Trong nước

Nhiều tỉnh cấp bách ứng phó với đợt rét hại kỷ lục

Để ứng phó đợt rét hại kỷ lục từ đầu mùa đông, nhiều tỉnh vùng núi Bắc Bộ chỉ đạo khẩn triển khai nhiều giải pháp phòng chống rét cho trâu, bò, dê và cây trồng.

Ông Hoàng Văn Chiều, chủ tịch UBND huyện Lộc Bình, Lạng Sơn (thứ hai từ phải qua), kiểm tra công tác phòng chống rét tại xã Mẫu Sơn - Ảnh: LÂM ANH

Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia sáng 23-1, nhiệt độ ở khu vực Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ xuống dưới 10 độ C (rét hại), khu vực vùng núi cao phía Bắc một số nơi nhiệt độ xuống dưới 0 độ C, xuất hiện băng giá.

Dự báo đợt rét hại kỷ lục từ đầu đông sẽ kéo dài nhiều ngày, nhiều địa phương vùng núi phía Bắc đã chỉ đạo cấp bách ứng phó.

Lập các đoàn đi kiểm tra chống rét

Ông Nguyễn Trọng Quỳnh, phó chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn, cho biết hôm qua tỉnh đã có công văn chỉ đạo triển khai cấp bách các nhiệm vụ phòng, chống rét cho người dân, cây trồng và khoảng 330.000 con gia súc (trâu, bò, heo, dê), 4,6 triệu con gia cầm trong toàn tỉnh.

Ông Hoàng Văn Chiều, chủ tịch UBND huyện Lộc Bình (Lạng Sơn), cho biết từ ngày 21-1, UBND huyện đã thành lập 2 đoàn kiểm tra phòng, chống rét tại một số xã trên địa bàn, đặc biệt là xã vùng núi cao Mẫu Sơn để bảo vệ 19.000 con trâu, bò, heo, ngựa, dê trên địa bàn.

"Tại những hộ chăn nuôi gia súc, chúng tôi đã tuyên truyền cho bà con cần che chắn chuồng trại để tránh mưa tạt, gió lùa, chủ động dự trữ thức ăn.

Không thả rông, chăn thả gia súc ngoài trời vào những ngày rét hại. Tăng cường các biện pháp giữ ấm cho đàn gia súc, đối với đàn gia cầm thì cần tăng cường đệm lót, sưởi ấm bằng bóng điện", ông Chiều nói.

Ông Nguyễn Nam Hùng, chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Lạng Sơn, cho biết Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh đã lập 2 đoàn để đi kiểm tra công tác phòng chống rét tại các huyện Bình Gia, Bắc Sơn, Văn Quan, Hữu Lũng, Chi Lăng.

"Qua kiểm tra cho thấy người chăn nuôi trên địa bàn tỉnh đã ý thức, chú trọng phòng, chống đói rét, phòng dịch bệnh cho vật nuôi, nhất là đàn trâu bò.

Tại những vùng núi cao, thường xuyên xảy ra rét đậm, rét hại, một số thời điểm có thể xuất hiện băng giá như ở Công Sơn, Hải Yến (huyện Cao Lộc), người dân đã có mô hình chuồng trại hai tầng (tầng trên chứa rơm, cỏ khô, trâu bò ở phía dưới), phòng, chống đói, rét khá hiệu quả", ông Hùng nói và cho biết trời rét hại nhưng trên địa bàn tỉnh chưa có hiện tượng trâu, bò chết do rét.

Băng giá bao phủ đỉnh núi Mẫu Sơn sáng 23-1 - Ảnh: NGUYỄN MINH CHUYỂN

Sơ tán trâu xuống vùng thấp để tránh rét đậm, rét hại

Ông Đỗ Xuân Việt, chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Bắc Kạn, cho biết để ứng phó với đợt rét hại này, sở đã có văn bản chỉ đạo các huyện thị kiểm tra, thăm nắm tình hình và báo cáo hằng ngày về công tác phòng chống rét cho gia súc, gia cầm.

Theo ông Việt, toàn tỉnh hiện có khoảng 40.000 con trâu, bò, 165.000 con heo, hơn 20.000 con dê. Phần lớn số gia súc, nhất là trâu, bò, dê được chăn nuôi nhỏ, lẻ theo hình thức bán chăn thả. Thức ăn chăn nuôi phụ thuộc nhiều vào cỏ tự nhiên. Do vậy, vào mùa đông, nếu không chủ động nuôi nhốt, bảo đảm đủ thức ăn sẽ dễ khiến gia súc bị chết.

"Bắc Kạn rất chủ động, ngay từ đầu mùa đông đã chỉ đạo tích trữ rơm rạ, tăng cường chăm sóc diện tích cỏ trồng và chuẩn bị cây thức ăn dự trữ khác như chuối, bổ sung thức ăn tinh như bột ngô, bột sắn, cám gạo và bảo đảm nước uống đầy đủ hằng ngày cho gia súc.

Đồng thời hướng dẫn người dân bảo đảm che chắn kỹ, tránh gió lùa vào chuồng nuôi, nền chuồng luôn khô ráo, có chất độn bằng rơm rạ, mùn cưa, trấu khô.

Những hộ khó khăn đặc biệt, không đủ điều kiện thì tỉnh, huyện sẽ hỗ trợ người dân để chống rét cho gia súc, gia cầm", ông Việt thông tin.

Người dân ở Sa Pa chủ động đưa đàn gia súc xuống vùng thấp để chăn thả, tránh rét trong những đợt rét trước - Ảnh: NAM TRẦN

Tỉnh Lào Cai cũng có công điện khẩn yêu cầu các địa phương tăng cường các biện pháp phòng, chống rét đậm, rét hại cho khoảng 600.000 con gia súc và cây trồng.

Ông Trần Mạnh Hùng, trưởng Phòng Kinh tế thị xã Sa Pa (Lào Cai), cho biết để bảo vệ tổng đàn gia súc trên 13.000 con, chủ yếu là trâu, chính quyền địa phương ngay từ trước mùa đông đã phải chủ động xây dựng phương án chống rét cho đàn vật nuôi, trong đó có những biện pháp linh hoạt để thích ứng với mùa đông kéo dài, rét hại thường xuyên.

"Riêng đối với Sa Pa thì khi nhiệt độ dưới 7 độ C không chăn thả gia súc ngoài trời mà sẽ đưa gia súc vào chuồng trại và sẽ có biện pháp che chắn đảm bảo đủ ấm. Đồng thời, tăng cường thêm thức ăn, tinh bột để đàn gia súc tăng sức đề kháng.

Đối với một số người dân có chuồng trại chưa đảm bảo, chính quyền địa phương cũng hướng dẫn, tạo điều kiện sơ tán gia súc xuống những vùng thấp hơn trước những ngày rét đậm, rét hại để bảo đảm sức khỏe cho đàn vật nuôi", ông Hùng thông tin thêm.

Tác giả: CHÍ TUỆ

Nguồn tin: Báo Tuổi trẻ

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP