Mấy ngày gần đây, gia đình bà Võ Thị Ngọc Diệp ở ấp Hòa Lạc, xã Bình Ninh, huyện Chợ Gạo cũng như nhiều nông dân khác ở địa phương rất phấn khởi vì giá ớt tăng lên đến 35.000 đồng/kg, tăng gấp 2-3 lần so với nửa tháng trước. Năng suất hiện nay đạt khá cao, hơn 10 tấn/ha/vụ, với giá cao nên người trồng ớt có lãi khá.
“Tôi trồng 3 công ớt giống Sen Hồng 084, giống đó kháng bệnh tốt, người dân ở đây trồng giống đó nhiều. Giá ớt hôm nay lên đến 35.000 đồng/kg, tôi hái mấy đợt trước bán chỉ được 13.000 - 15.000 đồng/kg. Tôi mới vừa hái ớt bán được giá, so với lúc dịch bệnh cũng kiếm ăn được, có nguồn thu nhập” - bà Diệp nói.
Vụ ớt thương phẩm tại Tiền Giang cho năng suất cao, giá đang tăng nhà nông phấn khởi. |
Ớt là một trong các loại cây màu cho kinh tế cao ở tỉnh Tiền Giang, được nông dân trồng dưới chân ruộng. Hàng năm, nông dân trong tỉnh gieo trồng vài nghìn ha, tập trung nhiều ở huyện Chợ Gạo, Gò Công Tây, Gò Công Đông và Tân Phú Đông.
Tại vùng Đồng Tháp Mười, thuộc huyện Tân Phước, tỉnh Tiền Giang, nhà nông cũng rất vui vì đầu ra trái khóm (dứa) thuận lợi hơn so với tuần trước. Giá khóm từ 3.000 đồng/kg, tăng lên gần 6.000 đồng/kg. Việc ra đồng thu hoạch, vận chuyển khóm ra vào địa bàn cũng có phần thuận lợi hơn trước đây.
Ông Bùi Hữu Thiện, nông dân ở xã Phú Mỹ, huyện Tân Phước, đang thu hoạch 8 ha khóm tại phấn khởi: “Hôm qua tôi cân được 8 tấn khóm giá 5.200 đồng/kg, so với mấy ngày trước giá khóm nay lên rất nhiều, trước đây giá chỉ 2.500 - 3.000 đồng/kg. Giá này thì tạm ổn, tôi bán cho lái, người ta mua về bán cho TP.HCM. Nói chung nông dân ở đây rất phấn khởi, đường đi nước bước thuận lợi”.
Ruộng ớt tại xã Bình Ninh, huyện Chợ Gạo được mùa. |
Ở thời điểm này, nhiều loại nông sản khác ở tỉnh Tiền Giang như thanh long, cam và các loại rau màu... giá cũng tăng đến vài nghìn đồng/kg so với tuần trước. Đặc biệt, trái mít Thái cũng giữ mức giá trên 30.000 đồng/kg, cho lợi nhuận đáng kể.
Trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 đang bùng phát, vấn đề đi lại, sản xuất của người dân gặp nhiều khó khăn; trong đó sản xuất nông nghiệp nói riêng cũng đã gặp nhiều trở ngại. Việc tháo gỡ các rào cản, nhất là khơi thông việc vận chuyển hàng hóa đã giúp cho nhiều mặt hàng nông sản tăng giá, tạo tín hiệu vui cho nông dân trong việc thực hiện "mục tiêu kép” vừa chống dịch vừa phát triển kinh tế ổn định./.
Tác giả: Nhật Trường
Nguồn tin: vov.vn