Giáo dục

Nhiều vụ học sinh đánh nhau, ngành giáo dục ‘chẩn bệnh’ bạo lực học đường

Theo Sở GD&ĐT tỉnh TT-Huế, phần lớn các vụ bạo lực học đường xảy ra liên tiếp thời gian gần đây trên địa bàn đều xuất phát từ mâu thuẫn cá nhân trên mạng xã hội, sau đó giải quyết mâu thuẫn bằng bạo lực, dẫn đến những hậu quả đáng tiếc, thậm chí có vụ gây chết người.

Chiều 9/4, Sở GD&ĐT tỉnh TT-Huế cho biết, vừa tổ chức hội nghị chuyên đề nâng cao hiệu quả công tác giáo dục phòng, chống bạo lực học đường; với sự tham gia của các chuyên gia tâm lý giáo dục, lãnh đạo chính quyền địa phương, đại diện cơ quan quản lý giáo dục, hiệu trưởng các nhà trường, đại diện cha mẹ học sinh…

Nữ sinh Trường THPT Hương Trà (TT-Huế) bị bạn nữ học cùng trường hành hung phải nhập viện mới đây

Theo Sở GD&ĐT tỉnh TT-Huế, từ năm 2017 đến 2020, trên địa bàn tỉnh không có vụ việc bạo lực học đường nguy hiểm xảy ra.

Tuy nhiên, từ năm 2021 đến đầu 2022, tại TT-Huế liên tiếp xảy ra nhiều vụ việc đáng báo động liên quan bạo lực trong học sinh. Cụ thể, năm 2021, trên địa bàn xảy ra 2 vụ bạo lực; trong đó, 1 vụ liên quan giữa 2 nữ sinh Trường THCS Duy Tân (TP Huế) và Trường THCS Thủy Dương (thị xã Hương Thủy), 1 vụ giữa học sinh nữ Trường THCS Huỳnh Thúc Kháng (Huế).

Đến đầu năm 2022, tại TT-Huế liên tiếp xảy ra 3 vụ bạo lực học đường, trong đó, 1 vụ liên quan nữ sinh Trường THCS Nguyễn Chí Diểu (Huế), 1 vụ là học sinh nữ Trường THPT Hương Trà (thị xã Hương Trà), 1 vụ việc nghiêm trọng gây hậu quả chết người tại Trường THCS Phong An (huyện Phong Điền).

Theo Sở GD&ĐT TT-Huế, đa phần các vụ việc đều xuất phát từ mâu thuẫn cá nhân trên mạng xã hội, sau đó học sinh tự giải quyết mâu thuẫn bằng bạo lực.

Nữ sinh Trường THCS Nguyễn Chí Diểu (TP Huế) do mâu thuẫn trên mạng xã hội, sau đó hẹn gặp và đánh nhau giữa đường gây xôn xao dư luận

Ông Đoàn Minh Thắng, Phó giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh TT-Huế cho rằng, bạo lực học đường đang là hồi chuông cảnh báo, do đó cần nâng cao hơn nữa vai trò, trách nhiệm của các cấp, các ngành, địa phương, trách nhiệm của người đứng đầu các cơ quan, đơn vị, trường học và cộng đồng xã hội trong giáo dục học sinh.

Bên cạnh đó là thực trạng vô cảm của nhiều người, trong đó có học sinh, người lớn bên ngoài xã hội khi chứng kiến, cổ súy tình trạng bạo lực xảy ra bên ngoài trường học mà không can ngăn; có trường hợp còn quay và đăng video clip lên mạng xã hội tạo hiệu ứng không tốt trong giáo dục và hình thành nhân cách học sinh.

Học sinh khi chứng kiến bạn cùng trường đánh nhau đã không can ngăn mà còn cổ súy cho hành vi bạo lực xảy ra bên ngoài trường học này

Theo phân tích, “chẩn bệnh” của các cơ quan chức năng về bạo lực học đường tại TT-Huế gia tăng thời gian gần đây, nguyên nhân chính là do sự phát triển tâm sinh lý và nhận thức của học sinh không đồng đều, nhất là giai đoạn lứa tuổi THCS.

Một số học sinh có lối sống đua đòi và thiếu kỹ năng sống, kỹ năng kiểm soát cảm xúc, làm chủ bản thân trong cách giải quyết các xung đột, từ đó khiến các em dễ bị lôi kéo, kích động; dễ dẫn đến nguy cơ dùng bạo lực để giải quyết mâu thuẫn.

Có nhiều trường hợp học sinh chưa đủ tuổi vị thành niên, chưa ý thức và lường hết mức độ, hậu quả hành vi bạo lực do mình gây nên, điển hình như vụ bạo lực học đường gây chết người tại Trường THCS Phong An, huyện Phong Điền.

Một số nguyên nhân khác được Sở GD&ĐT TT-Huế chỉ ra, do dịch bệnh COVID-19 kéo dài dẫn đến tình trạng học sinh học online dài ngày, việc hạn chế tổ chức các hoạt động tập trung đông người như ngoại khóa, giáo dục ngoài giờ lên lớp, hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao, vui chơi giải trí… gây tác động đến tâm lý, tạo ức chế, căng thẳng, dẫn đến những hành vi bộc phát, xung đột, bạo lực xảy ra giữa các học sinh với nhau.

Ngoài ra, đa phần học sinh có hành vi bạo lực do thiếu nhận được quan tâm của bố mẹ, hoặc luôn chịu những áp lực từ phụ huynh, hoặc các em thường bị tấn công bởi những lời nói và hành vi bạo lực từ người lớn trong gia đình; từ đó, tác động tiêu cực và thúc đẩy gia tăng hành vi hung tính của học sinh.

Theo TS Nguyễn Thanh Hùng, Trưởng khoa Tâm lý giáo dục Trường ĐHSP - Đại học Huế, cần có ứng xử tốt với tâm sinh lý của các em; trong khi, ở lứa tuổi mới lớn, các em thiếu kỹ năng kiềm chế cảm xúc nên dễ dẫn đến bạo lực học đường. Tuy nhiên, ở các trường, đội ngũ tư vấn cho học sinh còn hạn chế, khó khăn khi nhân viên chủ yếu giữ vai trò kiêm nhiệm. Mặt khác, phụ huynh cần quan tâm nhiều hơn nữa đến con em mình.

Bà Cái Thị Cẩm Hương, Trưởng phòng GD&ĐT huyện Phú Lộc, cho rằng, gia đình và nhà trường là hai yếu tố giáo dục có tính quyết định nhất đến tính cách và sự phát triển của học sinh. Cần thường xuyên duy trì liên lạc, trao đổi thông tin giữa nhà trường với gia đình để nắm bắt và phát hiện sớm tình hình của học sinh. Nếu phát hiện biểu hiện hay những hành vi bạo lực, cả hai bên cùng phối hợp kịp thời để giáo dục, định hướng các em, giúp các em có lối sống văn minh, tránh xa các hành vi tiêu cực.

Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Đoàn Minh Thắng đề xuất, cần thường xuyên đánh giá mức độ, nguy cơ, hình thức bạo lực học đường có thể xảy ra, để từ đó có biện pháp ngăn chặn, hỗ trợ kịp thời, cụ thể…

Tác giả: Ngọc Văn

Nguồn tin: Báo Tiền Phong

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP