|
Sáng 23/9, do mưa lớn kéo dài, nhiều tuyến đường ở Tp.Vinh, tỉnh Nghệ An bị ngập cục bộ. Hầu hết trường học trên địa bàn đã thông báo cho học sinh nghỉ học, lịch học bù sẽ được thông báo sau. Tuy nhiên, có một số trường vẫn cho học sinh đi học khiến nhiều phụ huynh lo lắng. Nhiều người lo sợ mưa to, đường ngập học sinh sẽ "mắc kẹt", không về nhà an toàn.
Mưa lớn kéo dài khiến các tuyến đường trên địa bàn Tp.Vinh ngập cục bộ. |
"Sáng 23/9, trên địa bàn Tp.Vinh có 55/65 trường mầm non, 32/35 trường tiểu học cơ sở, 21/28 trung học cơ sở cho học sinh nghỉ học. Một số trường vẫn cho học sinh đi học thì thời điểm mưa to, giáo viên tổ chức ôn tập cho các cháu. Khi mưa nhỏ hơn thì các trường chủ động thông báo cho phụ huynh đến đón học sinh về. Theo báo cáo, đến 10h15 cùng ngày thì các trường đã cho học sinh về, không có chuyện học sinh bị "mắc kẹt". Phòng cũng đã quán triệt các trường thông báo cho phụ huynh đến đón các cháu, tuyệt đối không cho học sinh tự ý về. Chiều nay, các trường đã thông báo cho học sinh trên địa bàn nghỉ học", thầy Lê Trường Sơn - Phó Trưởng phòng Giáo dục Tp.Vinh cho biết.
Tp.Vinh - Nghệ An ngập sâu, ô tô chết máy hàng loạt. |
Trao đổi với PV Người Đưa tin vào trưa 23/9, ông Nguyễn Trọng Hoàn - Chánh văn phòng Sở Giáo dục và Đào tạo Nghệ An, cho biết, trước đó Sở đã có công văn hướng dẫn và yêu cầu các trường căn cứ tình hình thực tế để chủ động cho học sinh nghỉ học, đảm bảo an toàn khi thời tiết có mưa lớn, ngập lụt. Trong kế hoạch của tỉnh, trong quyết định nghỉ học năm học của sở, các bản hướng dẫn trong năm học cũng như hướng dẫn phòng chống bão lụt đều đã có. Sở yêu cầu các trường căn cứ tình hình thực tế để chủ động cho học sinh nghỉ học, đảm bảo an toàn. Việc thông báo với học sinh và phụ huynh phải kịp thời để tránh trường hợp các em không nhận được thông báo mà đến trường, nguy hiểm đến tính mạng.
"Trường hợp các em đã đến trường rồi thì các giáo viên tổ chức ôn tập, không dạy bài mới. Trong thời gian đó, giáo viên phải thông báo cho phụ huynh đến đón, không để các em tự về nhà. Nếu cần thiết nữa thì báo cáo nhanh lên đơn vị quản lý trực tiếp như phòng, huyện, sở,…để có những phương án đưa các em về. Ví dụ nếu các tuyến đường ngập sâu, các phương tiện không di chuyển được thì trường nhờ địa phương điều động những xe đặc dụng để đưa học sinh về. Những đơn vị ở vùng núi cao, các em học sinh học bán trú hoặc nội trú thì phải thường xuyên kiểm tra, giám sát. Nếu có dấu hiệu sạt lở thì có những phương án đưa các cháu đến vùng an toàn", ông Hoàn cho biết thêm.
Tác giả: Hà Thị Hằng
Nguồn tin: nguoiduatin.vn