Trong tỉnh

Phát triển Nghệ An từ tầm nhìn đến vị thế

Xác định quy hoạch phải đi trước một bước, Nghệ An đã làm rất tốt công tác này để tạo đà phát triển kinh tế - xã hội, thúc đẩy thu hút đầu tư.

Nghệ An kỳ vọng vào Dự án hạ tầng lớn nhất hiện nay - Dự án Hameraj đang trên đà đẩy nhanh tiến độ, khi hoàn thành, chắc chắn sẽ là một “bức tranh” đẹp cho nhà đầu tư chọn lựa

Bước chuyển mạnh mẽ

Quy hoạch là điều kiện cần cho mọi hoạt động kinh tế - xã hội để định hướng không gian, hạ tầng kỹ thuật, sử dụng đất, phát triển đô thị, nông thôn. Chia sẻ về vấn đề này, Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An, ông Nguyễn Đức Trung cho biết, trong những năm qua, Nghệ An đã hoàn thành toàn diện các cấp độ quy hoạch xây dựng, từ quy hoạch hệ thống đô thị toàn tỉnh, quy hoạch vùng huyện liên tỉnh (Nam Thanh - Bắc Nghệ, Nam Nghệ - Bắc Hà); quy hoạch chung xây dựng các đô thị thuộc tỉnh; các quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/2.000; quy hoạch các khu chức năng đặc thù và quy hoạch xây dựng nông thôn mới.

Trong đó, tỉnh đã duyệt Quy hoạch chung TP. Vinh đến năm 2030, tầm nhìn năm 2050; Quy hoạch thị xã Cửa Lò; Quy hoạch Khu kinh tế Đông Nam; Quy hoạch thị trấn Quán Hành, thị trấn Hưng Nguyên, thị trấn Nam Đàn, thị trấn Thanh Chương, đô thị Thanh Thủy, đô thị cầu Rộ, đô thị chợ Chùa, đô thị chợ Thượng, thị trấn khu vực Hưng Phúc (Hưng Nguyên), Nam Trung, Nam Giang (Nam Đàn)... Một số quy hoạch khác đang tiếp tục được rà soát, thẩm định để phê duyệt.

Các quy hoạch đã giúp tỉnh có bước chuyển mạnh mẽ, bộ mặt đô thị và nông thôn ngày càng khang trang, văn minh, hiện đại. Theo ông Nguyễn Trường Giang, Giám đốc Sở Xây dựng tỉnh Nghệ An, quy hoạch hệ thống đô thị được UBND tỉnh phê duyệt tại Quyết định số 4566/QĐ-UBND gồm có 144 đô thị các loại. Đến nay, tỷ lệ phủ kín quy hoạch chung xây dựng đô thị hiện hữu và đô thị chính (45 đô thị) đạt 100%.

Lực đẩy cho đô thị trung tâm

Xác định TP. Vinh là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hoá, xã hội và là đầu mối giao lưu, tỉnh Nghệ An quyết tâm xây dựng vùng quy hoạch đô thị Vinh phát triển theo mô hình “Đô thị đa cực sinh thái phi tập trung, nhất thể hóa giữa đô thị với nông thôn và tự nhiên”.

Đặc biệt, tỉnh đã phê duyệt Quy hoạch phân khu Đại lộ Vinh - Cửa Lò và khu vực hai bên Đại lộ Vinh - Cửa Lò (tỷ lệ 1/2.000), được xem là khu vực định hướng phát triển đô thị theo Điều chỉnh quy hoạch chung TP. Vinh đến năm 2030, tầm nhìn năm 2050 và quy hoạch chung mở rộng thị xã Cửa Lò và vùng phụ cận; là trục trung tâm kết nối vùng Vinh - Nghi Lộc - Cửa Lò, hình thành các khu chức năng mới, nhằm đẩy mạnh sự liên kết giữa các đô thị, tạo tiền đề cho việc mở rộng TP. Vinh.

Mới đây nhất, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án Phát triển TP. Vinh thành trung tâm kinh tế, văn hóa vùng Bắc Trung bộ đến năm 2023 theo tinh thần Nghị quyết số 26-NQ/TW của Bộ Chính trị. Đề án này là kết quả của việc triển khai Quyết định số 52/2015/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt điều chỉnh quy hoạch chung TP. Vinh đến năm 2030, tầm nhìn năm 2050. Đây là tin vui cho tất cả các tổ chức và cá nhân quan tâm đến Nghệ An nói chung và TP. Vinh nói riêng.

Bên cạnh đó, việc đầu tư xây dựng các khu nhà ở mới được thực hiện, trên cơ sở các quy hoạch chi tiết đã được phê duyệt trước đó, gồm 4 khu đô thị mới trên tổng diện tích 200 ha và đang tiếp tục lập quy hoạch chi tiết 9 khu đô thị khác. Tại Khu kinh tế Đông Nam, khu đô thị với quy mô 288 ha (thuộc Dự án Đầu tư Khu công nghiệp WHA Industrial Zone 1 Nghệ An) đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chủ trương đầu tư. Tỉnh cũng triển khai sớm các quy hoạch khu kinh tế, khu công nghiệp, tạo đà cho phát triển kinh tế - xã hội. Nhờ làm tốt quy hoạch, giai đoạn 2015 - 2020, Nghệ An đã thu hút được hơn 500 dự án đầu tư, tổng vốn hơn 67.000 tỷ đồng.

TS. Trần Du Lịch, chuyên gia kinh tế đánh giá, trong 5 năm qua, Nghệ An đã giải quyết tốt những vấn đề có tính nền tảng, tạo điều kiện để bứt phá. Tỉnh đã nhận diện được thời đại, bối cảnh chung của cả nước và bối cảnh riêng của địa phương để định vị phát triển.

Cũng theo ông Lịch, bên cạnh đột phá về thể chế, hạ tầng, nguồn nhân lực, Nghệ An cần có thêm đột phá là tập trung để xây dựng TP. Vinh trở thành một đô thị khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo, hình thành được lực lượng doanh nghiệp mạnh cho tỉnh.

Phấn đấu tạo ra “kỳ tích sông Lam”

“Đã hơn nửa thế kỷ từ khi Bác đi xa, Nghệ An vẫn chưa trở thành một trong những tỉnh khá nhất miền Bắc, vì vậy, tôi đề nghị Đảng bộ tỉnh Nghệ An phải đặt tinh thần quyết tâm cao nhất, thực hiện cho được điều mong mỏi thiết tha của Bác Hồ trong thời gian ngắn nhất. Nghệ An cần tạo cho được một kỳ tích sông Lam mà cả nước đang mong đợi”, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh điều này trong phát biểu chỉ đạo tại Đại hội Đại biểu Đảng bộ tỉnh Nghệ An lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2020 - 2025.

Trong nhiệm kỳ qua, Nghệ An đã không chỉ chú trọng phát triển kinh tế, mà còn thực hiện tốt chính sách xã hội, chính sách dân tộc, chính sách với gia đình có công. Tỷ lệ hộ nghèo chỉ còn 3% tại một tỉnh có 1,2 triệu dân ở miền núi là một cố gắng rất lớn.

Tuy nhiên, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ ra một số tồn tại, bất cập của Nghệ An. Cán bộ nhiệt huyết thì có, nhưng chưa quyết đoán, do nhiều nguyên nhân khách quan, chủ quan, nên môi trường đầu tư kinh doanh, cơ hội cho nhà đầu tư nhiều khi bị bỏ lỡ. “Xã thì hiền, huyện không có quyền, tỉnh thì mở, nhưng sở thì thắt lại”, Thủ tướng nhắc lại câu nói của một người bạn ở Nghệ An về vấn đề này.

Vui mừng vì Chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) của Nghệ An đã tăng từ 46 lên 19, nhưng theo Thủ tướng, điều mà nhiều đồng chí nguyên lãnh đạo của tỉnh mong muốn là Nghệ An phải vào Top 10 về môi trường đầu tư, kinh doanh.

Mục tiêu gần mà Nghệ An cần hướng đến chính là tập trung phát triển 3 vùng kinh tế trọng điểm, gồm: vùng TP. Vinh - thị xã Cửa Lò, các huyện Đông Nam của tỉnh gắn với vùng Nam Nghệ An - Bắc Hà Tĩnh; vùng Hoàng Mai - Quỳnh Lưu gắn với vùng Nam Thanh Hóa - Bắc Nghệ An; vùng các huyện miền Tây Nghệ An.

“Nghệ An cùng Hà Tĩnh thảo luận tìm nguồn lực để phát triển 2 bờ sông Lam theo xu hướng đô thị hóa. Phải xây dựng vùng Hoàng Mai gắn với Nam Thanh Hóa, Bắc Nghệ An. Xây dựng TP. Vinh thành đô thị thông minh, sáng tạo, khoa học - công nghệ, thành phố trung tâm hội nhập hội tụ phát triển cả vùng Bắc bộ”, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc lưu ý.

Được biết, năm 2020, Nghệ An đã cấp mới (chấp thuận chủ trương đầu tư/cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư) cho 72 dự án, với tổng vốn đầu tư đăng ký 7.707 tỷ đồng; điều chỉnh 89 lượt dự án, trong đó điều chỉnh tổng vốn đầu tư 25 dự án (tăng hơn 7.403 tỷ đồng). Tổng vốn cấp mới và tăng thêm đạt hơn 15.110 tỷ đồng.

Tác giả: Việt Hương

Nguồn tin: Báo Đầu tư

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP