Hoàng tử Heinrich XIII P. R. là một trong những thành viên cuối cùng của gia đình hoàng tộc từng cai trị ở miền Đông nước Đức. (Ảnh: Reuters) |
Theo cơ quan công tố, nhóm này chịu ảnh hưởng của các thuyết âm mưu chính quyền ngầm của QAnon và Reichsbuerger – các nhóm cực hữu có thành viên bị bắt trong vụ phá phách trụ sở Quốc hội Mỹ hồi tháng 1/2021.
Các thành viên nhóm Reichsbuerger (Những công dân của Reich) không công nhận nước Đức ngày nay là nhà nước hợp pháp mà vẫn trung thành với chế độ quân chủ Đức, một số thành viên vẫn ủng hộ tư tưởng của Đức quốc xã hoặc cho rằng Đức đang bị chiếm đóng quân sự.
Nhóm này muốn đưa một thành viên hoàng gia Đức, được xác định là Heinrich XIII P. R., lên làm lãnh đạo của quốc gia tương lai, còn Ruediger v. P. sẽ là người đứng đầu quân đội, để xây dựng quân đội mới.
Nhóm này đã dựng lên một cấu trúc giống chính phủ, lập ra “hội đồng” họp định kỳ từ tháng 11/2021 để hoạt động như một chính quyền chờ tiếp quản, với các bộ khác nhau như ngoại giao và y tế.
Cũng theo cơ quan công tố, Heinrich đã liên lạc với đại diện của Nga để xin giúp đỡ. Cơ quan công tố nói rằng chưa có bằng chứng cho thấy đại diện đó phản hồi tích cực với đề nghị của Heinrich.
Gia đình Reuss và văn phòng Hoàng tử Reuss không phản hồi đề nghị bình luận.
Phát ngôn viên Bộ Nội vụ Đức cho biết các cơ quan an ninh đang điều tra để tìm ra bất kỳ tiếp xúc nào với Nga.
Phát ngôn viên Điện Kremlin Dmitry Peskov khẳng định không có gì nghi ngờ việc Nga không có bất kỳ dính dáng nào tới âm mưu cực hữu để lật đổ nhà nước Đức. Ông Peskov nói rằng đây “có vẻ là vấn đề nội bộ của Đức”.
Bộ trưởng Nội vụ Đức Nancy Faeser tuyên bố chính phủ sẽ xử lý bằng tất cả sức mạnh của luật pháp.
Bà tuyên bố nhà nước hợp hiến biết cách tự bảo vệ mình trước “những kẻ thù của dân chủ”.
Cơ quan tình báo nội địa Đức cho biết phong trào Reichsbuerger mở rộng đáng kể trong năm ngoái và gây ra mối đe doạ mức độ cao.
Một quân nhân đang trong nghĩa vụ và nhiều lính dự bị nằm trong số những đối tượng bị điều tra. Quân nhân này là thành viên của lực lượng tinh nhuệ KSK. Lực lượng này được điều chỉnh trong những năm gần đây sau khi xảy ra một số vụ việc liên quan đến tư tưởng cực hữu.
Một cựu nghị sĩ từ đảng cực hữu Lựa chọn khác cho Đức (AfD) cũng nằm trong số bị bắt giữ.
Cơ quan điều tra nghi ngờ các thành viên của nhóm này lên kế hoạch mang vũ khí ập vào Hạ viện Đức ở Berlin, gợi nhớ lại vụ người biểu tình ập vào trụ sở Quốc hội Mỹ để phản đối kết quả bầu cử tổng thống năm 2020.
Cơ quan tình báo nội địa Đức cho biết có khoảng 21.000 người tham gia phong trào Reichsbuerger, trong đó có khoảng 5% là thành phần cực đoan.
Gia đình Reuss
Gia đình Reuss từng tuyên bố không liên quan đến Heinrich, gọi đó là người bối rối, tin vào các thuyết âm mưu, báo chí địa phương đưa tin.
Chế độ quân chủ Đức bị bãi bỏ cách đây 1 thế kỷ. Khi Hiến pháp Weimar bắt đầu có hiệu lực từ ngày 14/8/1919, những tước hiệu và đặc quyền của giới quý tộc cũng bị xoá bỏ. Hiện không có hoàng tử và công chúa nào được công nhận chính thức ở Đức.
Hoàng tử Heinrich XIII của Gia đình Reuss là một trong những hậu duệ cuối cùng của triều đại từng cai trị vùng đất rộng lớn ở miền đông nước Đức.
Trong nhiều năm qua, vị hoàng tử 71 tuổi làm trong ngành bất động sản công khai ủng hộ lý thuyết cho rằng cuộc sống sẽ tốt hơn dưới chế độ quân chủ, vì thuế chỉ dưới 10% và cấu trúc “đơn giản và minh bạch”.
Cơ quan công tố cho biết chiến dịch truy quét được lực lượng hơn 3.000 người triển khai trên khắp 11 bang. Các nghi phạm ở Đức và Ý cũng bị bắt giữ, trong đó có Heinrich.
Cảnh sát Ý cho biết đã bắt một cựu sĩ quan quân đội Đức 64 tuổi ở thành phố Perugia vì liên quan và sẽ cho dẫn độ sang Đức.
Tuy nhiên, cảnh sát từ chối bình luận về tin của ANSA nói rằng nghi phạm đóng vai trò tuyển mộ này là một nhân vật nổi bật trong làn sóng biểu chính phản đối phong toả ở Đức trong đại dịch COVID-19.
Tác giả: Bình Giang
Nguồn tin: Báo Tiền Phong