Cộng đồng mạng

Mốt mới: Livestream đám tang cho bạn bè Facebook cùng xem

Trào lưu này đang bắt đầu xuất hiện và phát triển với tốc độ không chậm.

Ngày nay, selfie đã trở nên phổ biến đến mức nó đã gây ra không biết bao nhiêu trường hợp "dở khóc dở cười", ví dụ như selfie trong đám tang. Không khó để tìm thấy một bức ảnh selfie đám tang nếu bạn dùng đúng từ khoá, và thậm chí còn có người còn "đổi mặt" hoặc thêm filter (tính năng chụp ảnh Face Swap trên Snapchat) với người đã khuất.
(Ảnh minh hoạ)

Vì sao nó lại không phù hợp? Lí do rất đơn giản: đám tang là một dịp mang tính cá nhân rất cao, cho nên việc chụp ảnh và để hashtag như #đámtang #buồn #chiabuồn sẽ trở thành việc không tôn trọng sự riêng tư của người khác. Hãy cứ tưởng tượng bạn sẽ thấy như thế nào nếu có người cứ cắm mặt vào điện thoại và chụp ảnh khi chiếc hòm đang từ từ hạ xuống 3 tấc đất?

Và rồi có một trào lưu mới, đó chính là việc livestream đám tang. Đây không phải là việc sẽ diễn ra trong tương lai, mà hiện tại nó đã trở thành một trào lưu ở một số nơi trên thế giới.

(Ảnh minh hoạ)
.
John Everlyn, 33 tuổi, người đã mất đi người anh rể của mình. Vì gia đình của anh rể ở xa và không thể đến dự được, cho nên người thân của anh ấy đã quyết định livestream đám tang để những người không thể tham dự có thể theo dõi toàn bộ buổi lễ ấy qua mạng. "Điều tôi thấy kỳ lạ là mọi người cứ nghĩ việc đó là bình thường khi người thân dự đám tang qua mạng như vậy", Everlyn cho biết.
Một cuộc khảo sát tại Anh Quốc cho thấy số lượng nhà tang lễ có dịch vụ livestream đám tang đang càng ngày càng tăng vì nhu cầu cực lớn từ khách hàng. Đại diện của dịch vụ tang lễ CJ Reilly (Anh Quốc) cho biết quy trình đám tang hiện nay đều được thiết kế lại để mọi người dễ theo dõi hơn khi livestream, và hầu hết mọi khách hàng đều đang cân nhắc chuyển qua loại hình mới này.

(Ảnh minh hoạ)

Trong khi chỉ có 26% tổng số người trên 55 tuổi cho biết họ sẽ xem đám tang người thân trên livestream nếu họ không thể đến dự, con số này ở các bạn trẻ sinh năm 2000 trở lên là khoảng 33%.

Amy, 27 tuổi, người Úc đang sinh sống tại London, đã xem livestream đám tang ông nội cô tại quê nhà. "Tôi thấy chẳng có gì kỳ lạ về cách dự đám tang mới như này. Chỉ là tôi hơi buồn vì không có mặt tại quê nhà để dự mà thôi. Tuy nhiên sau khi xem livestream xong thì nó khiến tôi suy nghĩ, vì tại căn phòng đêm trước tôi xem phim trên Netflix thì đêm hôm sau tôi lại ngồi đúng ngay tại vị trí đó để xem đám tang của người thân rồi", Amy cho biết.

Trong khi livestream đám tang là một loại hình mới, nhưng các nhà tang lễ đã được tiếp xúc với công nghệ tương tự từ nhiều năm nay. "Một số người đã yêu cầu chụp ảnh và quay video buổi lễ, miễn là nó được thực hiện một cách kín đáo. Nhờ cách này người thân có thể xem lại quang cảnh, lời nói và hành động của những người đến dự. Con người chúng ta luôn muốn lưu giữ kỷ niệm để có thể xem lại trong tương lai, và đám tang tuy là một kỷ niệm buồn cũng không phải là một trường hợp ngoại lệ", Andrew Leverton đến từ nhà tang lễ Leverton and Sons (Anh Quốc) cho biết.

4 88
(Ảnh minh hoạ)

Một số người lo ngại rằng việc livestream đám tang sẽ khiến nó mất đi sự thiêng liêng khi mà những người không thể đến dự lại thể hiện sự buồn rầu của họ qua một chiếc màn hình. Tuy nhiên Marc Hekster, chuyên gia tư vấn tâm lý tại Insight London, lại cho rằng nếu livestream đám tang có thể gắn kết cảm giác của nhiều người lại với nhau thì nó sẽ là một điều tốt.

Với những người xem livestream, diễn biến tâm trạng của họ tiến triển theo cách khác.

Đám tang là một nghi thức quan trọng mà ở đó mọi người sẽ dành tặng những lời chia buồn sâu sắc nhất đối với người đã khuất. Những người xem livestream ở nhà sẽ không bao giờ có một cảm giác tương tự như vậy, thậm chí họ có thể vừa ăn trưa vừa xem đám tang hoặc làm bất cứ điều gì họ muốn. Thực sự sẽ không ai biết chúng ta làm gì trong khi xem livestream đám tang cả. Cái cảm giác dự đám tang "thật" sẽ không bao giờ thể hiện được hết trên livestream.

Dẫu biết vậy nhưng thực sự có nhiều người vì lí do cá nhân đã không đến dự đám tang được. Cho nên chúng ta nên thông cảm với trào lưu này. Chiếc camera đã và đang trở thành thứ để mọi người có thể kết nối với nhau bằng cách này hay cách khác, thậm chí khi họ đã qua đời.

(Ảnh minh hoạ)

Dự kiến trong khoảng chục năm nữa, livestream đám tang sẽ trở thành sự lựa chọn hàng đầu cho các đám tang trên thế giới. Liệu bạn sẽ tham gia hình thức đám tang theo kiểu này, hay vẫn đến chia sẻ nỗi buồn theo cách cổ điển?

Tác giả bài viết: Tân Phan

Nguồn tin:

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP