Tía tô là loại rau gia vị quen thuộc đối với người dân Việt. Giá trị dinh dưỡng của lá tía tô rất cao, bao gồm nhiều dưỡng chất quan trọng như đạm, canxi, sắt, tinh bột, chất xơ, phốt pho, vitamin C. Thật đáng tiếc nếu bạn chỉ đang dùng lá tía tô như một loại rau gia vị thông thường mà không biết đến những công dụng quý giá của chúng.
9 công dụng cho sức khỏe của nước tía tô
1. Trị nổi mề đay, mẩn ngứa
Lá tía tô chứa nhiều thành phần dinh dưỡng như quercetin, acid alpha-lineclic, luteolin, rosmarinic acid… có tác dụng ức chế quá trình sản xuất histamin, từ đó thuyên giảm triệu chứng nổi mề đay, mẩn ngứa. Bạn có thể ép tía tô lấy nước cốt để uống, đồng thời lấy phần bã đắp vào chỗ bị nổi mẩn ngứa. Sau một thời gian, tình trạng ngứa ngáy sẽ giảm đáng kể.
|
2. Hỗ trợ điều trị bệnh gout
Nguyên nhân gây ra bệnh gout thường là do rối loạn chuyển hóa axit uric, được hình thành chủ yếu bởi việc lạm dụng rượu bia và chế độ ăn uống thừa chất đạm. Uống nước lá tía tô có thể giảm lượng enzym xanthin oxidase, chất này được cho là nguyên nhân sản sinh axit uric trong máu. Chưa kể, loại nước này còn hỗ trợ điều trị tình trạng nhiễm khuẩn khi mắc bệnh gout, giúp người bệnh dễ chịu và bớt đau đớn.
3. Giảm cholesterol, ngừa bệnh tim
Nước tía tô là loại nước rất tốt để giảm cholesterol xấu và tăng cholesterol tốt, do đó giúp ngăn ngừa bệnh tim mạch, đau tim, đột quỵ và thậm chí cả ung thư. Đồng thời nó cũng giúp ngăn ngừa xơ vữa động mạch.
4. Phòng tránh các biến chứng hen suyễn
Lá tía tô không có tác dụng điều trị hoàn toàn bệnh hen suyễn, nhưng chúng giúp phòng ngừa tình trạng dị ứng, viêm và quá trình oxy hóa ở bệnh nhân, từ đó góp phần kiểm soát các triệu chứng phụ như ho, đờm, khó thở.
Các nhà khoa học Mỹ cũng nhận định, uống nước lá tía tô giúp giảm đáng kể vấn đề hen suyễn ở những người tham gia điều trị. Khả năng này đến từ chiết xuất lá tía tô có chứa Luteolin, chất này có thể ức chế các hóa chất gây viêm mạnh.
|
5. Tốt cho dạ dày
Lá tía tô có chứa flavonoid, chất này giúp làm dịu các dấu hiệu khó chịu ở dạ dày. Điều này bao gồm đầy hơi, buồn nôn... Tinh chất trong lá tía tô cũng giúp giảm viêm trong dạ dày, do đó cải thiện tiêu hóa và giảm tác động của chứng khó tiêu.
6. Chống ung thư
Vì có chứa rất nhiều chất chống oxy hóa mạnh nên tía tô có khả năng ngăn chặn sự phát triển của tế bào ung thư. Nghiên cứu cho thấy, con người càng tiêu thụ nhiều chất chống oxy hóa hàng ngày thì khả năng mắc bệnh ung thư càng thấp.
7. Ngừa sâu răng
Lá tía tô có chứa nhiều chất Luteolin - giúp làm giảm nguy cơ sâu răng. Một nghiên cứu của Đại học Asahi (Nhật Bản) cũng cho thấy rằng lá tía tô có thể ngăn chặn sự phát triển của vi khuẩn bất lợi trong miệng.
8. Giảm cân
Trong tinh dầu của tía tô chứa Alpha linolenat, đây là một axit omega-3 thiết yếu, có lợi cho việc tăng cường sức khỏe, giúp giảm cân. Ngoài ra, việc uống nước lá tía tô còn giúp làm săn chắc các vùng có mỡ thừa, tăng cảm giác no lâu, giúp chị em khống chế cơn thèm ăn và không còn ăn vặt nhiều nữa.
9. Có lợi cho xương khớp
Lá tía tô có đặc tính kháng khuẩn và kháng nấm cao, không những có tác dụng giảm đau khớp mà còn phòng ngừa các bệnh về xương khớp. Người bệnh viêm khớp dạng thấp và đang mắc một số bệnh xương khớp khác nếu uống nước lá tía tô có thể giảm đau và giảm triệu chứng nguy hiểm của bệnh.
|
Những tác hại khi dùng lá tía tô sai cách
Theo lương y Vũ Quốc Trung (Phòng Chẩn trị Y học cổ truyền), tía tô trong Đông y còn có tên gọi khác là tô diệp, tử tô, tô ngạnh. Tía tô có tác dụng trị cảm mạo, sốt, ho. Cần lưu ý một số điều dưới đây khi uống nước tía tô.
- Không lạm dụng lá tía tô vì có thể gây bệnh cao huyết áp, tổn hại hệ tim mạch. Ngoài ra, uống nhiều nước tía tô cũng khiến cơ thể bị đầy hơi, chướng bụng và nhiều tác dụng phụ khác. Do đó, mỗi người chỉ nên dùng khoảng 3 đến 4 ly nước lá tía tô, chia nhỏ từng lần uống.
- Phụ nữ mang thai không nên uống nước lá tía tô vì dùng thường xuyên và quá nhiều sẽ không tốt cho sức khỏe.
- Người dị ứng với tía tô cẩn trọng khi tiêu thụ thực phẩm này để không để lại biến chứng nguy hiểm.
Tác giả: Đậu Đậu
Nguồn tin: Nhịp sống Việt