds có cơ chế ức chế sản xuất melanin và lột da nên có tác dụng làm trắng da nhanh. Điều này khiến nhiều người thích thú nhưng nếu dùng lâu dài thuốc sẽ làm mất hoàn toàn màu da, tạo thành hình ảnh giảm sắc tố hình chấm trên nền tăng sắc tố, khiến gương mặt loang lổ, da sẽ đen sạm đi.
Việc điều trị cho các bệnh nhân này phải mất rất nhiều thời gian. Thông thường, phải mất khoảng một năm để làn da của bệnh nhân có thể phục hồi.
Tác giả: Duy Tiến
Nguồn tin: Báo An Ninh Thủ Đô