Trong nước

Những vị trí nào trong CAND được đề xuất mang hàm cao nhất cấp tướng?

Theo dự thảo Luật CAND sửa đổi, bổ sung 6 vị trí có cấp bậc hàm cao nhất là cấp tướng: 1 vị trí có cấp bậc hàm cao nhất là thượng tướng.

Đại tướng Tô Lâm - Bộ trưởng Bộ Công an vừa ký tờ trình của Chính phủ gửi Quốc hội về dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật CAND sửa đổi. Một trong những nội dung đáng chú ý trong dự thảo luật mới được chỉnh lý theo tờ trình của Chính phủ là quy định về cấp bậc hàm cao nhất đối với chức vụ, chức danh của sĩ quan CAND. Theo đó, dự thảo Luật CAND sửa đổi, bổ sung 6 vị trí có cấp bậc hàm cao nhất là cấp tướng gồm: 1 vị trí có cấp bậc hàm cao nhất là thượng tướng và 5 vị trí có cấp bậc hàm cao nhất là thiếu tướng.

Đại tướng Tô Lâm - Bộ trưởng Bộ Công an.

Trong đó, dự luật bổ sung 1 vị trí có cấp bậc hàm cao nhất là thượng tướng đối với sĩ quan công an nhân dân biệt phái được phê chuẩn chức vụ Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và an ninh của Quốc hội. Bởi hiện nay, Bộ Công an có một thứ trưởng (có cấp bậc hàm cao nhất là thượng tướng) biệt phái được phê chuẩn chức vụ này. Mặt khác, theo quy định về hệ thống chức vụ của Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và an ninh tương đương chức vụ Bộ trưởng và được cơ cấu vào Ban Chấp hành Trung ương Đảng. Vì vậy, việc bổ sung quy định này là phù hợp.

Dự thảo bổ sung theo hướng: Sĩ quan CAND biệt phái được phê chuẩn chức vụ Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và an ninh của Quốc hội có cấp bậc hàm thượng tướng. Theo Luật CAND hiện hành, chỉ quy định cụ thể 199 vị trí có cấp bậc hàm cao nhất là cấp tướng gồm: 1 đại tướng, 6 thượng tướng, 35 trung tướng, 157 thiếu tướng; còn các vị trí khác chưa được quy định hoặc mới quy định nguyên tắc nên thực tiễn thi hành luật gặp khó khăn, vướng mắc.

5 vị trí có cấp bậc hàm cao nhất là thiếu tướng cũng được bổ sung trong dự luật lần này, gồm: Hiệu trưởng Trường Đại học Cảnh sát nhân dân; Hiệu trưởng Trường Đại học An ninh nhân dân; 1 Trợ lý Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an; 2 vị trí Phó Cục trưởng và tương đương của 2 đơn vị trực thuộc Bộ Công an.

Ngoài ra hiện nay, tổ chức bộ máy các cấp công an đã được đổi mới căn bản, toàn diện, ở bộ không còn tổ chức đơn vị cấp tổng cục, chỉ tổ chức đơn vị cấp cục và tương đương. Trong đó, hầu hết thủ trưởng các đơn vị cấp cục và tương đương có cấp bậc hàm cao nhất là trung tướng, thiếu tướng nhưng vẫn còn thủ trưởng của một số đơn vị tương đương cấp cục chưa được quy định có trần cấp bậc hàm cao nhất là cấp tướng. Chính điều này tạo ra sự thiếu đồng bộ, thống nhất trong quy định về cấp bậc hàm đối với các chức vụ, chức danh.

Trưởng công an thành phố thuộc thành phố trực thuộc T.Ư có cấp bậc hàm cao nhất là đại tá. Ngoài ra, dự thảo Luật CAND sửa đổi lần này cũng quy định trưởng công an thành phố thuộc thành phố trực thuộc Trung ương, trung đoàn trưởng có cấp bậc hàm cao nhất là đại tá. Hiện, công an thành phố trực thuộc thành phố trực thuộc Trung ương là đơn vị tương đương với công an quận thuộc TP Hà Nội và TP.HCM.

Vì vậy, quy định trưởng công an thành phố trực thuộc Trung ương có cấp bậc hàm cao nhất là đại tá như trưởng công an quận thuộc TP Hà Nội và TP.HCM là phù hợp.

Còn lý do quy định trung đoàn trưởng có cấp bậc hàm cao nhất là đại tá thay vì thượng tá như hiện nay là vì đứng trước yêu cầu quản lý nhà nước về an ninh, trật tự, công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm trong tình hình hiện nay, Bộ Công an đã báo cáo cấp có thẩm quyền và thành lập một số Trung đoàn thuộc Bộ Tư lệnh Cảnh vệ, Bộ Tư lệnh Cảnh sát cơ động, Công an địa phương, có tổ chức và thực hiện một số chức năng quản lý nhà nước về an ninh, trật tự. Vì vậy, việc sửa đổi quy định trung đoàn trưởng trong CAND có cấp bậc hàm cao nhất là đại tá là phù hợp.

Tác giả: Gia Đạt

Nguồn tin: Tri thức & Cuộc sống

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP