Người dân xã Quỳnh Lập hiện đang phải đối mặt với tình trạng vỡ nợ nặng nề. Nhiều công dân cho công dân khác vay tiền, song chưa trả và không thực hiện đúng theo cam kết trả. Đáng nói, chủ nợ và các con nọ đều có mối quan hệ thân thiết, là họ hàng, bạn bè…
Éo le hoàn cảnh các “chủ nợ”
Theo tìm hiểu của phóng viên DN&ĐT, những người cho vay tiền không chỉ là những người “có của để dành” mà còn có cả những người già, người được tiền bảo hiểm do tai nạn nghề nghiệp…
Hoàn cảnh của chị Trương Thị Nông, thôn Tân Thành khiến nhiều người dân cùng xã phải xót xa thay.
Chị Nông cho biết, cuối năm 2017, chồng chị là anh Nựng bị tai nạn gãy đôi xương sống. Hiện tại liệt nửa người dưới, sau khi bị tai nạn gia đinh chị được đền bù tiền “mạng người” là 200 triệu đồng. Gia đình giữ lại 10 triệu để chi tiêu và thuốc thang, còn lại 190 triệu cho gia đình Lương Dân vay từ 27/12/2018.
Chị Trương Thị Nông cho vay tiền bằng tiền bảo hiểm của chồng. Ảnh: T.Thuỳ |
Gia đình chị có 4 cháu, các cháu đều đang tuổi ăn học. Hiện tại, chị Nông là lao động chính của gia đình, tuy nhiên công việc bán cá của chị chỉ mang tính thời vụ, không ổn định.
Chị Nông trải lòng: “Thú thật, hiện tại tiền bỉm mua cho chồng còn thiếu. Lúc vay tiền, chị Lương hứa lúc nào tôi cần sẽ trả tôi ngay. Giờ vỡ nợ rồi, chị ấy chỉ nói bao giờ làm ăn được sẽ trả, tôi có yêu cầu cam kết ngày trả nhưng chị ấy không chấp nhận”.
“Bây giờ, tôi chỉ mong nhận lại được tiền gốc để xoay sở chăm chồng và nuôi con. Những ngày tiếp theo tôi không biết phải thế nào. Tôi lỡ dại tin tưởng người, cuộc đời trớ trêu với tôi quá”, chị Nông xúc động.
Nhiều người già cũng “vỡ nợ” vì cho họ hàng vay tiền. Ông Nguyễn Văn Hải (là cậu của gia đình Lương Dân), thôn Tân Hải cho gia đình Lương Dân 403 triệu. Ông Hải chia sẻ, lúc trước do con dâu của ông nợ tiền gia đình Lương Dân, nên ông đã đã vay ngân hàng để trả nợ và cho gia đình này vay thêm tiền để lấy lãi.
“Hiện, gia đình Lương Dân thông báo vỡ nợ, tôi không biết lấy tiền đâu để trả ngân hàng. Vợ tôi là bà Phan Thị Hà (63 tuổi) phải ra Hà Nội giúp việc để kiếm tiền trả nợ ngân hàng. Con cái làm ăn xa, Covid-19 không được bao nhiêu, tôi ở nhà lại phải nuôi thêm 4 đứa cháu nhỏ”, ông Hải tâm sự.
Bà Phan Thị Hà phải làm việc xa quê để kiếm tiền trả nợ. Ảnh:T.Thuỳ |
Thậm chí, đã có trường hợp đi đòi nợ và bị đánh. Ông Lê Bá Bảy (anh rể của gia đình Tân Tuấn) chia sẻ do nhiều lần gọi điện nhưng không nghe máy, nên tối ngày 12/3, ông Lê Bá Bảy quyết định ra nhà Tân Tuấn để nói chuyện.
Ông Bảy cho biết, khi đã đến nhà Tân Tuấn, mặc dù biết có người trong nhà nhưng gọi điện lại không nghe máy. Do nóng lòng muốn được nói chuyện trực tiếp nên ông Bảy có trèo cổng để vào, khi đã vào trong, ông tiếp tục gõ cửa nhưng vẫn không có ai mở cửa, ông đành quay về, nhưng khi đến cổng thì có người phía trong đi ra. Họ hô hào là có trộm. Ông Bảy vẫn bình tĩnh nói “chú không phải trộm, chú là chú Bảy, chú đến để nói chuyện với cháu”.
Chưa rõ điều gì, gia đình Tân Tuấn có 4 người lao vào đánh ông Bảy, trong lúc chống cự, ông không may đánh vào 2 người nhà gia đình này. Hàng xóm chạy đến xem thì anh Tuấn vào nhà ngậm thuốc đỏ và vu khống rằng ông Bảy xông vào nhà đánh mình.
Con nợ vẫn “sung túc” hơn chủ nợ
Theo phản ánh của người dân, hiện tại trên địa bàn xã Quỳnh Lập có 6 gia đình chuyên đi vay tiền của dân: gia đình Tân Tuấn (thôn Sơn Long), gia đình Hứa Vĩnh (thôn Sơn Long), gia đình Lương Dân (thôn Đồng Tiến), gia đình Tam Ngạn (thôn Tân Hải), gia đình Sơn Tánh (thôn Tân Thành), gia đình cô Lê Thị Lựu (thôn Đồng Mí)
Đặc biệt, nhiều người dân quá bức xúc nên đã cùng nhau thống kê lại tiền cho gia đình Lương Dân vay để làm đơn tố cáo và đề nghị Tòa án Nhân dân thị xã tiến hành điều tra. Có 29 hộ cho gia đình Lương Dân vay với tổng số tiền là 8.020.550.000 đồng. Được biết, đây vẫn chưa phải toàn bộ tổng số gia đình cho vay, vì “nể tình” bạn bè, người thân nên nhiều gia đình vẫn chưa làm đơn tố cáo.
Điều khiến nhiều người dân bức xúc là các gia đình này luôn trong tình trạng “kín cửa cao tường”, không ra khỏi nhà, đến giờ ăn sẽ có người ở xã khác ship đồ ăn đến.
Nhà Tân Tuấn bao giờ cũng kín cửa cao tường. Ảnh: T.Thuỳ |
Bà Trần Quỳnh Nga, thôn Đồng Tiến bức xúc: “Tôi chưa gặp trường hợp nào mà chủ nợ lại sống trong lo lắng, làm việc quần quật để kiếm tiền trả lãi, còn con nợ lại ung dung và không hề có tí lo sợ như thế này”.
Để giải hỗ trợ việc đòi nợ khó, được sự chỉ đạo của Ban Thường vụ Đảng Ủy xã, Hội Liên hiệp Phụ nữ, Đoàn Thanh niên, Hội Nông dân, Hội Cựu chiến binh, Ban Tư pháp và Công an xã Quỳnh Lập, Hội Phụ nữ xã đã thành lập tổ Hỗ trợ nhân dân viết đơn trình bày sự việc liên quan đến đòi nợ khó. Đơn trình bày sẽ được ban Tư pháp xã tổng hợp và phân loại gửi lên Phòng Tư pháp, Tòa án nhân dân, Viện Kiểm sát nhân dân thị xã. Các cơ quan liên quan tại thị xã sẽ có thông báo và hướng giải quyết đến người dân trong thời gian sớm nhất có thể.
Tác giả: Khuê Hiền
Nguồn tin: Doanh nghiệp & Đầu tư