* Trận Argentina - Pháp diễn ra lúc 21h thứ Bảy 30/6, theo giờ Hà Nội. Trực tuyến trên VnExpress.
Sự kiện ngày 12/7/1998 đã được ghi vào lịch sử của nước Pháp. Đấy là ngày mà người Pháp hạnh phúc nhất kể từ năm 1944, năm Paris được giải phóng và nước Pháp thống nhất. Nhưng sự kiện ở Paris năm 1998 còn đặc biệt hơn ở chỗ: người Pháp lúc ấy đều cùng nhìn về một hướng.
Chức vô địch của thế hệ Zidane, Deschamps năm 1998 là đỉnh cao duy nhất của Pháp ở đấu trường World Cup. |
Những ngày này, nước Pháp tràn ngập những sự kiện để kỷ niệm 20 năm lần đầu tiên (và duy nhất cho đến nay) cầm trên tay chiếc Cup thế giới. Đây là thực tế có phần trớ trêu, bởi World Cup là sản phẩm của hai người Pháp: Jules Rimet và Henri Delaunay.
Một tuần trước khi quả bóng World Cup lăn trên đất Nga, các đài truyền hình Pháp công bố đến ba bộ phim tài liệu lấy đề tài World Cup 1998. Một bộ phim có tựa là “Le Sacre d’une Nation” chiếu hình ảnh của một cậu bé bảy tuổi đang chơi bóng với bạn trên sân tập của đội tuyển Pháp ở Lyon. Cậu bé ấy mang áo số 7, tên cậu là Antoine Griezmann. Thierry Henry, lúc này 20 tuổi, đến cho cậu chữ ký, mỉm cười nói vào camera: “Truyền nhân của bọn tôi đấy”.
Đấy tất nhiên là một cảnh quay đắt giá. Bởi vì 20 năm sau, Griemzann đang mặc đúng chiếc áo số 7 của tuyển Pháp. Sau khi là Vua phá lưới của kỳ Euro trên sân nhà cách đây hai năm, Griezmann tiếp tục là niềm hy vọng của "Les Bleus", cùng với các hảo thủ trẻ tuổi khác.
Aime Jacquet, HLV của chức vô địch World Cup 1998, nói: "Khi nhìn thấy chất lượng của các cầu thủ Pháp hiện tại, đặc biệt là những tiền đạo, tôi có cảm giác sẽ có điều gì đó tuyệt vời xảy ra".
Hết vòng bảng, “điều tuyệt vời” mà Jacquet kỳ vọng chưa đến. Hai trận thắng trước Australia và Peru diễn ra không thuyết phục, trong khi trận hòa 0-0 với Đan Mạch là trận đấu duy nhất không có bàn thắng nào được ghi ở World Cup năm nay. Nhưng con đường Pháp đến chức vô địch World Cup cách đây 20 năm cũng không hề thuyết phục, cho đến khi họ hạ Brazil 3-0 trong trận chung kết.
Pháp xếp nhất bảng đấu của họ, nhưng chưa trình diễn được lối chơi thuyết phục người hâm mộ. |
Didier Deschamps là chiếc gạch nối rõ ràng nhất giữa hai thế hệ tuyển Pháp. Năm 1998, ông chính là thủ quân, là tiền vệ đánh chặn chủ chốt ở giữa sân. Đã có lúc, Deschamps bị Eric Cantona gọi là “người xách nước” vì công việc dọn dẹp của mình trước hàng thủ. Nhưng Cantona dù rất tài năng, vẫn bị HLV Jacquet lạnh lùng loại khỏi danh sách dự World Cup trên sân nhà, cùng với David Ginola, một ngôi sao tấn công lẫy lừng khác.
Có một cái gì đó tương đồng khi Deschamps cũng mạnh dạn gạt bỏ Karim Benzema, trung phong đã cùng với Real Madrid giành đến bốn chức vô địch Champions League chỉ trong năm mùa giải gần đây. Năm 2014 trên đất Brazil, Benzema đá cao nhất trên hàng công của tuyển Pháp. Anh chơi rất hay trước khi Pháp bị Đức loại ở tứ kết, với bàn duy nhất của Mats Hummels.
Một năm sau đó, Benzema dính vào bê bối tống tiền người đồng đội Mathieu Valbuena. Dù chưa từng có kết quả cuối cùng từ tòa án, Deschamps vẫn mạnh dạn loại Benzema ra khỏi đội tuyển. Tháng 6/2016, sau khi biết mình sẽ không có mặt trong danh sách dự Euro 2016, Benzema - một người gốc Algeria - lên tờ Marca và nói: “Deschamps đã chiều theo áp lực của một bộ phận phân biệt chủng tộc tại Pháp”.
Trước phát ngôn ấy, Deschamps còn cân nhắc mang Benzema trở lại, nhưng sau hôm đó, ông đóng hẳn cánh cửa của tiền đạo này. Và dù cho cảm xúc của Benzema lúc này có ra sao đi nữa, người Pháp rõ ràng không cảm thấy nhớ anh. Tuần trước, Christophe Dugarry, một thành viên của tuyển Pháp năm 1998, đã bảo Benzema không đến Nga chỉ vì Pháp không cần anh mà thôi.
Deschamps có đủ nhiều tiền đạo tốt để đoạn tuyệt với Benzema. |
Vấn đề của Pháp không phải là lực lượng. Họ có lực lượng thuộc hàng mạnh nhất nhì World Cup. Nó là câu chuyện họ sẽ tiến lên thế nào với áp lực ngày càng tăng dần. Áp lực từ cột mốc 20 năm trước, áp lực từ một đội tuyển được yêu mến nhất, được Tổng thống Pháp Jacques Chirac ngày ấy gọi là biểu tượng của sự hòa hợp. Tuyển Pháp năm 1998 ấy thậm chí còn được ví như một hình ảnh thu nhỏ đẹp đẽ của nước Pháp. Vậy mà suốt 20 năm qua, sự đồng nhất ấy đã không thể diễn ra. Nhũng scandal và lục đục nội bộ khiến người Pháp ngày càng ghẻ lạnh với đội tuyển. Tình hình chỉ khá hơn khi Deschamps lên cầm đội.
Vấn đề là bây giờ, chính Deschamps cũng đối diện với một “bóng ma” khác của năm 1998: người đồng đội Zinedine Zidane. Một bộ phận lớn dân Pháp đang muốn nhìn thấy Zizou trở lại cầm quân cho Les Bleus, sau thành công vô tiền khoáng hậu cùng với Real Madrid.
Đây đó, những nhân tố của 20 năm trước vẫn hiện diện đều trên mặt báo. Patrick Vieira vừa trở lại nước Pháp để cầm quân cho Nice từ mùa sau. Laurent Blanc, trung vệ với nụ hôn mê tín nổi tiếng lên đầu thủ thành Fabien Barthez, đang được kết nối với chiếc ghế HLV trưởng Chelsea. Bixente Lizarazu thì đang là nhà phân tích bóng đá hàng đầu cho kênh truyền hình Pháp TF1.
Ngày 12/6, gần như toàn bộ cựu tuyển thủ của năm 1998 tái hợp để đá một trận giao hữu gây quỹ với đội các ngôi sao thế giới tại Nanterre. Pháp thắng trận ấy 3-2, với sự theo dõi từ sáu triệu người qua truyền hình trực tiếp. Người duy nhất vắng mặt trận ấy là Deschamps, vì ông và các học trò đã đáp máy bay đi Nga.
Trong chiến dịch makerting cho World Cup lần này, một nhãn hàng đã trưng ra câu slogan: “98 là một năm tuyệt diệu cho bóng đá Pháp. Năm ấy, Kylian chào đời”.
Khả năng tiến xa của Pháp tại World Cup 2018 sẽ phụ thuộc phần nhiều vào những Griezmann, Mbappe. |
Thực ra, phải đến tận tháng 12/1998, Mbappe mới cất tiếng khóc ra đời. Nhưng trước khi Mbappe làm nên một điều gì thật đặc biệt tại giải lần này, cái ngày được ghi vào lịch và bôi đỏ hàng năm của những người Pháp yêu bóng đá vẫn là ngày 12/7, ngày diễn ra trận chung kết World Cup 1998.
Sứ mệnh của Griezmann và các đồng đội là phải làm cho người Pháp nhớ thêm một ngày nữa trong năm: 15/7, tức ba ngày sau chung kết 1998. Ngày 15/7 ấy là chung kết World Cup 2018!
Tác giả: Thuỷ Tiên
Nguồn tin: Báo VnExpress