Cộng đồng mạng

Những trào lưu giới trẻ "hot" nhất trên mạng xã hội Việt 2016

Thử thách mannequin, “bút dứa – táo bút”, trò chơi Pokemon Go, “hãy như tôi”... là những trào lưu nổi bật nhất trong giới trẻ Việt trên mạng xã hội năm 2016 vừa qua.

"Be like me - Hãy như tôi"


Bắt nguồn từ web giải trí nổi tiếng thế giới 9GAG, Be like me trở thành trào lưu hot đầu năm 2016, gây bão cộng đồng mạng với nhiều biến thể "khó đỡ". Điểm đặc biệt dễ dàng nhận biết của trào lưu này là câu nói cửa miệng "Đây là..." sau đó liệt kê một loạt các điều "khó đỡ" chỉ có ở nhân vật được đề cập tới và kết lại với câu nói "Hãy như..."

Đa phần những thông điệp đề ẩn chứa mặt tích cực hướng tới nhiều thói quen tốt nhằm khuyên nhủ giới trẻ hạn chế sống ảo, không khoe của, khoe bản thân, không gây phiền toái người khác trên Facebook....

"Like là làm"


Mở đầu trào lưu “like là làm”, chàng trai “cần 40.000 like để tự thiêu, nhảy cầu" được xem là người “chỉ cần sống ảo, không cần sống thật”. Thanh niên này thực sự đã tẩm xăng đốt chính mình rồi nhảy cầu Tân Hóa (TP.HCM) vào ngày 20/9 trong con mắt bàng hoàng của hàng trăm người chứng kiến.

Trước khi màn tự thiêu này xảy ra, ít ai có thể tin rằng có một người đang sống khoẻ mạnh lại châm lửa tự thiêu vì vài cái Like trên mạng xã hội. Chính vì vậy, cho đến khi nó thật sự xảy ra, dư luận xã hội vẫn không thể tìm được lời giải thích. Trong khi đó, bản thân đương sự cho rằng hành động của anh ta là... chí khí nam nhi, thể hiện “Việt Nam nói là làm”.

Chỉ trong vài ngày ngắn ngủi, “Nói là làm” trở thành một trào lưu thịnh hành nhất trên mạng xã hội. Dân mạng đua nhau tung ra những lời thách thức ngày càng quái gở và nguy hiểm hơn trước. Từ chỗ thách đủ số lượng Like sẽ quay clip hát tặng bạn bè, tặng thẻ nạp điện thoại, rồi tới Like để uống 69 lít mật ong... Thậm chí, một số bạn trẻ còn tuyên bố tung ảnh/clip nhạy cảm, đòi lao xuống cống, giết chết vật nuôi... nếu có đủ vài chục ngàn người bấm Like ủng hộ.

Đây là hồi chuông cảnh báo dành cho các bạn trẻ vốn từ lâu đã quen sống trong thế giới ảo, những người đang mang những giá trị ảo trên mạng (lượt thích, lượt share) để đánh cược với mạng sống của bản thân lẫn những người xung quanh.

"Nói hộ lòng tôi"



Trào lưu "Cái gì cũng nói hộ được lòng tôi" mới chỉ xuất hiện từ cuối tháng 10, nhưng đã khiến giới trẻ Việt phải dậy sóng bởi có quá nhiều sáng tạo "vô cùng nhảm" khiến cộng đồng mạng phải bật cười.

Người mở đầu cho trào lưu này là chàng trai người Việt. Album ảnh mang tên "chuyện tình buồn" gồm 14 tấm được T.P. đăng tải trên mạng xã hội khiến tạo ra một trào lưu hấp dẫn và vô cùng hài hước như "Tất cả ăng ten này nhưng em vẫn không bắt sóng được con tim tôi" hay "Tất cả bật lửa này nhưng con tim em vẫn lạnh giá"... khiến bất kỳ ai xem qua cũng phải ngả nghiêng.

Nội dung của trào lưu đa phần hướng tới diễn tả nỗi buồn của các chàng trai, cô gái gặp khó khăn trong việc thể hiện tình cảm của bản thân với người mình yêu. Dựa trên "nguyên tác" đó, cư dân mạng đã có 1001 biến thể đầy sáng tạo, hài hước và có phần “khó đỡ”.

Thử thách Mannequin


Đây là trào lưu quay clip "đứng hình" bắt nguồn từ một nhóm học sinh trung học ở Florida, Mỹ từ cuối tháng 10 vừa qua và nay lan rộng toàn cầu. Những học sinh trung học tại Florida đứng bất động theo mọi tư thế ngẫu nhiên. Một người có nhiệm vụ cầm camera quay trên nền nhạc sôi động và đưa clip lên mạng xã hội như Twitter, Instagram... với hashtag #MannequinChallenge.

Clip quay Mannequin Challenge trở nên phổ biến với lượt chia sẻ lớn trên mạng. Gần như ngay lập tức, mạng xã hội trở nên dậy sóng với trào lưu này bởi sự thú vị cũng như dễ thực hiện của nó: các nhân vật tham gia chỉ cần trong tư thế bất động. Thời gian và không gian như ngưng đọng tại thời điểm quay.

Để tham gia thử thách này, các bạn trẻ tự mình quay clip hoặc cùng đồng nghiệp, đồng đội, bạn bè... cùng nhau quay clip theo nhóm. Cách phổ biến và dễ dàng nhất là quay bằng điện thoại di động. Hàng chục nghìn clip hưởng ứng trào lưu thử thách Ma nơ canh đã xuất hiện toàn cầu.

Ở Việt Nam, từ giới học sinh, sinh viên, dân văn phòng đến các vận động thể thao, nghệ sĩ nổi tiếng như Only C, rapper Đen, á hậu Huyền My, ca sĩ Tronie Ngô, DJ Hoaprox... cũng hào hứng tham gia trào lưu này.

Pokemon Go


Ngay từ khi ra mắt, trò chơi đậm tính hoài niệm, gợi nhắc tuổi thơ Pokemon Go đã gây sốt khắp thế giới. Đây là game sử dụng camera và các cảm biến trên smartphone để bắt những con thú Pokémon (ảo). Thay vì dùng phím để di chuyển nhân vật, người chơi sẽ trực tiếp đóng vai chính và tự dò đường để đi đến những địa điểm nghi vấn có Pokémon xuất hiện trên bản đồ.

Mặt lợi của trò chơi là kích thích sự phát triển của tư duy khi não bộ xử lý các thao tác, giải những thách đố mà trò chơi đưa ra; đồng thời chơi game kích thích sự sáng tạo. Còn mặt bất lợi của trò chơi là: gây căng thẳng thần kinh, từ đó tăng sự ham muốn chinh phục bằng được thử thách trong game.

Khi quá sức chịu đựng của hệ thần kinh sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe tinh thần và thể chất. Điều đó làm cho con người trở nên cáu giận, khó kiểm soát được hành vi của mình. Quá ám ảnh bởi game sẽ gây ảnh hưởng tới cuộc sống thực.

Thậm chí, cộng đồng Google Map Maker Việt Nam đã phải lên tiếng kêu gọi mọi người bảo vệ nguồn dữ liệu bản đồ Việt Nam trên Google Maps sau khi nhiều người chơi Pokemon Go Việt Nam cố tình tạo nhiều vị trí ảo để săn thú ảo.

“Bút dứa – Táo bút”


Bài hát PPAP (Pen Pineapple Apple Pen) với phần lời ngô nghê, biểu cảm hài hước được lan truyền trên nhiều diễn đàn, mạng xã hội ngay khi ra mắt, tạo nên một trào lưu siêu “hot” vào thời điểm tháng 9, 10 năm 2016. Đây là một bài hát được viết và thể hiện bởi nhạc sĩ kiêm ca sĩ Nhật Bản Piko-Taro với phần nhạc khá lạ và bắt tai, trong khi lời không mang nhiều ý nghĩa.

Có nhiều yếu tố làm nên thành công của “Bút dứa – Táo bút”: thời lượng ngắn, giai điệu gây nghiện, lời lẽ ngô nghê và điệu nhảy vui nhộn của Piko-Taro.

Cho tới thời điểm này, rất nhiều nghệ sĩ và cả các bạn trẻ trên khắp thế giới đã cover lại video clip này của Piko-Taro, theo phong cách sáng tạo, vui nhộn riêng. Tại Việt Nam, trào lưu này cũng đã nhanh chóng được biết đến và tạo được độ hot với nhiều cover thú vị. Trong đó đáng chú ý có màn cover của Vlogger nổi tiếng Phở Đặc Biệt và bạn gái của mình, hot girl Sun HT khi cả 2 mặc đồ đôi và có nhiều biểu cảm rất dễ thương.

Nhiều bạn trẻ còn tạo ra các clip theo phong cách parody (nhại) vui nhộn theo công thức, "Tôi có A. Tôi có B. AB" để ghép hai thứ không liên quan với nhau, tạo hiệu ứng hài hước.

Thử thách chống đẩy #22pushup


Push up Challenge là hoạt động quay video thực hiện hít đất hay chống đẩy 22 cái trong vòng 22 ngày. Hoạt động này được khởi xướng bởi Andrew K. Nguyễn – một người Mỹ gốc Việt nhằm gây quỹ ủng hộ các cựu chiến binh Hoa Kỳ.

Khi nhận được lời thách thức, một là bạn thực hiện theo thách thức, 2 là bạn bỏ tiền vào quỹ hỗ trợ hoặc từ thiện nào bạn biết. Tính đến nay, đã có hơn 6 triệu cái chống đẩy được thực hiện và con số 22 triệu đặt ra sẽ không còn là quá xa vời.

Tại Việt Nam, ngày càng có nhiều bạn trẻ tham gia trào lưu này như một sự thử thách bản thân, rèn luyện sức khỏe. Vì đây là một trào lưu với ý nghĩa nhân văn, mang lại nhiều lợi ích cho sức khỏe mà còn dễ thực hiện nên không ai ngần ngại khi nhận được lời “thách đấu” từ bạn bè mình.

7 công việc đầu tiên


Trào lưu First seven jobs được cho là xuất phát từ tài khoản Twitter của nữ ca-nhạc sĩ Marian Call khi cô đăng tải status với câu hỏi What were your first 7 jobs? (Bảy công việc đầu tiên của bạn là gì?) Ngay lập tức, hashtag #Firstsevenjobs tràn ngập mạng xã hội Twitter và Facebook, được cộng đồng mạng hưởng ứng nhiệt liệt như một niềm tự hào về thời tuổi trẻ lăn xả không mệt mỏi.

Tại Việt Nam, #Firstsevenjobs cũng đang lan rộng bởi những chia sẻ khá hài hước từ cộng đồng mạng. Đó có thể là những công việc giản đơn như nhổ tóc bạc để lấy vài nghìn mua kẹo, hay phức tạp hơn là những công việc đòi hỏi chuyên môn sau này. Dù bạn là ai, làm gì thì tất cả công việc trước đây đã phần nào giúp bạn trưởng thành và chín chắn hơn.

First seven Jobs mở ra nhiều điều thú vị về cuộc đời, cho ta biết được những người thành công không hề dễ dàng đạt được vị thế như ngày hôm nay. Bên cạnh đó, trào lưu này còn khuyến khích những người trẻ nuôi dưỡng đam mê dù trong bất kỳ công việc nào, thành công sẽ tìm đến nếu bạn biết cố gắng.

Chụp ảnh “Dab”



Dab có bắt nguồn là một điệu nhảy mà ở đó, người nhảy thực hiện đồng thời việc cúi đầu xuống và giơ khuỷu tay rồi hạ cánh tay lên. Ban đầu dab chỉ phổ biến trong cộng đồng underground thiên về hiphop, rap và văn hóa đường phố nhưng càng về sau này càng lan truyền rộng rãi và được nhiều người biết đến hơn. Đặc biệt là sau bản hit "Look at my dab" của Migos cùng phần MV tận dụng triệt để điệu nhảy và dáng pose này. Chỉ trong một thời gian ngắn, hàng trăm nghìn người trên khắp thế giới cùng "dapping".

Không chỉ có sức ảnh hưởng trên thế giới mà dễ dàng nhận thấy các bạn trẻ ở Việt Nam cũng đã cập nhật trào lưu này khá nhanh. Điểm cộng lớn nhất của dab đó là người được chụp không nhất thiết phải “lộ” mặt trong bức ảnh. Vậy nên bạn nào không tự tin về thần thái, cách tạo dáng thì vẫn có thể vô tư chụp ảnh.

Tác giả bài viết: Hồng Minh

Nguồn tin:

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP