Du lịch

Lý do khiến 9.999 căn phòng trong Tử Cấm Thành không có lấy 1 nhà vệ sinh

Được xây dựng vào năm 1420, Tử Cấm Thành tọa lạc trên khu đất 720.000 m2 ở thủ đô Bắc Kinh, Trung Quốc dù có 9.999 căn phòng nhưng lại không có bất cứ nhà vệ sinh nào.

Tử Cấm Thành là phức hợp cung điện rộng lớn nhất thế giới, nơi sinh sống của vua chúa nhà Minh và nhà Thanh cùng hàng vạn thái giám, cung nữ, kẻ hầu người hạ.

Ngay từ đầu, hoàng cung rộng lớn này hoàn toàn không được thiết kế nhà vệ sinh. Tất cả nhà vệ sinh công cộng hiện nay đều được xây dựng trong thời hiện đại vì mục đích phục vụ khách du lịch và nhân viên làm việc tại đây.

Tử Cấm Thành rộng lớn có 9.999 căn phòng (Ảnh: Sohu)

Tìm hiểu về cuộc sống sinh hoạt của vua chúa thời xưa, nhiều người không khỏi thắc mắc khi không có nhà vệ sinh thì những người sống trong cung làm thế nào để "giải quyết" nhu cầu căn bản hàng ngày.

Giải pháp cho vấn đề trên khá đơn giản đó chính là các "nhà vệ sinh di động". Nói cách khác, đó chính là những thùng gỗ được đặt ở những nơi kín đáo, để cho thái giám và cung nữ "sử dụng" mỗi khi cần.

Khác với tầng lớp nô tì, thái giám, vua chúa sẽ sử dụng những chiếc thùng cao cấp hơn được gọi là quan phòng. Các quan phòng được làm từ những loại gỗ quý, có mùi hương, bao quanh bởi những mảnh gỗ thơm.

Quan phòng của vua chúa Trung Quốc thời xưa (Ảnh: QQ).

Nhiều chiếc quan phòng còn được thiết kế đệm gấm, có chỗ gác tay hai bên để giúp cho người dùng có thể ngồi một cách êm ái, thoải mái nhất. Về cơ bản, nó khá giống với bồn cầu vệ sinh hiện đại ngày nay, chỉ có một điểm khác là không thể xả nước được. Giấy vệ sinh mà vua chúa sử dụng thậm chí còn được xịt nước ấm, ủi cho mềm mịn.

Chiếc quan phòng được thiết kế khá cầu kỳ (Ảnh: Sohu)

Tất cả chất thải trong cung sẽ được một bộ phận chuyên trách chở ra bên ngoài cung điện. Những chiếc thùng chứa sau đó được vệ sinh, cọ rửa sạch sẽ để đảm bảo không phát ra mùi hôi, ảnh hưởng đến không gian trong cung.

Tử Cấm Thành được xem là nơi ở của "thiên tử" (Ảnh: Sohu)

Tử Cấm Thành tập hợp gần 9.999 phòng ốc xa hoa, lộng lẫy, nhiều cung điện được thiết kế vô cùng tráng lệ, cầu kì. Vậy lẽ nào, hệ thống nhà vệ sinh lại làm khó những "nhà thiết kế" thời xưa?

Lý giải về điều này, các nhà nghiên cứu cho hay, do khoa học kỹ thuật thời cổ đại còn hạn chế nên chưa tìm ra "kỹ thuật" xử lý mùi hôi của chất thải. Đặc biệt, việc xây dựng hệ thống nước, xả thải thời xưa là không thể.

Nếu hàng nghìn người phóng uế trong Tử Cấm Thành thì nhất định sẽ khiến không gian nơi đây không hề dễ chịu chút nào. Điều này không có lợi cho việc duy trì uy nghiêm của hoàng tộc. Tử Cấm Thành là nơi ở của "thiên tử" vì vậy, không gian lúc nào cũng phải sạch sẽ, thơm tho.

Việc sử dụng các nhà vệ sinh di động vì thế được đánh giá là giải pháp thân thiện với môi trường và đảm bảo được sự tôn nghiêm của hoàng đế, sự uy nghi của chốn cung điện nơi người thường không thể nào đặt chân tới.

Tác giả: Hồng Anh

Nguồn tin: Báo Dân trí

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP