Báo cáo "Số hóa tiền mặt tại ASEAN – ý nghĩa đối với các nhà quản lý nguồn vốn doanh nghiệp và người tiêu dùng trong tương lai" do Standard Chartered vừa công bố cho biết, bất chấp sự phát triển của các phương tiện thanh toán điện tử, tiền mặt vẫn chiếm ưu thế tại khu vực này.
Theo đó, tiền mặt chiếm hơn 70% giao dịch tại Philippines và Indonesia và 43% tại Singapore. Trong 6 nước được thống kê, tỷ lệ người dân (tính từ 15 tuổi) Việt Nam có tài khoản ngân hàng, dùng thẻ tín dụng, thẻ ghi nợ khá thấp trong khi chọn hình thức trả tiền mặt khi mua hàng trực tuyến cao nhất.
Cụ thể, tỷ lệ người có tài khoản ngân hàng là 30,8%, thấp nhất trong nhóm. Tỷ lệ người dân sử dụng thẻ tín dụng và thẻ ghi nợ là 4,12% và 26,74%, chỉ lần lượt cao hơn Indonesia và Philippines. Đặc biệt, tỷ lệ trả tiền mặt qua mua sắm online (COD) là 90,17% so với quốc gia có tỷ lệ COD cao thứ nhì là Indonesia nhưng cũng chỉ ở mức 65,3%.
|
"Ngoài Singapore, các phương tiện thanh toán và ngân hàng truyền thống vẫn phổ biến hơn đối với phần còn lại của ASEAN. Mặc dù lượng tài khoản ngân hàng cải thiện ở một số quốc gia nhưng tỷ lệ dùng thẻ tương đối thấp (dưới 50%). Ở hầu hết các nước, cách ưa thích để mua hàng trực tuyến là trả tiền mặt khi nhận hàng", báo cáo nhận xét.
Theo Standard Chartered, mặc dù khu vực Đông Nam Á không thể trở thành một thị trường phi tiền mặt trong ngày một ngày hai, nhưng các giải pháp do công nghệ mang lại có thể khuyến khích người tiêu dùng và doanh nghiệp ứng dụng các kênh số hóa.
Ví dụ, việc triển khai các giải pháp thanh toán tức thì ở hầu hết thị trường sẽ giúp cho việc luân chuyển dòng tiền trở nên nhanh, đơn giản và hiệu quả hơn. Hay như việc sử dụng các máy gửi tiền tự động ước tính sẽ giúp giảm chi phí xử lý tiền mặt trên tổng số tiền mặt cần được xử lý, xuống xấp xỉ 0.5 - 1% từ mức 2% - 2.5% theo phương pháp thu tiền truyền thống.
Dù người Việt Nam nói riêng và Đông Nam Á nói chung còn thói quen dùng tiền mặt cao, nhưng tương lai phi tiền mặt vẫn xán lạn. Hiện có khoảng 20 ví điện tử tại Việt Nam. Theo Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, tổng giá trị các giao dịch thông qua ví điện tử năm 2017 đạt hơn 53.000 tỷ đồng (tương đương 2,2 tỷ USD), tăng 64% so với năm 2016.
Trong khu vực, Worldpay dự báo, thị phần của ví điện tử tại Singapore sẽ tăng lên 21% vào năm 2021. Statista nói rằng thanh toán di động ở Indonesia sẽ đạt quy mô 59 triệu USD vào 2021. Còn ở Philippine, giao dịch qua ví điện tử kỳ vọng sẽ chiếm 6% tổng giao dịch vào 2022.
Giới chuyên gia nhận định, các loại ví điện tử khác nhau xuất hiện ở Đông Nam Á nhắm vào các phân khúc khác nhau. Đơn cử ở Thái Lan, khách hàng của PTT có thể sử dụng ví điện tử để thanh toán tại các trạm xăng, cửa hàng bán lẻ, nhà hàng, quán cà phê... do công ty vận hành.
Các công ty như AirAsia với Bigpay, Grab với Grabpay hay Go-Jek với Gopay ra mắt ví điện tử để thanh toán cho dịch vụ vận tải cũng như tiện ích khác trong hệ sinh thái của họ. Alipay và WeChat Pay thì nhảy vào đây để phục vụ cho dòng khách du lịch Trung Quốc.
Tuy nhiên, các ví điện tử thường hoạt động riêng lẻ tại từng quốc gia. Tháng 10 năm ngoái, Singtel (Singapore) và AIS, Kasikorn Bank (Thái Lan) đã bắt tay để liên thông sử dụng xuyên quốc gia 3 ví điện tử Singtel Dash, AIS Global Pay và Rabbit Line Pay.
Dù có hàng loạt nỗ lực, tham vọng phi tiền mặt ở Đông Nam Á cũng như Việt Nam vẫn còn sẽ phải vượt qua 4 lý do hàng đầu đang khiến người dân yêu chuộng tiền mặt, theo báo cáo gồm: thiếu hiểu biết về cách thức hoạt động của thanh toán kỹ thuật số là làm thế nào để bắt đầu sử dụng; lo ngại quyền riêng tư tài chính cá nhân; nghĩ rằng tiền mặt vẫn là cách thanh toán đơn giản nhất và các thương nhân, doanh nghiệp vừa và nhỏ phải miễn cưỡng chịu các chi phí của thanh toán điện tử.
Tác giả: Viễn Thông
Nguồn tin: Báo VnExpress