Người sử dụng phải hiểu rõ về tính năng của than hoạt tính để tránh nhầm lẫn đáng tiếc. |
Đủ loại kết hợp với than hoạt tính
Không khó để nhìn thấy các sản phẩm mỹ phẩm than hoạt tính được bán tràn lan trên mạng. Xà phòng than hoạt tính có thể diệt khuẩn đến 99%, dầu gội đầu than hoạt tính loại bỏ gầu, bụi bẩn, vi khuẩn gây nấm, ngứa chỉ sau vài lần gội, kem đánh răng than hoạt tính giúp diệt khuẩn, làm răng trắng sáng, không sâu răng, kem dưỡng than hoạt tính thải độc cho da…
Ngoài các sản phẩm hóa mỹ phẩm có chứa than hoạt tính như kem đánh răng, sữa rửa mặt, sữa tắm, dầu gội, xà phòng… thì thực phẩm than hoạt tính cũng không phải là hiếm.
Có thể kể đến kem đen hay còn gọi là kem hoạt tính, bánh mỳ than hoạt tính, cà phê than hoạt tính… Vẻ bề ngoài, những sản phẩm này trông rất lạ mắt, thu hút sự chú ý của giới trẻ, trong đó có cả trẻ em. Màu đen của sản phẩm không giống với những gì người ta thường thấy thu hút sự tò mò, háo hức.
Than hoạt tính là một thành phần tẩy độc bởi khả năng thấm hút, nhưng liệu chúng có lợi cho sức khỏe khi tích hợp vào thực phẩm?
PGS.TS Trịnh Lê Hùng, Khoa Hóa, Trường ĐHKHTN (ĐHQG Hà Nội) cho biết, than hoạt tính là một dạng của carbon được xử lý để có những lỗ rỗng bé, thể tích nhỏ để tăng diện tích bề mặt cho hấp phụ hoặc phản ứng hóa học.
Than hoạt tính gồm chủ yếu là carbon ở dạng vô định hình (bột), một phần nữa có dạng tinh thể vụn grafit. Ngoài carbon thì phần còn lại thường là tàn tro, mà chủ yếu là các kim loại kiềm và vụn cát. Than hoạt tính có diện tích bề mặt ngoài rất lớn nên được ứng dụng như một chất lý tưởng để lọc hút nhiều loại hóa chất.
Chia sẻ về câu chuyện này, TS Phạm Văn Nho, Phòng Vật lý ứng dụng, Trường ĐHKHTN, ĐHQG Hà Nội cho biết, than hoạt tính có diện tích bề mặt lớn hơn nhiều lần vật liệu khác nên có khả năng hút một số chất.
Tuy nhiên, khi được chọn là nguyên liệu để sản xuất mỹ phẩm như xà phòng, dầu gội, sữa rửa mặt,... than hoạt tính đã tự nó hút hết các thành phần có trong các sản phẩm này rồi. Do đó, than hoạt tính gần như không có tác dụng gì trong việc lọc hóa chất, thải độc hay diệt khuẩn.
Đáng tiếc là một số đơn vị sản xuất dựa vào sự hiểu biết nhập nhèm của người tiêu dùng để quảng cáo “vống” lên những tác dụng, khiến người tiêu dùng lầm tưởng về tác dụng thực sự của sản phẩm.
“Khi trộn than hoạt tính vào mỹ phẩm, tự nó đã hút hóa chất trong mỹ phẩm nên nó trở nên bão hòa. Than hoạt tính chỉ có tác dụng khi dùng nó để hấp thụ một số hóa chất chứ không trộn chung vào hóa chất.
Ngày xưa, người ta trang bị cho lính ra trận những chiếc mũ, mặt nạ chứa than hoạt tính để khi khí độc đi qua sẽ bị giữ lại, giúp người dùng không bị nhiễm độc hóa chất.
Ngày nay, một số trường hợp ngộ độc thực phẩm, người ta cho uống than hoạt tính để hấp thụ chất độc đào thải ra ngoài. Than hoạt tính có tác dụng lọc chất độc, nhưng chỉ khi sử dụng đúng cách”, TS Phạm Văn Nho cho biết.
Chỉ sử dụng thải độc trong cấp cứu
PGS.TS Phạm Văn Nho cho biết, than hoạt tính thường được sử dụng trong các ca cấp cứu cần giảm lượng chất độc, khi bệnh nhân bị ngộ độc thực phẩm hay uống thuốc quá liều. Khi đó, than sẽ bám vào chất độc trong đường ruột, ngăn chúng không hấp thu vào máu, sau đó thải qua đường bài tiết.
Bản thân than hoạt tính không thể hấp thụ được trong cơ thể con người, mà nó chỉ hấp thụ các chất khác nhờ diện tích bề mặt lớn. Bản thân chúng không tham gia vào quá trình trao đổi chất cũng như không tạo ra phản ứng với bất kỳ chất nào trong cơ thể. Do đó, than hoạt tính không có bất cứ giá trị dinh dưỡng nào.
“Người ta sử dụng than hoạt tính để hấp thụ chất độc có trong không khí, nước, giảm nồng độ chất độc nếu con người lỡ không may ăn phải. Khi vào dạ dày, chúng có tính năng thẩm thấu, thấm hút mạnh nên có thể thải độc. Do đó, khi kết hợp với thực phẩm, chắc chắn thực phẩm đó không bổ dưỡng hơn, cũng không thể giúp con người thải độc trong cơ thể mà nhiều khi nó còn cản trở khả năng hấp thụ chất trong ruột. Thực phẩm than hoạt tính có thể lạ, cũng không gây ra những tác dụng xấu, nhưng chắc chắn là không có yếu tố nào có lợi cho sức khỏe”, PGS.TS Phạm Văn Nho cho biết.
Than hoạt tính có khả năng thải độc cơ thể nhờ cơ chế thấm hút mạnh và đào thải qua đường tiêu hóa, vậy chúng có khả năng giải độc cơ thể không? Một người không gặp vấn đề gì về ngộ độc thực phẩm, có thể sử dụng than hoạt tính để thải độc cơ thể hay không? PGS.TS Phạm Văn Nho cho biết, than hoạt tính chỉ thải độc ở đường tiêu hóa chứ không thải độc được trong đường máu.
Trong khi đó, để thải độc cho toàn bộ cơ thể thì phải kích thích chuyển hóa ở thận, gan chứ không phải chỉ có đường tiêu hóa. Do đó, than hoạt tính không dùng để thải độc hay thanh lọc cơ thể. Lầm tưởng này của không ít người dẫn đến những bi hài xung quanh câu chuyện thải độc cơ thể.
“Nếu không có vấn đề gì mà vẫn uống than hoạt tính thì chúng làm chậm hoạt động ruột và có thể dẫn đến buồn nôn, táo bón hoặc đi ngoài phân đen. Do đó, đừng nên vội vã chạy theo các trào lưu thải độc, bởi trừ khi nuốt phải chất độc, cơ thể không thể nhiễm độc tố từ thức ăn. Hơn nữa, cơ thể luôn có sẵn phương tiện thanh lọc cơ thể là gan và thận nên đừng tốn tiền vào các phương pháp không được khoa học chứng minh”, PGS.TS Phạm Văn Nho cho biết.
Bản chất than hoạt tính là carbon, chúng chỉ có thể chuyển hóa thành oxit carbon khi ở nhiệt độ lên đến 500 độ C. Trong điều kiện bình thường, chúng vô hại cho cơ thể, nhưng khi lạm dụng nó thì lại có những tác động không tốt. Đặc biệt là những thực phẩm có chứa thành phần than hoạt tính, chúng hoàn toàn không có thêm thành phần bổ dưỡng nào cho cơ thể.
Tác giả: Nhật Phong
Nguồn tin: Báo Giáo dục & Thời đại