Đồ cúng
|
Thứ bắt buộc phải có đầu tiên là đồ cúng. Theo phong tục của người Việt, quan niệm năm mới không chỉ của người sống mà người mất và các vị thần cũng cần được sắm sửa để đón năm mới. Việc chuẩn bị đồ cúng còn thể hiện sự tưởng nhớ và tri ân về nguồn cội và cầu mong gia đình được phù hộ để có một năm mới an khang thịnh vượng, mọi điều suôn sẻ.
Trên thực tế, những ngày cuối cùng của năm cũng như sang năm mới, mỗi gia đình đều tất bật cúng ông công ông táo, tất niên, giao thừa, hóa vàng... Thông thường, hàng hóa dịp lễ cũng rất khan hiếm và đắt đỏ, vì thế bạn nên chuẩn bị trước những món đồ này để tránh trường hợp không mua được vì hết hàng.
Mâm ngũ quả
|
Ngoài đồ cúng, mâm ngũ quả cũng rất quan trọng vào dịp cuối năm. Người Việt từ lâu đã có truyền thống thờ cúng ông bà tổ tiên, vì thế mâm ngũ quả là thứ không thể thiếu để dâng lên bàn thờ.
Tùy theo từng vùng miền, cách lựa chọn các loại quả để trưng lên mâm cũng khác nhau. Nếu miền Bắc chọn quả theo quan niệm ngũ hành với nải chuối làm trọng, thì người miền Nam lại lựa chọn bày những thứ quả đọc thuận theo phát âm, như quả mãng cầu, quả sung, quả dừa, đu đủ, xoài (ngụ ý là "cầu sung vừa đủ xài"). Còn người miền Trung thường đơn giản hơn, họ chọn cúng các loại quả theo mùa. Những thứ cần mua ngày Tết sao có thể thiếu mâm ngũ quả dâng lên bàn thờ tổ tiên.
Bánh, kẹo, trà, mứt Tết
|
Tết đến là dịp để chúng ta sum vầy, gặp gỡ, tụ họp. Những người con xa quê được trở về với cha mẹ. Những người bạn bè lâu năm được gặp gỡ nhau. Những người họ hàng được quây quần trò chuyện. Vì thế, để chuẩn bị cho các buổi gặp mặt thiêng liêng ấy, không thể thiếu những món ăn mang đậm hương vị Tết và cùng nhau chia sẻ nhiều câu chuyện xưa cũ cũng như dự định trong năm mới.
Có rất nhiều những món ăn vặt nhâm nhi phù hợp với ngày Tết. Bạn có thể tham khảo mua những loại hạt và trà ít đường tốt cho sức khỏe.
Bánh chưng, bánh giầy, bánh tét
|
Món ăn đặc trưng mang đậm hương vị Tết phải kể đến các loại bánh, nếu miền Bắc là bánh chưng, bánh giầy thì miền Trung, Nam là bánh tét. Theo quan niệm, những loại bánh này đều tượng trưng cho sự đủ đầy và hy vọng vào một năm mới sung túc, đầy đủ.
Tuy xã hội hiện đại khiến không còn quá nhiều người có tuổi thơ được thức đêm trông nồi bánh chưng, đặc biệt là ở những thành phố lớn. Nhưng món ăn truyền thống này luôn có trên mâm cúng và bữa cơm ngày Tết.
Hoa
|
Hương vị Tết sẽ chưa được trọn vẹn nếu trong nhà chưa một chậu hoa đặc trưng. Nếu miền Bắc có đào, quất thì miền Nam có hoa mai vàng, cúc vàng, vạn thọ,… Tất cả những loài hoa khoe sắc, mang ý nghĩa cầu chúc sung túc, tài lộc, sức khỏe, giúp tô thêm sắc xuân cho căn nhà.
Ngoài những loại cây trồng, bạn cũng có thể cắm thêm một bình hoa lay ơn màu đỏ để tạo điểm nhấn. Chào đón một năm mới luôn rực rỡ như hoa, bạn không nên bỏ lỡ việc sắm sửa này trong những ngày Tết.
Phong bao lì xì
Lì xì đầu năm là một phong tục của Tết cổ truyền dân tộc. Không chỉ mang ý nghĩa chúc nhau sẽ có được tiền tài vào năm mới mà còn thể hiện tình cảm và cầu mong những điều tốt đẹp, chúc sức khỏe bình an. Lì xì đỏ cũng tượng trưng cho sự may mắn.
|
Những món đồ trang trí
Ngày Tết, chúng ta thường trang hoàng lộng lẫy từ cổng, cửa nhà cho đến những cành cây để thể hiện và cầu mong vạn sự may mắn, rực rỡ. Rất nhiều gia đình đã bắt đầu mua sắm từ tết dương lịch với những hình dán con giáp, dây treo, đèn nhấp nháy,... để tạo nên một không khí vui tươi cho năm mới an lành.
Quà biếu
|
Quà biếu cũng là thứ rất quan trọng trong dịp Tết. Đây cũng là những món quà vô cùng ý nghĩa mà bạn dành tặng để tri ân công lao nuôi dưỡng của ông bà, bố mẹ. Ngoài ra, nó cũng thể hiện sự biết ơn và tình cảm mà bạn dành cho đồng nghiệp.
Quần áo mới
Năm mới ai cũng đều mong muốn được diện những bộ quần áo mới để dạo phố phường, đi chúc Tết họ hàng. Sắm sửa đồ mới còn là cách để bạn tự thưởng cho bản thân sau một năm làm việc mệt mỏi và vất vả. Đồng thời những bộ quần áo mới cũng là cách để bạn quên đi những điều đã cũ và chào đón một năm sắp tới với những điều mới mẻ đang chờ đón./.
Tác giả: CTV Bảo Linh
Nguồn ti: Báo VOV