Theo kênh truyền hình trung ương Trung Quốc CCTV, chương trình tuyển phi công của hải quân nước này cho năm 2019 đã chiêu mộ hơn 20% so với số phi công tuyển mộ trong năm 2018. Hơn nữa, số lượng phi công tuyển cho chương trình đào tạo tiêm kích tác chiến trên tàu sân bay tăng 41% so với năm 2018.
Trong số tân binh tuyển mộ cho vị trí phi công, 4.500 người đã vượt qua vòng thi tuyển đầu tiên. Con số này cao gần gấp 2 lần so với năm 2018. Thời báo Hoàn cầu cho biết chỉ có 800 người lọt vào vòng tuyển chọn phi công cuối cùng trong năm 2018.
Các nữ phi công lái tiêm kích J-10 của Trung Quốc. Ảnh: China News. |
Các chuyên gia nhận định đây là bước đi quan trọng bảo đảm nhân sự cho tham vọng xây dựng một hạm đội tàu sân bay của Trung Quốc trong tương lai.
"Trung Quốc thời gian qua đẩy mạnh đào tạo phi công cho máy bay trên tàu sân bay, và xu hướng này sẽ tiếp tục cho tới khi bảo đảm hoạt động của các tàu sân bay này", Thời báo Hoàn cầu dẫn lời một chuyên gia quân sự Trung Quốc cho biết.
Chuyên gia Trung Quốc tuyên bố nước này sẽ không chỉ có nhiều tàu sân bay hơn, mà các tàu sân bay thế hệ kế tiếp sẽ lớn hơn, mang được nhiều máy bay hơn. Vì vậy, quân đội Trung Quốc sẽ ngày càng có nhu cầu lớn hơn đối với phi công lái máy bay chiến đấu.
Tàu sân bay Liêu Ninh của Trung Quốc. Ảnh: Tân Hoa Xã. |
Tàu sân bay đầu tiên của Trung Quốc, chiếc Liêu Ninh, là sản phẩm từ thời Liên Xô, do Bắc Kinh mua lại từ Ukraine. Liêu Ninh là tàu sân bay duy nhất đang trong biên chế của quân đội Trung Quốc.
Năm 2017, Trung Quốc đã cho ra mắt tàu sân bay thứ 2 do nước này tự sản xuất. Tuy nhiên, chiếc tàu sân bay này hiện chưa được đưa vào phục vụ trong quân đội.
Trong năm 2018, Trung Quốc bắt đầu sản xuất tàu sân bay thứ 3, một sản phẩm được giới chức quốc phòng Mỹ đánh giá là "lớn hơn, sử dụng hệ thống cất cánh bằng máy phóng", cho phép nó mang theo nhiều loại máy bay đa dạng hơn.
Nhờ học sinh mua sữa, cô giáo bị đình chỉ công tác
Tác giả: Duy Anh
Nguồn tin: zing.vn