An Huệ Quân sinh năm 1955 trong gia đình nông dân ở thành phố Định Châu, tỉnh Hà Bắc. Sau khi tốt nghiệp cao đẳng, Quân bắt đầu được phân công làm việc trong đơn vị nhà nước vào tháng 3/1982. Nhờ chăm chỉ, có năng lực, Quân giành được sự tin tưởng của các lãnh đạo, từng đảm nhiệm chức phó trưởng công an huyện Dịch, tỉnh Hà Bắc.
Đầu 1990, Quân được cử đi học bồi dưỡng nghiệp vụ, sau đó điều chuyển công tác đến Công an thành phố Thâm Quyến. Bắt đầu từ một nhân viên bình thường trong đội trị an của Công an quận La Hồ, sự nghiệp của Quân thăng tiến nhanh chóng nhờ được cấp trên nâng đỡ. Bà ta dần ngồi lên vị trí trưởng phòng, sau đó là Phó giám đốc công an La Hồ, năm 1993. Như vậy, Quân chỉ mất chưa đầy ba năm để lên chức phó giám đốc, được đánh giá là kỳ tích tại đơn vị này.
Đến 1996, Quân thành người nắm quyền chỉ đạo ở đơn vị do cấp trên sức khỏe suy giảm, cần dưỡng bệnh ở địa phương khác trong thời gian dài. Tháng 7/1997, bà ta được thăng chức Giám đốc Công an La Hồ, đồng thời là Ủy viên Ban Thường vụ Quận ủy, Đại biểu HĐND thành phố. Năm 2001, Quân được bầu làm Phó bí thư Ủy ban Chính trị Pháp luật quận La Hồ.
Trên cương vị, Quân đạt nhiều thành tích đáng chú ý, khẳng định được năng lực công tác. Trong thời gian bà ta làm Giám đốc công an La Hồ, đơn vị này đạt danh hiệu xuất sắc toàn quốc năm 1999. Quân lãnh đạo đơn vị thực hiện nhiều cải cách, thành lập trung tâm quản lý tài vụ, thúc đẩy xây dựng công nghệ tiên tiến để ứng dụng trong phá án. Thời điểm đó, Quân rất nổi tiếng trong nội bộ Công an thành phố Thâm Quyến, một số phương tiện truyền thông còn ca ngợi bà ta là "nữ tướng dám nghĩ dám làm".
An Huệ Quân mặc đồng phục cảnh sát thời trẻ (phải) và khi ở tuổi trung niên. Ảnh: Xinjing, Xinhua |
Quân siêng năng và khiêm tốn trong vài năm đầu công tác. Tuy nhiên, khi nắm nhiều quyền lực trong tay, bà ta biến thành con người khác. Theo đồng nghiệp, phong cách làm việc của Quân rất độc đoán, gần như thao túng tất cả sự vụ trọng yếu trong đơn vị như bổ nhiệm, miễn nhiệm nhân sự, đấu thầu dự án. Nếu có ý kiến khác, bà ta thường sử dụng quyền lực để áp bức.
Công an thành phố Thâm Quyến từng thực hiện nhiều cải cách, và Quân chính là người khởi xướng. Trong nhiệm kỳ của bà ta, tổng số đồn cảnh sát ở Thâm Quyến giảm từ 185 xuống 103, trong đó quận La Hồ rút từ 25 xuống 8.
Đứng trước việc tinh giản các đơn vị và nhân sự, một số cán bộ, công an bắt đầu tìm cách hối lộ cấp trên để được giữ chức vụ. Lợi dụng cuộc cải cách này, Quân nhận hối lộ trắng trợn, không từ một ai.
Từ 1995 đến 2002, trưởng đồn cảnh sát Thảo Bình thuộc Công an La Hồ đưa cho Quân 190.000 nhân dân tệ và 10.000 HKD. Người phụ trách đồn cảnh sát Thái Ninh nhiều lần đưa tiền lấy lòng Quân, tổng cộng 120.000 nhân dân tệ và 30.000 HKD, từ 1998 đến 2002.
Theo truyền thông Thâm Quyến, Công an La Hồ lúc đó có khoảng 1.500 nhân viên cảnh sát, khoảng 500 người trong số họ là cán bộ từ cấp phó phòng trở lên. Điều này tạo thành cục diện "quan nhiều lính ít". Lý do có nhiều cán bộ như vậy chủ yếu đến từ việc Quân nhận hối lộ của cấp dưới, sau đó thăng chức cho họ vô tội vạ.
Sau khi có quyền lực và tiền bạc, Quân thường lui tới những nơi vui chơi xa xỉ. Bà ta còn bị tố cho cấp dưới làm "cố vấn pháp lý" cho các tụ điểm giải trí phi pháp và nhận thu "phí bảo kê" để bao che cho họ hoạt động.
Đời tư của nữ giám đốc công an đã ly hôn bị đồn khá suy đồi, nhiều lần nhận "hối lộ tình dục" từ cấp dưới. Quân thường chỉ định nam cảnh sát trẻ, đẹp trai đi cùng với danh nghĩa ra ngoài thị sát. Trong thời gian đó, bà ta sẽ có hành động ám chỉ tình dục với cấp dưới, nếu nghe theo yêu cầu, đối phương sẽ nhanh chóng được thăng chức, ngược lại sẽ bị lấy lý do "cần rèn luyện thêm" để chặn con đường thăng tiến.
Một cấp dưới nhìn thấy cơ hội này và duy trì quan hệ tình nhân với Quân trong thời gian dài. Vì vậy, anh ta chỉ mất hai năm để đi từ cán bộ cấp xã lên cấp huyện.
Năm 2000, một trưởng phòng của Công an La Hồ xuất bản tuyển tập tiểu thuyết "Tùy phong phiêu đãng", trong đó, câu chuyện về nhân vật chính Lưu Lệ Bình trong "Cà phê lúc nửa đêm" ám chỉ quá trình trưởng thành và đời tư đồi bại của Quân. Tác giả cuốn sách bị thuyên chuyển khỏi vị trí ban đầu. Cuốn sách này sau đó được VKS Thành phố Thâm Quyến coi là "một trong những manh mối quan trọng để phá án".
Năm 2002, tân bí thư của Ủy ban Chính trị Pháp luật quận La Hồ nhậm chức, quyền lực của Quân bị hạn chế. Tháng 3/2003, bà ta bị miễn chức Giám đốc công an và chuyển sang làm Phó chủ nhiệm văn phòng cảng Thâm Quyến.
Hầu hết các khoản hối lộ được Quân nhận khi giữ chức phó giám đốc và giám đốc công an quận La Hồ. Trước khi bị thuyên chuyển, bà ta nhiều lần bày tỏ: "Mặc đồng phục cảnh sát quen rồi, không muốn cởi ra" trong cuộc họp nội bộ, vì không muốn mất vị trí béo bở này.
Ngày 31/8/2004, La Hồ xảy ra sự cố tường chắn đất đổ sụp do sạt lở khiến hai người tử vong. Đội điều tra phát hiện một trong những nguyên nhân của vụ tai nạn là trong khu vực xuất hiện lượng lớn công trình xây dựng trái phép, móng của các công trình này đã ảnh hưởng đến tường chắn đất. Các tòa nhà được đầu tư hàng chục triệu nhân dân tệ bởi ba cán bộ cấp trung của Công an La Hồ, nguồn vốn là tiền phi pháp biển thủ từ quỹ của đồn cảnh sát.
Ba cán bộ khai rằng lợi dụng lúc đơn vị cải cách hành chính lén chia nhau gần 10 triệu nhân dân tệ tiền quỹ, dùng để đầu tư xây nhà và mua quan bán chức. Lần theo manh mối này, đội điều tra tìm ra cấp trên cũ của họ là Quân. Tháng 10/2004, Quân bị cách ly để thẩm tra, nhiều cán bộ do bà ta cất nhắc cũng bị tạm giữ.
An Huệ Quân ra tòa năm 2005. Ảnh: Sina |
Tháng 4/2005, Quân bị truy tố vì nghi ngờ nhận hối lộ. Từ 1995 đến 2003, thông qua các thủ đoạn như thao túng điều động nhân sự và thăng chức cán bộ, lợi dụng đấu thầu công trình và mua sắm xe công, Quân nhận hối lộ tổng cộng 1,6 triệu nhân dân tệ, 530.000 HKD, 1.000 USD và hai chiếc tivi màu.
Quân nhận tội, bị kết án 15 năm tù vào ngày 17/6/2005. Tòa cho rằng bà ta đã chủ động thú nhận hành vi phạm tội trong quá trình điều tra và trả lại toàn bộ số tiền phi pháp nên được xem xét giảm nhẹ mức án.
Tháng 1/2007, Quân được bảo lãnh tại ngoại với lý do chữa bệnh u não. Tuy nhiên sau đó, nhà chức trách xác nhận rằng em gái của bà ta đã hối lộ bác sĩ và quản giáo để làm giả hồ sơ bệnh án.
Tháng 7/2014, Quân bị đưa trở lại nhà tù, hơn 6 năm tại ngoại chữa bệnh không được tính vào thời gian thi hành án. Tháng 10/2014, em gái Quân bị truy tố tội hối lộ và các tội danh khác.
Tác giả: Tuệ Anh
Nguồn tin: vnexpress.net