Tùy vào điều kiện tự nhiên, tập quán, phong tục, quan niệm thẩm mỹ... của từng vùng quê, mà trong kiến trúc, xây dựng nhà cổ có nhiều nét khác nhau. Nhìn chung, người xưa đã rất chú ý về mặt phong thủy (hướng gió, hướng nước, hướng sáng…) để dựng nhà.
Nhà cổ của người Kinh ở Nghệ An đang được bảo tồn ở các làng quê đều là nhà trệt, nhiều cột, dài, thấp, lợp ngói vảy. Những ngôi nhà này có khung được làm từ các loại gỗ tốt (lim, mít, dổi…) với kết cấu theo kiểu “tứ trụ”, “ngũ trụ”(mỗi vì có 4 - 5 cột). Mỗi nhà được chia làm 2 phần: “nhà ngoài” dùng để thờ tự và tiếp khách, “nhà trong” dùng để sinh hoạt.
Một ngôi nhà cổ ở làng Thọ, xã Phúc Thành, huyện Yên Thành. Ảnh: Huy Thư |
Ở huyện lúa Yên Thành, xã Phúc Thành là một trong những địa phương còn lưu giữ được nhiều nhà cổ nhất. Trong không gian làng Thọ xưa, hiện có hơn chục ngôi nhà cổ cùng sân vườn đẹp với tuổi đời từ một trăm đến vài trăm tuổi. Đây là những ngôi nhà gỗ dài từ 3 đến 6 gian, không quan niệm gian chẵn hay gian lẻ. Phía trong những ngôi nhà này, phần gỗ thường được làm theo kiểu “kẻ xông, cột thu, hạ thách”, nhiều bộ phận như kẻ, ván cửa… được chạm khắc cỏ cây, hoa lá công phu, đẹp mắt.
Một số ngôi nhà có mái ngói chồng diêm, hồi văn 2 lớp, trông khá ấn tượng. Điều đặc biệt nhà cổ ở đây không có chạn - trần như ở các vùng quê lũ lụt. Nhiều nhà còn treo những tấm mành tre được đan lát công phu để che nắng, che mưa, có thể chống lên, hạ xuống theo ý muốn. Trong số nhà cổ ở làng Thọ, nhà của các cụ Nguyễn Viết Quỳnh, Phạm Gia Ngôn, Nguyễn Viết Linh là những ngôi nhà tiêu biểu nhất.
Nhà cổ ở các làng quê Nghệ An thường được chia 2 phần: “nhà ngoài” dùng để thờ tự và tiếp khách, “nhà trong” dùng để sinh hoạt. Ảnh: Huy Thư |
Hoa văn trên những đường kẻ ngôi nhà 6 gian của cụ Nguyễn Viết Linh ở làng Thọ, xã Phúc Thành, huyện Yên Thành. Ảnh: Huy Thư |
Với các vùng quê lũ lụt như Cự Thôn, Giang Thủy, xã Hưng Lợi (Hưng Nguyên) hay Lương Điền, Kẻ Sấp xã Thanh Xuân (Thanh Chương), nhà cổ có kiến trúc tương đối giống nhau. Không như ở Yên Thành, nhà cổ ở đây chỉ có số gian lẻ (3, 5, 7), có chạn - trần để gác đồ đạc, trú tránh lũ lụt. Nhà cổ ở xứ Nhút đặc sắc hơn, thường làm theo kiểu “kẻ xông trồng ván” (nâng mái bằng một hệ thống kẻ chuyền), “hạ chắp đấu, hạ quai giang” (đấu vào cột, có mộng thắt). Mái rộng, lợp ngói âm dương hoặc ngói đơn. Mặt trước, có nhiều loại cửa, bố trí tương ứng trên các loại ngưỡng khác nhau: cửa lớn - ngưỡng 1, cửa nách – ngưỡng 3 (địa thu, ván ấm, ngọa), cửa sổ - ngưỡng 5.
Một số ngôi nhà có xà, hạ ốp vỏ măng, mở nhiều cửa lùa phía sau để thông gió và thoát hiểm. Hiện ở Thanh Xuân, nhà của ông Nguyễn Văn Hòa là đẹp mắt nhất, nhà của ông Nguyễn Cảnh Thể là nguyên bản nhất, còn ngôi nhà dài nhất (7 gian) là của ông Nguyễn Văn Liệu.
Nhà cổ ở xã Thanh Xuân, huyện Thanh Chương, phía trước thường có nhiều cửa (cửa chính, cửa nách, cửa sổ) mở trên nhiều ngưỡng khác nhau. Ảnh: Huy Thư |
Hiện nay, một số nhà cổ ở các vùng quê đã được trùng tu, tôn tạo, nhưng vẫn giữ nguyên kết cấu gỗ và kiểu dáng xưa. Gia đình ông Nguyễn Viết Quỳnh ở xóm Nam Chính, xã Phúc Thành (Yên Thành) đã đầu tư khá nhiều công của để khôi phục, tu tạo một hệ thống nhà cổ gồm nhà ở, nhà bếp, nhà khách, kết cấu kiểu chữ “đinh” với đầy đủ sân vườn, cây cảnh, như một bảo tàng. Gia đình ông Nguyễn Văn Hòa ở xóm Xuân Nam, xã Thanh Xuân (Thanh Chương) cũng đã đầu tư hàng trăm triệu đồng, để tôn tạo lại ngôi nhà 5 gian, đã qua 7 đời người, với mong muốn “giữ gìn lâu dài ngôi nhà của cha ông làm kỷ niệm”. Những năm qua, “dân chơi” không ngừng săn lùng, tìm mua nhà cổ ở các làng quê, nhưng hầu như chủ nhân của các ngôi nhà này đều không ai muốn bán, bởi với họ “gìn giữ nhà cổ còn là trách nhiệm của con cháu đối với cha ông, tổ tiên”.
Làng Lương Điền, xã Thanh Xuân là vùng quê còn lưu giữ được nhiều nhà cổ nhất ở huyện Thanh Chương. Nhà ở đây thường có gian lẻ, có trần - chạn để trú tránh lũ lụt. Ảnh: Huy Thư |
Nhà cổ đã gắn liền với làng quê tự bao đời, bên trong những ngôi nhà này, một số gia đình vẫn còn lưu giữ gần như nguyên vẹn đồ thờ, đồ gia dụng thân thuộc, như mâm tre, bàn, sập, cơi trầu, gác nón… Điều đáng quý hơn là trải qua hàng trăm năm tồn tại, các ngôi nhà cổ vẫn tiếp tục là những mái ấm chở che, sinh sống của các gia đình.
Biết bao thế hệ đã sinh ra, lớn lên và trưởng thành từ những mái nhà cổ thân thương này. Dù xuôi Nam, ngược Bắc, mỗi dịp Tết đến Xuân về, khi mai, đào nở rộ, họ lại trở về quây quần, đầm ấm dưới mái nhà xưa, cùng gói bánh chưng, dâng hương lên bàn thờ tiên tổ, chia sẻ yêu thương và trân quý hơn những giá trị đạo - hiếu của gia đình.
Tác giả: Huy Thư
Nguồn tin: Báo Nghệ An