Trong cuốn Tẩy oan tập lục của quan Đề hình Tống Từ, Trung Quốc (1186-1249), được xem là chuyên gia pháp y nổi tiếng thời Nam Tống, người đặt nền móng cho ngành Pháp y thế giới sau này, ông viết rất rõ khi án mạng xảy ra, ngoài các vết tích khác thì những giọt máu dây tại hiện trường chính là chứng cứ sắc bén nhất để giúp lần ra hung thủ. Đây cũng được xem là chứng tích pháp y đầu tiên trên thế giới được ghi nhận và cách lập luận, phân tích sắc bén của Tống Từ trong tác phẩm trên vẫn được người Trung Quốc áp dụng trong nhiều vụ án sau này.
Quan Đề Hình trọng chứng hơn cung
Trong hơn 20 năm ở chốn quan trường, Tống Từ từng 4 lần được tin tưởng giao giữ chức quan đề hình trọng yếu trong triều và được ca ngợi là vị quan đức độ có tài phá án trọng chứng hơn trọng cung. Vụ án khiến ông nổi danh là vào năm 1235, khi người vợ đến báo tin chồng mình chết rất thảm do bị cắt cổ lúc bà vắng nhà, tại hiện trường, theo lời người vợ, đồ đạc trong nhà không hề suy suyển, chứng tỏ án mạng xảy ra không phải cướp của, giết người, mà có thể là do tư thù cá nhân.
Tống Từ thấy trên tử thi có vết thương chí mạng, vì muốn xác định hung khí chính xác, ông đã dùng miếng thịt bò để đối chiếu với hình dáng vết thương và đưa ra kết luận rằng thủ phạm đã dùng chiếc liềm cắt lúa để gây án. Từ lời khẳng định của người vợ rằng hai vợ chồng chưa hề gây thù chuốc oán với ai, chỉ có 1 khoản nợ vay đã lâu vẫn chưa trả hết, chủ nợ được Tống Từ mời đến nhưng kiên quyết phủ nhận cáo buộc.
Lập tức quan Đề hình lệnh cho 70 người trưởng thành trong thôn xếp thành hàng dài, trên tay mỗi người đều cầm chiếc liềm của mình, tất cả đều sáng loáng. Nhưng thật bất ngờ, chỉ trong vài giây, một con ruồi đã đáp xuống chiếc liềm trên tay người chủ nợ, tiếp đó thêm vài con rồi cả đàn vo ve bâu đến theo. Cuối cùng, hung thủ phải thú nhận đã kỳ cọ kỹ chiếc liềm nhưng không hiểu sao vẫn bị đám ruồi nhặng phát hiện.
Tượng quan Đề hình Tống Từ |
Vào thời cổ đại ở Trung Quốc, việc phá án hầu hết dựa vào khẩu cung (thường phải áp dụng nhục hình), vì thế đã xảy ra không ít án oan do người trong cuộc sợ nên đành phải nhận tội, riêng quan Đề hình Tống Từ khi ấy luôn chú trọng vào việc khám nghiệm. Theo ông, hành vi phạm tội phải được xác định qua khám nghiệm hiện trường và tử thi. Tống Từ cho rằng khi khám nghiệm thi thể sẽ tìm ra vết thương chí mạng, từ đó quyết định hung khí và có thể định tội rõ ràng.
Nhiều phương pháp khám nghiệm tử thi liên quan đến côn trùng học đã được quan Đề hình Tống Từ đúc kết từ thực tiễn phá án trong Tẩy oan tập lục đến nay vẫn được sử dụng. Sau khi tìm đọc, nghiên cứu nhiều sách y dược nổi tiếng, bổ sung đồng thời vận dụng kiến thức về bệnh lý, độc dược khi kiểm tra thương tích, thi thể trong thực tiễn, Tống Từ đã mất 10 năm để viết bộ sách chuyên về pháp y được xem là đầu tiên của Trung Quốc này, hoàn thành năm 1247. Theo ông, dù nhiều loại côn trùng có tập tính làm tổ trên thi thể như bọ cánh cứng, kiến... nhưng ruồi và dòi bọ là loại giúp xác định chính xác nhất thời điểm tử vong của nạn nhân.
Trong ba triều Nguyên, Minh, Thanh, Tẩy oan tập lục đã trở thành cuốn sách gối đầu giường của các quan đề hình. Sau này, tác phẩm của Tống Từ được dịch thành nhiều thứ tiếng: Anh, Pháp. Đức, Nhật, Hà Lan... phát hành tại nhiều quốc gia. Các vụ án trong Tẩy oan tập lục từng được tái hiện trong phim truyền hình Đại Tống đề hình quan, dài 52 tập, phát sóng năm 2005 ở Trung Quốc, trong đó có nhắc đến Tống Từ với danh xưng "ông tổ của ngành Côn trùng học pháp y".
Phương tây tiếp bước
Sau này, các chuyên gia pháp y phương Tây nghiên cứu kỹ hơn, phân tích rằng khi một người qua đời, các mô cơ bắt đầu phân hủy, mùi tử khí từ quá trình này đã thu hút ruồi nhặng bu đến và chỉ trong vòng vài chục phút chúng cũng bắt đầu đẻ trứng trên thi thể, qua đó giúp ích rất nhiều trong việc xác định thời gian gây án.
Cuối tháng 9/1935, các chuyên gia pháp y phương Tây mới dựa vào côn trùng học để giải mã một trong những vụ án mạng khiến dư luận ám ảnh lúc bấy giờ.
Ngày 29/9 cùng năm, trong lúc đi bộ qua chiếc cầu bắc qua khe núi từ Carlisle đến Edinburgh (Scotland), 2 phụ nữ bất ngờ thấy 1 cánh tay người nhô lên từ bờ suối liền hốt hoảng chạy về báo cảnh sát. Tại hiện trường, cơ quan điều tra tìm thấy 30 gói chứa các bộ phận cơ thể người trong những tờ giấy báo với các loài sinh vật đậu xung quanh được các chuyên gia về côn trùng của Đại học Edinburgh xác định là loài đom đóm đặc biệt. Từ đặc tính của loài có cánh này, bác sĩ (BS) pháp y xác định thời gian tử vong khoảng 10-12 ngày trước, thời điểm bà Isabella - vợ của BS Buck Ruxton - đột nhiên mất tích cùng người giúp việc trẻ tuổi, mà theo lời người chồng, bà này đã bỏ trốn với nhân tình.
Nhưng từ chi tiết quan trọng khi một số bộ phận cơ thể được quấn trong tờ báo giấy Sunday Graphic, loại chỉ được phát hành ở Lancaster /Morecambe, nơi nhà Ruxton cư ngụ và thêm lời khai của nhân chứng liên quan tại hiện trường, cảnh sát đã lần ra hung thủ không ai khác chính là viên BS đã vu oan cho người đầu ấp tay gối để ra tay.
(Còn tiếp...)
Tác giả: Nguyễn Xuân
Nguồn tin: congan.com.vn