Trong đó, phát triển hạ tầng đồng bộ về giao thông, khu công nghiệp; thu hút đầu tư; phát triển du lịch, đô thị ven biển; phát triển đánh bắt, nuôi trồng, khai thác thủy, hải sản… là những lĩnh vực được tỉnh Nghệ An đưa vào thứ tự ưu tiên hàng đầu, là yếu tố then chốt nhằm cụ thể hóa Nghị quyết số 36 về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, cũng như quan điểm về đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng kinh tế biển và vùng ven biển mà Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Nghệ An lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2020 - 2025 đã xác định.
Phát triển kinh tế biển chưa xứng với tiềm năng
Với chiều dài 82km bờ biển, diện tích vùng biển lên tới 761.000km2, cùng 06 cửa lạch lớn nhỏ và nhiều bãi biển đẹp, giàu tiềm năng, tài nguyên đa dạng và phong phú, Nghệ An có rất nhiều lợi thế để phát triển kinh tế biển bền vững. Đây cũng là địa phương có vị trí địa lý kinh tế - chính trị hết sức thuận lợi, vùng biển và ven biển được xem là cửa ngõ quan trọng không chỉ riêng của tỉnh Nghệ An mà cả khu vực Bắc Trung Bộ, là cầu nối đặc biệt quan trọng trong các hoạt động giao lưu, hội nhập quốc tế và bảo vệ chủ quyền đất nước.
Với lợi thế và tiềm năng đó, trong nhiều năm trở lại đây, tỉnh Nghệ An đã nỗ lực đẩy mạnh các giải pháp cơ cấu lại ngành kinh tế biển; tập trung phát triển chủ yếu trên lĩnh vực nuôi trồng, đánh bắt, chế biến thủy sản; du lịch; dịch vụ cảng… qua đó, đạt được nhiều kết quả tích cực, đáng ghi nhận; đồng thời, dần khẳng định được vai trò, vị thế quan trọng của tỉnh trong cơ cấu kinh tế chung của cả nước.
Nhiều khu du lịch lớn ở các địa phương ven biển như: Biển Cửa Lò, Diễn Thành, Cửa Hiền, Bãi Lữ, Vinpearl Cửa Hội,… đang dần trở thành điểm đến lý tưởng, hấp dẫn trong mắt du khách thập phương trong và ngoài nước.
Các cảng nước sâu Cửa Lò, cảng xăng dầu DKC, cảng Vissai Nghi Thiết cũng được đầu tư xây dựng, đưa vào sử dụng, đáp ứng nhu cầu vận tải bằng đường biển của các tập đoàn, doanh nghiệp lớn trong và ngoài tỉnh. Công tác quy hoạch, thu hút đầu tư, kết cấu hạ tầng ngày càng được tỉnh xem trọng, tập trung đầu tư đồng bộ, hiện đại hơn, tạo sự liên kết vùng và giao thông cho các địa phương ven biển của tỉnh.
Cơ sở hạ tầng các cảng biển nước sâu trên địa bàn tỉnh Nghệ An được đầu tư xây dựng đồng bộ và hiện đại. (Ảnh: Hồng Quang) |
Mặc dù kinh tế biển ở Nghệ An đã đạt được những kết quả khả quan, tuy nhiên, xét trên cơ sở thực tiễn thì đến nay, tỉnh vẫn chưa tạo bứt phá vượt trội và phát triển kinh tế biển còn chưa xứng với tiềm năng vốn có. Có thể điểm qua một số lĩnh vực điển hình trong cơ cấu kinh tế biển như: Lĩnh vực khai thác, đánh bắt hải sản chưa đạt hiệu quả và đang có dấu hiệu thoái trào trong thời gian gần đây.
Đơn cử là: Từ đội tàu đánh bắt trên 3.700 tàu (thị xã Hoàng Mai 885 tàu, huyện Quỳnh Lưu 585 tàu, huyện Diễn Châu 497 tàu, thị xã Cửa Lò 345 tàu...), trong đó gần 1.400 tàu đánh xa bờ có chiều dài từ 15m trở lên. Thế nhưng, đến nay, tỉnh Nghệ An chỉ còn 1.161 tàu và hàng năm không có tàu đóng mới. Đáng quan ngại hơn cả là hàng loạt các xưởng, cơ sở đóng tàu thuyền tại các xã Quỳnh Lập (thị xã Hoàng Mai), Quỳnh Nghĩa, Quỳnh Thọ (huyện Quỳnh Lưu), Làng nghề Trung Kiên (huyện Nghi Lộc) rơi vào khó khăn và buộc phải đóng cửa.
Hay như trên lĩnh vực dịch vụ vận tải biển, nếu so sánh tương quan với các tỉnh vùng Bắc Trung Bộ thì hệ thống cảng biển ở Nghệ An đang bị tụt hậu so với cảng nước sâu Nghi Sơn (Thanh Hóa) và cảng Vũng Áng (Hà Tĩnh) khi được đầu tư mới, đồng bộ, đáp ứng yêu cầu của các loại tàu siêu trường, siêu trọng - điều mà cảng Cửa Lò và một số cảng khác ở Nghệ An chưa có được.
Ngoài ra, du lịch biển ở Nghệ An mặc dù đã quay trở lại, phát triển mạnh mẽ sau đại dịch Covid-19 nhưng vẫn chưa xứng với tiềm năng. Thực tế cho thấy, hiện nay các khu du lịch biển trên địa bàn tỉnh Nghệ An vẫn chưa thực sự nổi bật trên bản đồ du lịch toàn quốc, nhất là trong so sánh với các tỉnh, thành ven biển của cả nước như: Quảng Ninh, Hải Phòng, Thanh Hóa, Đà Nẵng, Phú Yên, Khánh Hòa, Bà Rịa - Vũng Tàu,…
Đưa Nghệ An trở thành tỉnh mạnh về biển vùng Bắc Trung Bộ
Mới đây, nhằm tạo động lực cho kinh tế biển phát triển bền vững, tỉnh Nghệ An đã tổ chức Hội nghị bàn về dự thảo Nghị quyết của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng nâng cao hiệu quả thực hiện Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Dự thảo Nghị quyết do Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh đề ra mục tiêu tổng quát là đưa kinh tế biển Nghệ An đạt các tiêu chí về phát triển bền vững kinh tế biển, đóng góp nguồn ngân sách lớn cho tỉnh; tập trung nguồn lực đẩy nhanh tốc độ xây dựng Nghệ An trở thành tỉnh mạnh về biển của vùng Bắc Trung Bộ; hình thành văn hóa sinh thái biển; chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu, nước biển dâng; từng bước ngăn chặn, đẩy lùi xu hướng gia tăng ô nhiễm, suy thoái môi trường biển, tình trạng sạt lở bờ biển và xâm nhập mặn; phục hồi và bảo tồn các hệ sinh thái biển.
Đưa kinh tế biển Nghệ An phát triển bền vững là mục tiêu trọng tâm mà các cấp, ngành tỉnh đặt ra trong những năm tiếp theo. (Ảnh: Hồng Quang) |
Đồng thời, kết hợp chặt chẽ phát triển kinh tế biển gắn với đảm bảo quốc phòng - an ninh, bảo vệ chủ quyền lãnh thổ; đẩy nhanh xây dựng, phát triển khu kinh tế, khu công nghiệp, dịch vụ logistics, khu đô thị, khu du lịch ven biển theo hướng tiếp cận mô hình sinh thái, có sức hấp dẫn các nhà đầu tư, góp phần đưa Nghệ An trở thành địa phương có kinh tế - xã hội phát triển nhanh, bền vững.
Dự thảo Nghị quyết cũng đã xây dựng hệ thống chỉ tiêu cụ thể về kinh tế, xã hội, môi trường của vùng ven biển đến năm 2025, 2030, cũng như tầm nhìn đến năm 2045; đồng thời, xây dựng 04 nhiệm vụ trọng tâm, 03 đột phá chiến lược và 05 giải pháp chủ yếu.
Cụ thể, chỉ tiêu tốc độ tăng trưởng cho vùng ven biển đến năm 2025 và 2030 lần lượt theo thứ tự là 10,5 - 11,5% và 12,5 - 13,5%; cũng như mục tiêu giá trị tăng thêm đầu người của vùng này đạt 106 triệu đồng vào năm 2025 và 248 triệu đồng vào năm 2030. Tỷ trọng đóng góp kinh tế ngành du lịch vùng ven biển chiếm hơn 50% (đến năm 2025) và chiếm hơn 75% (đến năm 2030) kinh tế ngành du lịch toàn tỉnh; xây dựng và hoàn thành cơ bản kết cấu hạ tầng khu bến chính cảng nước sâu Cửa Lò; xây dựng cơ bản hoàn thiện tuyến đường ven biển Nghi Sơn - Cửa Lò. Tổng sản lượng khai thác thủy sản biển và nuôi trồng thủy sản vùng ven biển ước đạt khoảng 209.000 tấn (năm 2025), 227.000 tấn (năm 2030).
Cùng với đó, 100% chất thải nguy hại, chất thải rắn sinh hoạt ở các địa phương ven biển được thu gom và xử lý đạt quy chuẩn môi trường; 100% khu kinh tế, khu công nghiệp và khu đô thị ven biển có hệ thống xử lý nước thải tập trung, đáp ứng các quy chuẩn, tiêu chuẩn về môi trường. Quản lý và bảo vệ tốt các hệ sinh thái biển, ven biển và hải đảo. Đồng thời, tiếp tục thu hút đầu tư nâng cấp, mở rộng khu bến cảng Cửa Lò, một số bến của khu bến cảng Đông Hồi.
Định hướng đến năm 2045, Nghệ An trở thành tỉnh có kinh tế biển phát triển bền vững, an ninh, an toàn; kinh tế biển đóng góp quan trọng vào GRDP của tỉnh nói riêng và cả nước nói chung, góp phần thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ chính trị, kinh tế, xã hội.
Với những nội dung, kế hoạch có trọng tâm, trọng điểm, các giải pháp mang tầm chiến lược mà tỉnh Nghệ An đưa ra, hy vọng rằng, trong tương lai gần, ngành kinh tế biển của tỉnh sẽ sớm vươn mình cất cánh, nâng tầm vị thế để trở thành tỉnh mạnh về biển của vùng Bắc Trung Bộ nói riêng và cả nước nói chung.
Tại phiên họp thường kỳ tháng 1/2023, các đồng chí trong Ban Thường vụ Tỉnh ủy Nghệ An đã thống nhất cao việc ban hành Nghị quyết về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng nâng cao hiệu quả thực hiện Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; đồng thời, góp ý kiến nhiều nội dung liên quan đến căn cứ, bố cục, một số chỉ tiêu cụ thể, thứ tự ưu tiên phát triển kinh tế biển. Trong đó, liên quan đến thứ tự ưu tiên phát triển kinh tế biển, trên cơ sở phân tích hiện trạng, yêu cầu đặt ra trong thực tiễn, người đứng đầu Tỉnh ủy Nghệ An chỉ rõ: Ưu tiên số một vẫn phát triển hạ tầng đồng bộ Cảng biển nước sâu, Cảng Hàng không quốc tế Vinh, đường ven biển, đường kết nối Vinh - Cửa Lò, các đường trục ngang. Đồng thời, tỉnh cần tiếp tục phát triển các khu công nghiệp ven biển VSIP Nghệ An II ở Diễn Châu, mở rộng khu công nghiệp WHA ở Nghi Lộc và phát triển các khu công nghiệp Hoàng Thịnh Đạt I, II ở thị xã Hoàng Mai; thu hút các nhà đầu tư hạ tầng khu công nghiệp hiện đại, đảm bảo hạ tầng và xử lý môi trường tốt, có giá cho thuê hợp lý để thu hút các nhà đầu tư thứ cấp; gắn với mở rộng, phát triển Khu Kinh tế Đông Nam thành khu kinh tế năng động. Thứ hai, là tỉnh cần tập trung thu hút đầu tư vào khu vực này gắn với ban hành các chính sách thông thoáng, ưu đãi về thuế, giá đất để thu hút đầu tư; chú ý đến logistics và vận tải biển để tăng sức cạnh tranh, tạo thuận lợi cho nhà đầu tư. Thứ ba, là tập trung phát triển du lịch ven biển và đô thị ven biển trên cơ sở phải bảo vệ, thực hiện tốt quy hoạch, đảm bảo quỹ đất để phát triển công nghiệp, đô thị, du lịch một cách hài hòa. Thứ tư, là phát triển đánh bắt, nuôi trồng và khai thác thủy, hải sản./. |
Tác giả: Hồng Quang
Nguồn tin: reatimes.vn