Du lịch

Đồi phong thủy "trấn áp" long mạch và che chắn Tử Cấm Thành

Là ngọn đồi nhân tạo ở thành phố Bắc Kinh, Trung Quốc, đồi Cảnh Sơn được đắp hoàn toàn bằng sức người với mục đích như "đồi phòng vệ" để trấn áp long mạch và che chắn Tử Cấm Thành.

Vào thời nhà Minh và nhà Thanh, thành phố Bắc Kinh thiết lập 5 trấn ở 5 hướng gồm nam, đông, tây, bắc và trấn trung tâm là Cảnh Sơn. Ngoài vai trò như một "đồi phòng vệ" để trấn áp long mạch, đồi Cảnh Sơn còn đóng vị trí rất quan trọng.

Năm 1421, vị vua thứ ba cả triều Đại Minh - Minh Thành Tổ (Chu Đệ) ra lệnh dời đô từ thành phố Nam Kinh về Bắc Kinh. Vị vua này không muốn nơi ở cũ của Hoàng đế triều Nguyên - Diên Xuân Các tồn tại trong hậu viện nên đã xóa sổ.

Cảnh Sơn là ngọn đồi phong thủy đóng vai trò rất quan trọng với Tử Cấm Thành.

Năm 1416, khi tiến hành thi công thành Bắc Kinh, vua Chu Đệ yêu cầu dời tường thành phía bắc của Cố Cung dịch về phía nam 500 m. Diên Xuân Các không còn nằm trong Cố Cung. Để xóa sổ nơi này, ông ra lệnh đắp đất tạo nên ngọn đồi nhân tạo, lấy tên là Trấn Sơn. Mục đích này để áp chế ngăn nguy cơ triều Nguyên trỗi dậy. Sau này, ngọn đồi được gọi là Cảnh Sơn.

Ngọn đồi nhân tạo cao gần 46 m, đào hoàn toàn bằng đất trong việc xây dựng những con hào ở Tử Cấm Thành và những con kênh gần đó. Đồi Cảnh Sơn có 5 đỉnh đồi riêng biệt. Trên đỉnh của mỗi đỉnh lại là một sảnh đường được thiết kế rất tỷ mỉ và công phu. Những sảnh đường này được sử dụng cho hoạt động giải trí.

Cảnh Sơn sau khi hình thành lại gây ra vấn đề mới. Trước kia, nhà Hán học Lưu Bỉnh Trung dựa theo thái cực bát quái để tạo nên kinh đô cũ. Thành Bắc Kinh lấy khu vực cầu Ngân Đĩnh làm trung tâm, phát triển ra 4 hướng theo bố cục phong thủy cát tường.

Nhưng khi tường thành phía bắc của Cố Cung bị dịch về phía nam 500 m thì phong thủy thành Bắc Kinh cũng thay đổi. Điểm trung tâm thành cũng dịch chuyển xuống phía nam. Vị trí này chính là đồi Cảnh Sơn. Thay đổi này khiến bố cục thành Bắc Kinh chuyển về phía nam, qua đó, hình thành nên quy hoạch của thành phố hiện tại.

Đồi Cảnh Sơn được coi là nơi khởi đầu của vương triều bền vững thời vua Chu Đệ, đồng thời là khởi đầu của một đô thị phồn thịnh. Tuy nhiên, đây cũng là nơi kết thúc của vua Sùng Trinh - Hoàng đế cuối cùng của triều Minh. Vị vua này thắt cổ tự vẫn năm 1644, chấm dứt triều đại nhà Minh, mở ra nhà Thanh - triều đại phong kiến cuối cùng của Trung Quốc.

Một góc của công viên Cảnh Sơn ngày nay.

Nếu như trước kia, đồi Cảnh Sơn được gắn liền với Tử Cấm Thành, thì sau này, công viên Cảnh Sơn chính thức thành lập vào năm 1949. Phía đông của chân đồi có dựng bia đá tưởng niệm vua Sùng Trinh, vị vua cuối cùng của Triều Minh. Những ngày cuối tuần, công viên là điểm đến của người dân địa phương tới vui chơi, tập thể thao...

Tác giả: Quốc Việt

Nguồn tin: Báo Dân trí

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP