Pháp luật

Chủ tịch Công ty Thái Dương khai đổ hàng nghìn tấn bùn thải quặng ra môi trường

Chủ tịch công ty Thái Dương - Đoàn Văn Huấn khai trong quá trình khai thác quặng đất hiếm đã chỉ đạo cấp dưới đổ hàng nghìn tấn bùn thải quặng đuôi, thải thạch cao ra khu vực xung quanh mỏ Yên Phú (tỉnh Yên Bái).

Cơ quan Cảnh sát điều tra, Bộ Công an vừa ra kết luận điều tra, đề nghị Viện kiểm sát truy tố 27 bị can trong vụ án khai thác trái phép đất hiếm ở tỉnh Yên Bái, buôn lậu ra nước ngoài. Vụ án được xác định gây thiệt hại nghiêm trọng cho tài nguyên khoáng sản của đất nước, tổng thiệt hại trị giá hơn 864 tỷ đồng.

Cựu Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Nguyễn Linh Ngọc bị đề nghị truy tố về tội "Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí". Cùng bị đề nghị truy tố về tội danh này còn có các bị can: Nguyễn Văn Thuấn, cựu Tổng cục trưởng Tổng cục Địa chất và Khoáng sản; Hoàng Văn Khoa, cựu Vụ trưởng Vụ Khoáng sản; Hồ Đức Hợp, cựu Giám đốc Sở TNMT tỉnh Yên Bái.

Bị can Đoàn Văn Huấn (trái, Chủ tịch công ty Thái Dương) và Nguyễn Văn Chính (Phó Tổng giám đốc công ty Thái Dương)

Chủ tịch công ty Thái Dương - Đoàn Văn Huấn bị đề nghị truy tố về các tội danh "Vi phạm quy định về thăm dò, khai thác tài nguyên", "Vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng", "Gây ô nhiễm môi trường".

Làm việc với cơ quan điều tra, Đoàn Văn Huấn khai nhận: Năm 2011, Công ty Thái Dương làm thủ tục xin cấp Giấy phép khai thác khoáng sản, nhưng có sự thay đổi của Luật Khoáng sản năm 2010 và Chỉ thị 02/CT-TTg năm 2012 của Thủ tướng Chính phủ nên chưa được cấp phép.

Đến năm 2013, Công ty Thái Dương tiếp tục nộp hồ sơ xin cấp phép khai thác quặng "đất hiếm" tại tỉnh Yên Bái. Thời điểm này, Công ty Thái Dương mới chỉ được cấp Giấy chứng nhận đầu tư Dự án khai thác, tuyển quặng. Chưa làm thủ tục xin Giấy chứng nhận đầu tư Dự án nhà máy thuỷ luyện và Dự án nhà máy chiết tách (thiếu 2/3 Giấy chứng nhận cần có).

Tổng mức đầu tư của dự án là 1.953 tỷ đồng, trong khi vốn chủ sở hữu của công ty Thái Dương chỉ có 200 tỷ đồng, không đảm bảo tỷ lệ ít nhất bằng 30% trên tổng mức đầu tư của dự án theo quy định. Dù thiếu nhiều điều kiện nhưng cuối cùng công ty Thái Dương vẫn được cấp phép, dẫn đến hành vi khai thác số lượng lớn đất hiếm rồi buôn lậu sang Trung Quốc.

Về hành vi gây ô nhiễm môi trường, Đoàn Văn Huấn khai đã xây dựng ở mỏ đất hiếm Yên Phú 2 hệ thống nhà xưởng. Quá trình hoạt động, hai nhà xưởng này thải ra bùn thải quặng đuôi (gồm chất thải rắn lẫn nước thải) và bùn thải lẫn thải thạch cao (thạch cao bẩn).

Các loại bùn thải bẩn này được Công ty Thái Dương đổ trực tiếp ra môi trường, tại các vị trí xung quanh khu vực mỏ Yên Phú, các vị trí này không có mái che, không được che chắn để tránh phát tán ra môi trường xung quanh.

Trong thời gian năm 2018 đến tháng 10/2023, Đoàn Văn Huấn thừa nhận đã chỉ đạo cấp dưới xả thải trực tiếp hơn 348.000 tấn bùn thải quặng đuôi ra khu vực hồ chứa; đồng thời đổ hơn 2.400 tấn thải thạch cao lẫn bùn thải ra các khu vực không được phép đổ thải tại khu vực mỏ Yên Phú.

Quá trình này, Huấn đã bị Đoàn kiểm tra của Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Yên Bái nhắc nhở, yêu cầu khắc phục nhưng Huấn không thực hiện. Cơ quan điều tra xác định chuỗi hành vi này đã vi phạm nghiêm trọng quy định tại Luật bảo vệ môi trường.

Tác giả: Trọng Phú

Nguồn tin: vov.vn

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP