Trong tỉnh

Nghệ An có gần 3.000 nạn nhân bị mua bán người trong 5 năm

Trong 5 năm (2016 - 2020), Nghệ An có 2.912 nạn nhân bị mua, bán và nghi vấn mua, bán. Trong số này, nạn nhân chủ yếu là phụ nữ, trẻ em.

Ngày 16/3, tại TP Vinh, tỉnh Nghệ An, Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam phối hợp với Tổ chức Di cư quốc tế và Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Nghệ An tổ chức Hội thảo xây dựng kế hoạch hoạt động cho Dự án "Truyền thống phòng, chống mua, bán người và nô lệ hiện đại".

Hội thảo dự kiến diễn ra trong vòng 1 ngày. Đây sẽ là hoạt động bước đầu quan trọng nhằm chuẩn bị cho các giai đoạn đề xuất phê duyệt Dự án "Đấu tranh chống mua, bán người và nô lệ thời hiện đại" giai đoạn 2023-2025 do Trung ương Hội LHPN Việt Nam phối hợp với IOM thực hiện.

Hội thảo xây dựng kế hoạch hoạt động cho Dự án "Truyền thống phòng, chống mua, bán người và nô lệ hiện đại". (Ảnh: báo Nghệ An)

Về phía Tổ chức Di cư quốc tế (IOM) tại Việt Nam có sự tham dự của bà Doyen Yun - Giám đốc Dự án và Quan hệ đối tác. Đại diện cho Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam có bà Vũ Thị Thúy Hạnh - Phó trưởng Ban Tuyên giáo. Đại diện Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Nghệ An có bà Hoàng Thị Thu Hiền - Phó Chủ tịch Thường trực hội.

Theo báo cáo của Bộ Công an, trong 5 năm (2016 - 2020) có 2.912 nạn nhân bị mua, bán và nghi vấn mua, bán. Trong số này, nạn nhân chủ yếu là phụ nữ, trẻ em (chiếm trên 90%), thường tập trung ở những vùng nông thôn, miền núi, vùng sâu, vùng xa.

Theo thống kê trên, tại tỉnh Nghệ An, trong 5 năm (2016-2020), lực lượng công an đã phát hiện, bắt giữ 67 vụ, 113 đối tượng liên quan đến tội phạm mua, bán người; phát hiện, xử lý 3 vụ, 6 đối tượng có hành vi liên quan đến mua, bán bào thai.

Đặc biệt, tội phạm mua, bán người hiện nay còn sử dụng nhiều phương thức ngày càng tinh vi, đa dạng. Lợi dụng tình trạng khó khăn về kinh tế, thất nghiệp, thiếu việc làm, với chiêu bài dụ dỗ “việc nhẹ, lương cao”. Sau đó, tổ chức cho nạn nhân vượt biên trái phép và bán vào các cơ sở đánh bạc trực tuyến, cơ sở kinh doanh dịch vụ massage, karaoke trá hình. Nhiều người dân Nghệ An cũng như địa phương khác bị “sập bẫy”, trở thành nạn nhân bị cưỡng bức lao động, ngược đãi, không trả lương.

Nghệ An là 1 trong 4 tỉnh được chọn thực hiện dự án; tập trung vào các huyện, xã có số lượng người di cư trái phép cao, đặc biệt, từ Việt Nam sang Vương quốc Anh và các nước châu Âu.

Với tình hình trên, Trung ương Hội LHPN Việt Nam mong muốn tại hội thảo sẽ làm rõ được các nội dung như: Thực trạng tình hình trên địa phương; xác định địa bàn ưu tiên và nhóm dân số mục tiêu, đảm bảo đúng các hoạt động hướng tới đúng đối tượng và phù hợp với bối cảnh địa phương; thảo luận các phương pháp truyền thông, phương thức phối hợp phù hợp để xây dựng kế hoạch truyền thông phòng, chống mua, bán người và di cư an toàn giai đoạn 2023-2025.

Tác giả: Linh Nhi

Nguồn tin: phapluatplus.vn

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP