Nghề vệ sỹ ngày càng thịnh tại Trung Quốc. |
Các dòng đầu tư từ Trung Quốc ra nước ngoài đã tăng lên đáng kể sau khi Chủ tịch Tập Cận Bình đưa ra sáng kiến Vành đai và Con đường, nhằm tạo ra một mạng lưới thương mại bao trùm châu Á, Trung Ðông và phần lớn châu Phi.
Bảo vệ lợi ích ở nước ngoài
Ý tưởng thuê vệ sỹ bảo vệ doanh nhân của người Trung Quốc không phải bây giờ mới có.Nhiều thế kỷ trước, các thương nhân đi lại trên Con đường tơ lụa, nối Trung Quốc với các vùng Trung Á và châu Âu, đã thuê người bảo vệ mình. Tuy nhiên, công việc bảo vệ ngày nay phức tạp hơn rất nhiều và chỉ một vài “đao khách” to cao là không đủ để đảm bảo an toàn cho yếu nhân.
Chủ tịch Tập đã kêu gọi xây dựng một “hệ thống an ninh hiệu quả cao” có sự hợp tác quốc tế để bảo vệ các công ty Trung Quốc và những dự án đầu tư ra nước ngoài. Ông Tập coi đây là vấn đề an ninh quốc gia.
Bộ Ngoại giao Trung Quốc thông báo rằng các đại sứ quán nước này nhận được rất nhiều đề nghị cũng như khiếu nại từ công dân và công ty Trung Quốc về chuyện an ninh tại nước ngoài. 20% các vụ việc là báo bị cướp, tấn công và thậm chí là bắt cóc.
Ðã có một số người nghĩ đến việc dùng quân đội bảo vệ các lợi ích của Trung Quốc ở nước ngoài. Tuy nhiên, giáo sư Wu Xinbo từ Viện Nghiên cứu Quốc tế tại đại học Phúc Ðán ở Thượng Hải cho rằng, ý tưởng này là phi thực tế.
“Gửi quân ra ngoài lãnh thổ là đi ngược lại chính sách ngoại giao của Trung Quốc và khó có thể có ngoại lệ”, ông nói.
“Các nhà hoạch định chính sách Trung Quốc lo ngại việc đó có thể dẫn tới phản tác dụng, thậm chí gây ra xung đột.Một số quốc gia đến nay đã tỏ ra nghi ngại về sự trỗi dậy của Trung Quốc rồi”.
Hồi đầu tháng Bảy, một số con tàu Trung Quốc mang theo binh lính nhằm hướng Djibouti, nơi đặt căn cứ hải quân đầu tiên của Bắc Kinh ở nước ngoài. Ðây được xem là nơi, trong trường hợp khẩn cấp, là điểm trú ẩn an toàn của các công dân Trung Quốc.
Thời của các công ty tư nhân
Chính phủ Trung Quốc đã cho phép các công ty vệ sỹ tư nhân hoạt động ở nước ngoài từ năm 2010, công việc trước đó chỉ dành cho người nhà nước.Cũng trong năm đó, chính phủ quy định rằng mọi công ty Trung Quốc phải bố trí đủ lực lượng an ninh trước khi thực hiện các dự án ở nước ngoài.
Năm 2011, một nhóm cựu sỹ quan của Bộ Công an Trung Quốc nhanh chóng nắm bắt xu thế, mở ra công ty an ninh DeWe Security. Ðó là quyết định khôn ngoan.. Chỉ trong vòng 6 năm, công ty tăng số lượng nhân viên từ 60 lên 4.000 người, trong đó làm việc tại nước ngoài, theo lời ông Hao Gang, tổng giám đốc công ty.
“Vấn đề lớn nhất của chúng tôi là tìm đủ nhân sự có năng lực”, ông Hao nói.“Kể từ năm 2011, chúng tôi đã huấn luyện được 500 người, nhưng vẫn chưa đáp ứng đủ nhu cầu”.
Theo ông Hao, công ty chủ yếu phục vụ các doanh nghiệp nhà nước Trung Quốc, với các doanh nhân cần được bảo vệ tận răng khi ra nước ngoài.
Nhân viên công ty bao gồm nhiều thành phần, nhưng có 50% là cựu quân nhân hay công an, những người còn lại tốt nghiệp trường cảnh sát hoặc các trường quân sự.
Lương tháng của nhân viên đạt trung bình 15.000 Nhân dân tệ (2.200USD), theo lời ông Hao.
Hưởng lương cao nhưng công việc thì lắm lúc rất nguy hiểm. Năm 2014, vệ sỹ Wang cùng một số người của công ty an ninh Zhongzhou được thuê bảo vệ một nhóm kỹ sư Trung Quốc đến từ tập đoàn Công nghệ và Khoa học không gian Trung Quốc, qua Nam Phi xây một trạm không gian tại địa điểm cách thành phố Cape Town gần 400km. Nhưng 6 tuần sau, một cuộc tấn công vào trạm nổ ra mà đứng đằng sau là các vệ sỹ của phía Nam Phi câu kết với một số nhóm vũ trang địa phương. Ðoàn Trung Quốc phải di tản khẩn cấp.
“Nguyên nhân là hành vi của công nhân Trung Quốc khiến dân địa phương tức giận”, vệ sỹ Wang nói. “Họ mặc quần áo sáng màu, tắm nước sạch, ăn uống linh đình, hút thuốc đắt tiền. Trong khi đó, phần của mấy người bản địa trong đội thi công là mấy thanh chocolate do Trung Quốc sản xuất”.
Tác giả: Anh Minh
Nguồn tin: Báo Tiền Phong