Trong tỉnh

Những tập tục kì dị của tộc người ngủ ngồi

Đan Lai là tộc người thiểu số ít dân nhất Việt Nam, sống ở xã Môn Sơn, huyện Con Cuông (Nghệ An). Tộc người này từng đứng trước nguy cơ tuyệt chủng vì nghèo đói, lạc hậu và nạn hôn nhân cận huyết. Chính quyền các cấp đã có nhiều biện pháp để ngươời Đan Lai phát triển nhưng hiện nay, tộc người này vẫn đang đối mặt với vô vàn khó khăn...

Phụ nữ Đan Lai 13-14 tuổi đã lấy chồng và sinh rất nhiều con

Chuyện ở tộc người không có giường

Đi thuyền vượt sông Giăng hơn 4h đồng hồ, cuối cùng chúng tôi cũng đến được bản Cọ Phạt. Nơi này, núi non trùng điệp, sương trắng giăng đầy, những mái nhà tranh mốc thếch như những tổ chim treo lưng chừng núi. Bà con Đan Lai thật hiếu khách, những chóe rượu được đưa ra như một màn chào hỏi. Trong men rượu liêng biêng, già bản La Văn Quýt đã kể về những câu chuyện kỳ lạ của tộc người mình.

Già Quýt kể chuyện rằng, bạo chúa miền Hoa Quân xưa bắt dòng họ La (tộc Đan Lai) phải tìm cho ra “100 cây nứa bằng vàng”, nếu không sẽ bị thảm sát cả họ. Làm gì có cây nứa bằng vàng, vậy là cả họ La trốn vào rừng sâu.

Một điều mà ai đến nơi đây cũng thấy kỳ lạ là người Đan Lai không có giường vì cả bộ tộc ai cũng... ngủ ngồi. Nói về tục ngủ ngồi già Quýt cho biết: “Ngủ ngồi là cái nếp có từ xa xưa. Ngủ ngồi là để phòng thú dữ và có thể vùng dậy chạy ngay vào rừng sâu khi bị quan quân bạo chúa truy đuổi. Đến nay, không còn các mối đe dọa nhưng người Đan Lai vẫn có thói quen ngủ ngồi”.

Khuya, chúng tôi xin phép đi ngủ, nhưng không có giường chiếu. Già Quýt bảo: " Cán bộ cứ nằm xuống sàn mà ngủ không có giường đâu. Nếu sợ muỗi thì mần thêm một bát rượu nữa…". Còn già thì chống thanh củi vào trán ngồi ngủ. Nhìn già Quýt, tôi hình dung người Đan Lai từng ngủ ngồi như thế tự bao năm giữa rừng sâu để chống rét và sẵn sàng chống trả thú dữ...

Có lẽ sự trốn chạy và lối sống khép kín đã khiến tộc người Đan Lai tách biệt với thế giới bên ngoài. Cái đói, cái nghèo đeo đẳng cả bản.

Sáng ra bên bờ sông Giăng, chúng tôi thấy một tốp bé gái 13 - 14 tuổi đang địu trẻ, thoắt cái đã thấy vạch áo cho con bú. Anh Hải, cán bộ xã Môn Sơn cho biết: “Ở đây, con gái, con trai cứ 13 - 14 tuổi là dựng vợ gả chồng. Đã đói, nghèo, người Đan Lai còn đẻ nhiều. Phụ nữ 20- 25 tuổi đã có 4- 5 đứa con rồi”.

Người Đan Lai sống biệt lập, không giao lưu với người ngoài nên trai gái trong làng lấy nhau. Hôn nhân cận huyết ngày càng làm cho nòi giống tộc người Đan Lai mai một. Tuổi thọ trung bình của người Đan Lai chỉ khoảng 50, dáng người ai cũng thấp bé.

Tộc người này có những tập tục rất “kinh dị” như: Trẻ sau khi sinh, dù là nắng hay mưa, dù cho rét đến buốt da thịt vẫn được người nhà đem xuống suối tắm, nếu đứa trẻ vẫn còn sống sót thì mới đưa về nhà. Chị em khi sinh con đều sinh trên sàn nhà chứ không đi ra trạm y tế, nên đã có một số thai phụ tử vong do băng huyết. Ông Lương Viết Tùng, Chủ tịch UBND xã Môn Sơn cho biết: “Chính quyền các cấp cũng đã dùng nhiều biện pháp tuyên truyền vận động, nhưng giao thông khó khăn, cách trở nên những hủ tục của tộc người này vẫn chưa thể xóa bỏ hoàn toàn”.

Nỗ lực hồi sinh và bảo tồn

Vào đầu năm 1980, Bộ đội Biên phòng phát hiện nhóm người Đan Lai sinh sống như người rừng ở đầu nguồn khe Khặng. Phải rất khó khăn, bộ đội mới có thể tiếp cận được nhóm người này. Để hồi sinh tộc người Đan Lai, chính quyền các cấp đã triển khai nhiều chương trình hỗ trợ, giúp đỡ đồng bào.

Năm 2006, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt đề án bảo tồn và phát triển bền vững tộc người thiểu số Đan Lai với mục tiêu: Nâng cao điều kiện sống, phát triển kinh tế- xã hội nhằm bảo tồn, phát triển tộc người Đan Lai hiện đang sống trong vùng lõi Vườn quốc gia Pù Mát; tổ chức di chuyển 146 hộ dân tộc thiểu số Đan Lai đang sinh sống trên thượng nguồn Khe Khặng thuộc 2 bản Khe Cồn và Bản Búng, xã Môn Sơn đến vùng tái định cư tại 3 bản: Kẻ Gia, Kẻ Tắt, Bá Hạ, xã Thạch Ngàn; tổ chức ổn định cuộc sống cho 30 hộ dân ở lại tại bản Cò Phạt, với mục đích phát triển du lịch sinh thái, khai thác đặc trưng văn hóa... Tiến độ đề án thực hiện trong 3 năm, từ 2007 đến 2009. Năm 2007, 42 hộ được đưa ra bản tái định cư Thạch Sơn, Thạch Ngàn.

Ông Lương Viết Tùng cho biết: “Đề án bảo tồn mặc dù được phê duyệt từ hơn 10 năm nay, trong đó phần lớn các hộ dân ở hai bản Cò Phạt và bản Búng sẽ được chuyển về nơi ở mới nhưng hiện nay vẫn còn hơn 230 hộ với khoảng 1.000 nhân khẩu sống trong rừng vì nhà tái định cư chưa hoàn thiện.

Hiện nay, người Đan Lai vẫn sống cuộc sống đèn dầu. Một số hộ lợi dụng sông suối để lắp mô tơ phát điện mi ni, nhưng điện khá phập phù theo con nước lên xuống. Anh La Văn, một người dân ở bản Búng buồn bã: “Hơn 2 năm trước, đường dây điện được kéo từ trung tâm xã Môn Sơn vào hai bản. Bà con rất phấn khởi, nhiều hộ về xuôi mua ti vi, quạt điện nhưng đến nay điện vẫn chưa đóng”.

Trong khi người dân ở hai bản Cò Phạt và bản Búng đang phải chờ ngày ra nơi ở mới, thì khu tái định cư Kẻ Tắt dành cho bà con Đan Lai với 35 ngôi nhà và các công trình phụ đang hư hỏng nặng. Được biết khu tái định cư này được khởi công từ năm 2012. Tuy nhiên, khi sắp hoàn thành thì ngừng, khiến toàn bộ khu vực này trở thành hoang phế.

Trao đổi về vấn đề này, ông Trần Anh Tuấn, Trưởng ban quản lý các dự án huyện Con Cuông cho hay đơn vị đang chờ ngân sách để thực hiện việc di dời. Số tiền này ước tính khoảng 6 tỷ đồng cho việc hỗ trợ người dân trong vòng một năm.

Ông Tuấn phân trần: "Để duy trì nòi giống người Đan Lai, huyện đã có đề án di dời toàn bộ người Đan Lai ra vùng mới để sinh sống. Huyện sẽ tạo mọi điều kiện tốt nhất để người Đan Lai hòa nhập với cộng đồng, hỗ trợ nhà cửa, cây con giống để đồng bào phát triển sản xuất. Đồng thời, huyện sẽ hướng dẫn bà con cách trồng lúa nước, chăn nuôi. Tuy nhiên, việc triển khai còn quá nhiều bất cập. Đồng bào Đan Lai khi chuyển sang tái định cư, mặc dù được giao rất nhiều diện tích đất sản xuất, nhưng nước không có, cây lúa không cho thu hoạch, họ lại rủ nhau bỏ về rừng sống trong vòng luẩn quẩn của đói nghèo và hủ tục”.

Hiện nay, cuộc sống của tộc người này đang là vấn đề làm đau đầu chính quyền địa phương và các nhà xã hội học. Chia tay người Đan Lai khi chiều xuống, những túp lều mốc thếch lùi xa trong khói sương đại ngàn, chúng tôi cứ ám ảnh mãi những hình ảnh ngủ ngồi của già Quyết và cuộc sống như “người rừng” của tộc người này.

Tác giả: Trâm Anh

Nguồn tin: Báo Gia đình & Xã hội

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP